Quốc hội thảo luận về các nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19 và y tế cơ sở, y tế dự phòng

(BTV) Ngày 29/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về báo cáo giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

toan_canh_hop_QH

Toàn cảnh phiên họp

Theo báo cáo của Đoàn Giám sát của Quốc hội: Để đảm bảo thực hiện mục tiêu “kép”, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù phục vụ công tác phòng, chống dịch. Đến hết năm 2022, tổng số tiền đã được huy động để phục vụ công tác phòng, chống dịch và an sinh xã hội là khoảng 230 nghìn tỷ đồng. Trên 11,6 nghìn tỷ đồng đã được huy động vào Quỹ Vắc-xin phòng COVID-19. Tiếp nhận khoảng 259,3 triệu liều vắc-xin phòng COVID-19. Đã có hàng triệu tình nguyện viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ, chiến sĩ tham gia tuyến đầu chống dịch,…

Về y tế cơ sở, y tế dự phòng, đến năm 2022, 100% các đơn vị hành chính cấp huyện đều có Trung tâm Y tế huyện, bệnh viện, 99,6% số xã, phường, thị trấn có Trạm y tế, 92,4% Trạm y tế xã có bác sỹ làm việc, trên 70% thôn, bản có nhân viên y tế. Y tế cơ sở và y tế dự phòng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và góp phần quan trọng vào thành công của công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là đối với đại dịch COVID-19. 

          Thảo luận tại hội trường, các đại biểu đánh giá cao những kết quả đạt được, đồng thời, làm rõ tồn tại, nguyên nhân và đề xuất giải pháp khắc phục trong việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19. Cụ thể: Hệ thống pháp luật hiện hành chưa điều chỉnh được các quan hệ, tình huống phát sinh. Việc quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán kinh phí phòng, chống dịch từ ngân sách Nhà nước trong và sau giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch còn chậm trễ, phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng chưa được giải quyết kịp thời, dứt điểm. Công tác quản lý, điều phối nguồn lực xã hội có lúc, có nơi còn hạn chế, lúng túng. Đã có những sai phạm nghiêm trọng trong huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch...

Đối với y tế cơ sở, y tế dự phòng, những vấn đề cần quan tâm là: Nhận thức về vai trò của y tế cơ sở, y tế dự phòng chưa đầy đủ; Tổ chức hệ thống chưa thực sự ổn định, mô hình quản lý Trung tâm Y tế huyện chưa thống nhất trên cả nước; Nhân lực y tế cơ sở, y tế dự phòng còn thiếu về số lượng, hạn chế về năng lực chuyên môn; Đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng còn chưa thỏa đáng,….Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ chuyên môn có đề án, chương trình thực hiện để đánh giá khách quan, toàn diện, qua đó xem xét lộ trình xây dựng hệ thống y tế thống nhất. Về đối tượng hưởng phụ cấp ưu đãi nghề 100% đối với công chức, viên chức tại các cơ sở y tế công lập, cần xem xét, nghiên phù hợp, bảo đảm công bằng cho các đối tượng đã trực tiếp tham gia phòng, chống dịch thời gian qua.

Phi Trường, Đức Minh

Ý kiến bạn đọc - Gửi bình luận

Gửi bình luận

 

   

 

 

reset captcha

Gửi bình luận Nhập lại