(BTV) - Thời điểm Tết Nguyên đán là cao điểm mua sắm của người dân so với các tháng khác trong năm. Để tạo điều kiện cho nhân dân yên vui đón tết, ngoài dự tính, dự báo, lên kế hoạch cung ứng hàng hóa, các ngành, các cấp trong tỉnh đã có nhiều giải pháp để bình ổn, kiểm soát thị trường, đáp ứng đầy đủ các nhu cầu thiết yếu của người dân trên địa bàn tỉnh.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại các chợ, hệ thống siêu thị, đại lý, cửa hàng bán lẻ trên địa bàn tỉnh đã bày bán nhiều loại hàng hóa phục vụ Tết Nguyên Đán. Mặc dù lượng hàng bán ra trong những ngày này tăng gần gấp đôi so với ngày thường, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng: quần áo, thực phẩm, bánh kẹo, nước uống,… nhưng các chủ hàng đều có phương án chuẩn bị nguồn hàng, đảm bảo số lượng lẫn chất lượng hàng hóa cung ứng và bình ổn giá trên thị trường.
Giá cả các mặt hàng Tết trên thị trường vẫn giữ ở mức ổn định.
Bên cạnh việc giữ giá cả hàng hóa ổn định, nhiều cửa hàng còn áp dụng các chương trình khuyến mại, giảm giá các loại mặt hàng để kích cầu mua sắm dịp mua sắm cuối năm phục vụ Tết Nguyên đán. Theo đó, một số mặt hành bánh kẹo, nước uống giảm từ 5 - 10%; các mặt hàng khác như dầu ăn, nước rửa chén, gia vị được áp dụng các chương trình khuyến mại mua 2 tặng 1.
Chị Bùi Thị Cúc, khu phố Tân Lập, phường Đình Bảng cho biết: “Các loại mặt hàng tiêu dùng năm nay đặc biệt là các sản phẩm quà Tết trên thị trường khá đa dạng và phong phú, mẫu mã đẹp, có cả các sản phẩm đến từ các thương hiệu lớn trong nước và nước ngoài. Hàng hóa đều có xuất xứ rõ ràng, niêm yết giá đầy đủ, minh bạch. Giá cả các loại mặt hàng vẫn được giữ ổn định, không có dấu hiệu tăng so với ngày thường”.
Nhiều chương trình khuyến mãi đã được triển khai.
Theo kế hoạch, Sở Công thương tỉnh đã chủ động theo dõi sát diễn biến cung cầu, hàng hóa, dịch vụ nhất là các mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu mua cao hoặc có biến động giá trên địa bàn để có biện pháp xử lý kịp thời, không để xảy ra tình trạng thiếu nguồn cung, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến. Đồng thời, phối hợp tổ chức các hoạt động kết nối, xúc tiến thương mại, chương trình khuyến mại tập trung… để hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm an toàn, đặc sản vùng, miền kết hợp tạo nguồn hàng phục vụ Tết.
UBND các huyện, thị xã, thành phố cũng đã có chỉ đạo các đơn vị quản lý chợ, trung tâm thương mại tuyên truyền, hướng dẫn các hộ kinh doanh bán hàng văn minh, lịch sự; sắp xếp hàng hóa ngăn nắp, gọn gàng, tránh tình trạng lấn chiếm lối đi chung; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn phòng chống cháy nổ; thực hiện quy định về hoạt động thương mại dịch vụ. Các chiến dịch tuyên truyền cũng đã được triển khai để cung cấp thông tin minh bạch về giá cả và nguồn gốc hàng hoá. Điều này giúp người tiêu dùng hiểu rõ hơn về sự ổn định của giá và tạo sự hỗ trợ cho các biện pháp bình ổn giá.
Người dân mua sắm tại các siêu thị trên địa bàn.
Những chiến lược và biện pháp đã và đang được triển khai mang lại hy vọng về một thị trường ổn định và minh bạch, giúp cho người tiêu dùng an tâm hơn khi chuẩn bị Tết Nguyên Đán 2024 tràn ngập niềm vui và hạnh phúc.
Hệ thống cung ứng hàng hóa trên địa bàn tỉnh dịp Tết gồm các kênh bán hàng truyền thống và kênh bán hàng trực tuyến. Trong đó, kênh bán hàng truyền thống có 04 Trung tâm thương mại, trên 300 cửa hàng tiện ích và hệ thống cửa hàng tạp hoá, siêu thị, chợ trên địa bàn tỉnh… Các kênh bán trực tuyến tiện gồm: các sàn thương mại điện tử, bán hàng qua điện thoại, website, ứng dụng mua hàng…
Văn Đức - Thu Huyền