Người Anh hùng trọn một lòng với Đền Đô

(BNTV) Đền Đô như một phần không thể thiếu của cuộc sống, hàng ngày, Nhà giáo Nhân dân - Anh hùng Lao động (NGND-AHLĐ) Nguyễn Đức Thìn vẫn lặng lẽ, miệt mài, hăng say giới thiệu vẻ đẹp, những giá trị lịch sử của Khu di tích Đền Đô tới bạn bè, du khách trong và ngoài nước khi đặt chân tới Đền Đô. Với ông, Đền Đô không chỉ là quê hương - nơi chôn rau cắt rốn của mình, mà còn là một phần tuổi thơ, là những năm tháng cùng ông lớn lên và trưởng thành.


NGND-AHLĐ Nguyễn Đức Thìn miệt mài với sáng tác văn chương.

Nhà giáo Nhân dân - Anh hùng Lao động (NGND-AHLĐ) Nguyễn Đức Thìn sinh năm 1940 tại Đình Bảng, thị xã Từ Sơn - một vùng quê hiếu học và giàu truyền thống yêu nước. 18 tuổi, chàng thanh niên Nguyễn Đức Thìn bắt đầu "bén duyên" với nghề giáo. Năm 1978, đang ở độ tuổi chín muồi của sự nghiệp, mới ngoài 30 tuổi, thầy giáo trẻ Nguyễn Đức Thìn dạy học tại Trường cấp II Liên Sơn nay là Trường THCS Tam Sơn bất ngờ phát hiện mình bị mắc căn bệnh phong. Những ngày tháng sống trong trại phong, thầy giáo trẻ đã phải chứng kiến biết bao mảnh đời bất hạnh do căn bệnh quái ác này gây ra. Thầy tự nhủ, mình phải sống, sống để còn giúp đỡ các em được học hành và làm những việc có ý nghĩa. 

Sau 4 năm vất vả điều trị, sức khỏe của ông đã đủ điều kiện để có thể trở về quê nhà sinh hoạt và làm việc bình thường. Gắn bó với lớp với trường tại bệnh viện phong như không thể rời xa, nhưng vì hoàn cảnh gia đình, một lần nữa ông đành phải gạt nước mắt trở về tường cũ, mang theo đôi bàn tay tật nguyền, tê cứng không cảm giác - di chứng của căn bệnh quái ác. Trở về trường cũ, ông tiếp tục đứng lớp và cống hiến hết mình cho sự nghiệp trồng người và phong trào "Nghìn việc tốt" do chính ông khởi xướng trước khi bị bệnh. Khi đó, phong trào "Nghìn việc tốt" lan tỏa khắp miền Bắc, thu hút sự quan tâm, hướng ứng nhiệt tình của toàn xã hội. 
 
 

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Thìn chụp ảnh lưu niệm với các du khách
 nước ngoài đến tham quan Đền Đô.

Với những đóng góp, cống hiến lớn lao đối với sự nghiệp giáo dục nước nhà, đặc biệt trong thế hệ học sinh ca ngợi, tôn vinh với phong trào “Nghìn việc tốt”, thầy giáo Nguyễn Đức Thìn đã được Nhà nước tặng thưởng những phần thưởng và danh hiệu cao quý: Anh hùng Lao động (1985), Nhà giáo Nhân dân (1988) cùng nhiều phần thưởng danh giá khác. Năm 1991, thầy Thìn về nghỉ hưu và công tác tại Đền Đô với vai trò là thành viên Ban Quản lý di tích, đồng thời là hướng dẫn viên cho khu di tích vì trước khi nghỉ hưu, ông là một trong những người viết đơn xin xây dựng lại Đền Đô. Khi Đền Đô được xây dựng lại, thầy Thìn lại kiêm nhiệm vụ bồi dưỡng và đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên du lịch. 

Không chỉ vậy, thầy giáo Nguyễn Đức Thìn còn được biết đến với khả năng sáng tác văn thơ, hội họa, nhiếp ảnh. Bệnh tật không làm trở ngại khát khao, ước mơ của con người, hơn thế nó càng làm con người ta trở nên mạnh mẽ, vượt lên số phận chiến thắng bệnh tật, hoàn cảnh cuộc đời. Trong khoảng thời gian tham gia sáng tác văn chương, NGND-AHLĐ Nguyễn Đức Thìn đã in và xuất bản được 13 đầu sách cùng hàng chục đầu sách in chung với bạn bè trong giới văn nghệ sĩ. Đặc biệt, trong những đầu sách do ông in ấn và xuất bản có đến hàng chục đầu sách viết về Đền Đô – nơi ông hàng ngày gắn bó với công việc thuyết minh, bồi dưỡng kiến thức lịch sử cho khách du lịch đến tham quan Đền Đô. 

Mới đây, ông cho xuất bản và ra mắt độc giả cuốn sách "“Di tích lịch sử văn hóa Đền Đô". Cuốn sách đã giới thiệu một cách hệ thống hóa và khá toàn diện về khu di tích Đền Đô, các di tích đền đài, chùa, tháp, lăng mộ thời Lý và các di tích lịch sử cách mạng của xã Đình Bảng; đồng thời giới thiệu công lao to lớn của các vị Vua triều Lý. Trong đó tập trung vào tả chi tiết khu di tích Đền Đô và lễ hội truyền thống vào rằm tháng ba âm lịch hàng năm. Tác phẩm cũng ghi lại những sự kiện lịch sử quan trọng như: Bác Hồ về thăm Đền Đô sau Cách mạng Tháng Tám, những lần viếng thăm Đền Đô của các đồng chí lãnh đạo Đảng, cuộc trở về của hậu duệ nhà Lý từ Hàn Quốc, quá trình phục dựng khu di tích Đền Đô… 

“Di tích lịch sử văn hóa Đền Đô” là một công trình khảo cứu khoa học về lịch sử và văn hóa Đình Bảng. Với NGND-AHLĐ Nguyễn Đức Thìn, ông đã dành trọn cả tình cảm với vai trò là người con của quê hương Đình Bảng, đồng thời dồn hết nhiệt huyết của một nhà giáo dạy và yêu lịch sử muốn truyền cảm hứng, vẻ đẹp của quê hương đến với du khách gần xa, bạn bè quốc tế khi ghé thăm khu di tích lịch sử Đền Đô, phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn.

Những cóp nhặt hàng ngày cùng những việc làm, đóng góp trong những năm qua của riêng cá nhân NGND-AHLĐ Nguyễn Đức Thìn - người con của quê hương Đình Bảng nói riêng và những người con của quê hương Kinh Bắc - Bắc Ninh nói chung đã và đang tô điểm thêm cho truyền thống văn hiến cách mạng với sự hiện hữu của những di tích lịch sử - nhân chứng hào hùng với thời gian. Di tích lịch sử Đền Đô - nơi thờ phụng 8 vị Vua triều Lý sẽ mãi là địa danh sáng chói ghi danh trên trang sử vàng của lịch sử dân tộc, được đời đời truyền tụng và vinh danh.
Mai Quế

Ý kiến bạn đọc - Gửi bình luận

Gửi bình luận

 

   

 

 

reset captcha

Gửi bình luận Nhập lại