ĐBQH Tổ 14 băn khoăn về quy định thu hồi đất vì lợi ích quốc gia công cộng

(BTV) Sáng 03/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Tại Tổ 14 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Phước. Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh điều hành phiên thảo luận.

 

quoc_hoi_thao_luan_to_ve_quy_dinh_thu_hoi_dat(1)

Các ĐBQH Tổ 14 phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận

Qua thảo luận, các đại biểu nhấn mạnh: Sau 8 năm thi hành, Luật Đất đai đã bộc lộ những bất cập, chưa thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành; Một số nội dung phát sinh mới nhưng chưa có quy định điều chỉnh,...Về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng (tại Điều 86), một số ý kiến cho rằng: Dự thảo Luật chưa cụ thể các điều kiện, tiêu chí, phân biệt,…giữa các dự án.

Theo ý kiến thảo luận của đại biểu Tổ 14: Để minh bạch trong thu hồi đất, tránh lạm dụng thu hồi đất tràn lan và khiếu nại, khiếu kiện, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người có đất thu hồi cần rà soát, quy định cụ thể rõ ràng hơn về các điều kiện, tiêu chí đối với trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; Đề nghị xem xét lại đối tượng nhận thông báo và chấp hành quyết định thu hồi đất tại Điều 91. Đối với việc bổ sung quy định về "Ngân hàng Đất nông nghiệp" tại Điều 124, là bước ngoặt trong tích tụ ruộng đất, nhưng cần bổ sung quy định về địa vị pháp lý, chức năng nhiệm vụ, tổ chức hoạt động của Ngân hàng đất nông nghiệp, nhằm bảo đảm tính khả thi, tránh chồng chéo. Về đăng ký giá đất, tại khoản 4 Điều 142, cũng cần phải cụ thể hơn.

Các đại biểu cũng cho rằng: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã nâng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình cá nhân từ 10 lần lên không quá 15 lần hạn mức; Đồng thời giao Hội đồng nhân dân tỉnh quy định hạn mức phù hợp, là khá linh hoạt. Song, như vậy vẫn sẽ gây khó khăn cho tích tụ đất trong sản xuất nông nghiệp. Do đó, cần mở rộng hạn mức lên 20 đến 25 lần, nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 18 đề ra.

Theo chương trình Kỳ họp thứ 4, từ chiều nay đến hết ngày 05/11, Quốc hội tiến hành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với các thành viên Chính phủ, về 04 nhóm vấn đề: Xây dựng, TT&TT, Nội vụ, Thanh tra. Trong chiều nay, các ĐBQH đã chất vấn Thành viên Chính phủ đầu tiên đó là Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị.

Sau phát biểu khai mạc của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành chất vấn Nhóm vấn đề thứ Nhất thuộc lĩnh vực xây dựng, xung quanh các nội dung: Thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý phát triển đô thị của Việt Nam nhất là ở các thành phố lớn; Việc di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô thành phố Hà Nội. Quản lý thị trường bất động sản; Việc xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong hoạt động giao dịch, huy động vốn, kinh doanh bất động sản. Việc xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, công nhân lao động, nhất là tại các Khu kinh tế, Khu công nghiệp và các thành phố lớn. Trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng trong xây dựng, ban hành, thực hiện các tiêu chuẩn kỹ thuật, đơn giá, định mức trong xây dựng cơ bản. Việc kiểm soát giá và bảo đảm nguồn nguyên, vật liệu để xây dựng các công trình, dự án, nhất là các dự án quan trọng quốc gia.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã trả lời, làm rõ những vấn đề ĐBQH đặt ra. Theo kế hoạch, Phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ tiếp tục trong 2 ngày tới, với các vấn đề thuộc 4 lĩnh vực: Xây dựng, TT&TT, Nội vụ và Thanh tra. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng và Bộ trưởng, trưởng một số bộ, ngành cũng tham gia trả lời chất vấn, giải trình, làm rõ hơn những vấn đề liên quan.

 Phi Trường, Đức Minh

Ý kiến bạn đọc - Gửi bình luận

Gửi bình luận

 

   

 

 

reset captcha

Gửi bình luận Nhập lại