(BTV) Sáng 8/6, đồng chí Ngô Tân Phượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ trưởng Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công làm việc với các Sở, ngành và địa phương về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh.
Toàn cảnh hội nghị
Năm 2023, Ban Quản lý dự án xây dựng giao thông (Sở Giao thông vận tải) được phân bổ và sử dụng vốn 2.545,4 tỷ đồng cho 21 dự án. Đến nay, giá trị giải ngân đạt 395,3 tỷ đồng, đạt hơn 15 % kế hoạch. Theo chủ đầu tư Ban quản lý dự án Sở Giao thông vận tải, đối với các dự án chuyển tiếp khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là công tác giải phóng mặt bằng, đơn giá vật liệu (cát, đá...) tăng cao; Các dự án chuẩn bị đầu tư, khởi công mới còn gặp nhiều vướng mắc về thủ tục pháp lý.
Tại Hội nghị các Sở, ngành, địa phương cũng đã báo cáo tiến độ giải phóng mặt bằng liên quan đến các dự án BT, đường tỉnh 295B, vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội, Cầu Nét Yên Phong… Kiến nghị tỉnh cần sớm có giải giải pháp quyết liệt hơn nữa trong giải phóng mặt bằng, đền bù đất, tài sản trên đất để người dân đồng thuận tiếp tục triển khai dự án .
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Tân Phượng thống nhất ý kiến đóng góp của ngành Giao thông vận tải, các Sở ngành, địa phương.
.png)
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Tân Phượng khảo sát tại hiện trường công trình sử dụng vốn đầu tư công
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Tân Phượng yêu cầu các ngành địa phương cần tiếp tục thực hiện tốt công tác phối hợp trong giải phóng mặt bằng, chủ động theo thẩm quyền giải quyết công việc hiệu quả đảm bảo đúng trình tự pháp luật. Trong đó, liên quan đất tái định cư cấp uỷ chính quyền các địa phương cần xác định vị trí, đề xuất Sở Xây dựng hỗ trợ, giới thiệu địa điểm thuận lợi nhất. Quá trình tổ chức triển khai, yêu cầu tối thiểu cho các hộ tái định cư phải đảm bảo ngang bằng nơi ở cũ hoặc có lợi hơn khi đến nơi ở mới. Liên quan đến nguồn gốc lịch sử đất đai cần vận dụng tối đa chính sách đền bù, trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hộ, đảm bảo đúng trình tự, quy định của pháp luật. Đối với phần diện tích đất nông nghiệp (Trang trại), đất bán trái thẩm quyền, giao Sở Tài nguyên - Môi trường rà soát, thống kê nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh để báo cáo cấp có thẩm quyền có cơ chế đền bù, hỗ trợ khác, tạo sự đồng thuận của người dân trong đền bù giải phóng mặt bằng. Trong đó, đường Vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội chốt đúng thời gian cho phép theo đúng Nghị quyết của Chính Phủ.
Hữu Vang, Phạm Quý