(BTV) Sinh ra tại vùng quê có truyền thống khoa bảng lâu đời thuộc huyện Lương Tài, Tiến sĩ Bùi Quang Tề đã chứng minh được điều đó khi trở thành một trong những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản của nước nhà.

PGS.TS Bùi Quang Tề
Hành trình tạo nên chuyên gia hàng đầu
Nguyên Trưởng phòng Sinh học thực nghiệm Viện Nuôi trồng thuỷ sản I – PGS.TS Bùi Quang Tề sinh năm 1950 tại thôn Lai Tê, xã Trung Chính, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh, một vùng quê yên bình, giàu truyền thống hiếu học. Gần 50 năm miệt mài nghiên cứu với 24 công trình nghiên cứu khoa học, hơn 20 bài báo đăng tải,... người đàn ông ấy đã được coi là cây đa, cây đề trong lĩnh vực thuỷ sản ở nước ta.
Bén duyên với ngành nuôi trồng thủy sản từ những năm 1969, chàng trai trẻ Bùi Quang Tề lúc đó tràn đầy nhiệt huyết, dành trọn thanh xuân của mình để nghiên cứu khoa học. Năm 1979, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông xếp lại công việc, lên đường vào chiến trường Tây Nam chiến đấu. Hoàn thành nghĩa vụ, năm 1982, ông trở lại vai trò của một nhà khoa học với đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước: “Nghiên cứu ký sinh trùng cá nước ngọt và biện pháp phòng trị bệnh” và sau này là nhiều đề tài nghiên cứu cấp Bộ, cấp Nhà nước khác. Các đề tài nghiên cứu của ông được các nhà khoa học trong nước và quốc tế đánh giá cao và mang lại hiệu quả thực tiễn cao trong quá trình nuôi trồng thủy sản của bà con nông dân.

PGS.TS Bùi Quang Tề - Nhà khoa học tận tụy với nghề
Không chỉ nổi tiếng với các đề tài nghiên cứu khoa học, chuyên gia Bùi Quang Tề còn được biết tới trên cương vị là một nhà giáo ưu tú. Năm 1998, ông bắt đầu viết cuốn giáo trình “Bệnh học thủy sản”, trải qua nhiều lần sửa đổi và bổ sung cho đến năm 2006, cuốn giáo trình đã trở thành quyển sách gối đầu giường của nhiều thế hệ sinh viên ngành nuôi trồng thủy sản, các nhà nghiên cứu và đặc biệt là những người nông dân. Bên cạnh đó, ông còn là nhà khoa học đầu tiên trong việc nghiên cứu thuốc dùng cho phòng và chữa bệnh thủy sản bằng thảo dược.
Năm 2011, ông nhận nhiệm vụ làm trưởng nhóm chẩn đoán và chữa bệnh cho Rùa hồ Gươm. Dù phải chịu nhiều áp lực khi “cụ Rùa” là linh vật của đất nước, là biểu tượng tâm linh, nhưng ông vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, chữa khỏi bệnh thành công cho “cụ Rùa hồ Gươm”.

Ảnh minh họa
Tuổi già nhưng tâm không già
Năm 2012, ông nghỉ hưu, nhưng không vì thế mà công cuộc nghiên cứu của nhà khoa học tâm huyết dừng lại. Đã có nhiều công ty, đơn vị mời ông về làm việc, nhưng đều bị ông từ chối. Thay vào đó, ông muốn giành thời gian chuyên tâm nghiên cứu khoa học. Tâm niệm của ông là có thể giúp đỡ càng nhiều người càng tốt và nếu nhận lời của các công ty thì ông sẽ không thể làm được điều đó.
Ông chia sẻ: “Con cháu cũng cản, không cho tôi làm việc nữa, vì tuổi tôi bây giờ cũng đã không còn sức như trước nữa. Nhưng với tôi, nghiên cứu khoa học đã ăn sâu vào trong máu, là niềm vui lúc về già của tôi. Cho nên tôi vẫn tiếp tục hướng dẫn các sinh viên trên con đường nghiên cứu khoa học này.”

Dù tuổi cao, PGS.TS Bùi Quang Tề vẫn luôn đam mê nghiên cứu khoa học
Dù hiện tại sức khỏe của ông đã không còn như trước, nhưng khi có người cần giúp đỡ, hay như các hội thảo, các cuộc tọa đàm về những vấn đề trong ông vẫn sẵn sàng đến tận nơi để hỗ trọ họ, dù có là ở trong Nam hay trên vùng núi cao.
Mỗi năm, ông hướng dẫn hàng chục sinh viên ngành thủy sản, thú y của các trường trong cả nước đến thực tập. Bên cạnh đó, còn có các sinh viên cao học, nghiên cứu sinh và cử nhân sinh học cũng tìm đến ông. Nhiều người là học trò của ông sau khi ra trường đều có việc làm tốt, có người còn giữ những chức vụ quan trọng trong ngành. Có lẽ, đó là phần thưởng lớn nhất dành cho ông - một nhà khoa học tận tụy với nghề
Thu Huyền