(BTV) Sáng 29/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức hội nghị toàn quốc trực tiếp kết hợp với trực tuyến quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị khoá XIII về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở Vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045.Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì và có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng tại hội nghị. Cùng dự có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; các Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các địa phương trong vùng ĐBSH.
Tại điểm cầu Bắc Ninh, đồng chí Nguyễn Quốc Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì. Cùng dự có Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, Đoàn ĐBQH tỉnh; lãnh đạo các Ban Xây dựng Đảng, các sở, ngành của tỉnh. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới 124 điểm cầu với hơn 3.000 đại biểu tham dự.
![quan_triet](https://mam.bacninhtv.vn/MediaAssets/Asset/de13753e-f36b-1410-870d-00bf37637f81/Thumbnail)
Đồng chí Nguyễn Quốc Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại điểm cầu Bắc Ninh
Vùng ĐBSH là một trong sáu vùng kinh tế - xã hội của cả nước, gồm có 11 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên,Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình. Đây là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước; có vị trí rất thuận lợi, hội tụ nhiều lợi thế về phát triển kinh tế-xã hội cũng như công tác đối ngoại, nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc của dân tộc.
Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị được ban hành ngày 23/11/2022 về phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên cơ sở kế thừa Nghị quyết số 54 của của Bộ Chính trị khóa IX và Kết luận số 13 của Bộ Chính trị Khóa XI.
Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2030, vùng ĐBSH là vùng phát triển nhanh, bền vững, có cơ cấu kinh tế hợp lý, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn có giá trị kinh tế cao; trở thành trung tâm giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao của cả nước...
Năm 2045, ĐBSH là vùng phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái; Là trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực và thế giới; trung tâm hàng đầu của cả nước về văn hóa, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, chăm sóc y tế và sức khỏe nhân dân; Có kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại, thông minh...
Tại Hội nghị, Ban Cán sự Đảng Chính phủ và Ban Cán sự Đảng Quốc hội đã báo cáo chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết; các Bộ, ngành, địa phương tham luận các giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu tăng trưởng, đó là: Giai đoạn 2021-2030 GRDP của vùng đạt bình quân 9%. Đến năm 2030, GRDP vùng tăng khoảng 3 lần so với năm 2020; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 274 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 55%; 100% số đã đạt chuẩn NTM, trong đó ít nhất 50% số xã đạt NTM nâng cao, 20% số xã đạt NTM kiểu mẫu….
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Phát triển nhanh, bền vững vùng ĐBSH là trách nhiệm của các địa phương trong vùng và toàn hệ thống chính trị. Các địa phương trong vùng cần phải bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, khai thác, sử dụng có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế vượt trội; phát huy thật tốt vai trò là vùng động lực phát triển hàng đầu để định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Để tổ chức thực hiện có kết quả Nghị quyết lần này, Tổng Bí thư đề nghị, phải nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung của Nghị quyết, nắm vững những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những công việc phải làm. Trên cơ sở đó có sự thống nhất cao về ý chí, quyết tâm của cả nước, của toàn vùng, của từng địa phương trong vùng, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, phải khơi dậy và phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống văn hiến, cách mạng, tinh thần yêu nước; tính chủ động, sáng tạo; ý chí vươn lên, tự lực, tự cường của cán bộ, đảng viên và nhân dân các địa phương trong vùng; quyết vượt lên chính mình, khắc phục tư tưởng tự mãn, bằng lòng với những gì đã làm; trái lại, phải có ý chí và quyết tâm cao hơn nữa, quyết vươn lên làm cho bản thân, gia đình và quê hương, đất nước giàu mạnh và tốt đẹp hơn.
Trên cơ sở đổi mới về tư duy và nhận thức, vùng cần khẩn trương đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển. Chính phủ và các cơ quan ở Trung ương cần tăng cường phối hợp với các địa phương trong vùng sớm xây dựng, hoàn thiện, ban hành và triển khai thực hiện luật pháp, chính sách ưu tiên vượt trội, có tính đột phá cao cho phát triển vùng.
Tổng Bí thư yêu cầu ngay sau Hội nghị này, các cấp ủy và tổ chức đảng ở Trung ương và các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trong toàn hệ thống chính trị ở các địa phương trong vùng cần khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động, chương trình học tập, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết gắn với tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Kết luận tại điểm cầu Bắc Ninh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Quốc Chung yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, địa phương nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đối với Bắc Ninh, giao cho Ban cán sự UBND tỉnh, Đảng đoàn HĐND tham mưu cho Ban thường vụ, Ban chấp hành xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết; Các huyện, thành phố, các xã phường xây dựng chương trình hành động sát với tình hình của địa phương mình; Các cấp, các ngành khẩn trương hoàn thiện, tập trung công tác quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050; quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, điều chỉnh quy hoạch chung tỉnh Bắc Ninh đến năm 2045 làm cơ sở triển khai xây dựng các quy hoạch, đô thị phân khu; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ tạo sự kết nối vùng Bắc Ninh và các tỉnh lân cận trong vùng; tập trung rà soát lại các tiêu chí liên quan đến phát triển đô thị, các dư địa, động lực phát triển Kinh tế - Xã hội của tỉnh để xây dựng phù hợp với Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị. Trước mắt lồng ghép các nội dung của Nghị quyết 30 vào việc xây dựng và triển khai kế hoạch năm 2023 trên tinh thần tư duy mới, hành động mới và quyết tâm mới.
P.Hoa, Q.Hưng