(BTV) - Bệnh hủi đã được đẩy lùi, Trại phong Quả Cảm (địa danh mỗi khi nhắc tên là ai ai sống trong thập niên 70 của thế kỷ trước cũng phải rùng mình) giờ đây đã thay da đổi thịt. Nơi ở của các bệnh nhân phong cô độc ngày nào giờ đã có thêm nhiều gia đình, trẻ nhỏ bình thường dọn đến sinh sống.
Tàn nhưng không phế
Trại phong Quả Cảm (nay là Bệnh viện Phong và Da liễu Bắc Ninh) thành lập năm 1913 từng là nơi "nội bất xuất, ngoại bất nhập”, nằm sâu bên trong Bệnh viện phong – da liễu Bắc Ninh dưới những ngọn đồi thuộc huyện Yên Phong. Trông vẻ ngoài, con đường bắc ngang qua bệnh viện vẫn tấp nập và đông đúc vì những người đi khám bệnh da liễu. Nhưng càng đi vào sâu bên trong, càng cảm nhận được sự vắng vẻ ở nơi đây.
Không gian vắng vẻ nơi trại phong.
Tổ trọng điểm (Khoa phong) là tổ đặc biệt nhất và cũng nằm ở nơi cao nhất của Bệnh viện Da liễu Bắc Ninh, nơi đây có khoảng 10 cụ già đang sinh sống. Họ đều là những người từng mắc bệnh phong nặng, cụt chân, cụt tay, hỏng mắt, điếc tai… không còn khả năng tự phục vụ nên được chăm sóc từ bữa ăn đến giấc ngủ, sinh hoạt cá nhân.
Nhiều bệnh nhân đã không thể tự chăm sóc cho bản thân
Thế nhưng, những bệnh nhân nơi đây không vì bản thân mang bệnh mà chở nên u sầu, buồn khổ. Với những người còn đủ sức khỏe, họ vẫn tự mình làm những công việc hằng ngày như: giặt quần áo, trồng rau, nuôi gà,…… Còn với những bệnh nhân không thể tự chăm sóc bản thân, họ vẫn làm thơ, ca hát, trò chuyện cùng với nhau mỗi ngày.
Niềm vui của họ cũng rất bình dị, đôi khi chỉ là được cho đồng quà, tấm bánh, đôi khi lại là những việc làm cỏn con trong cuộc sống thường ngày. Một bệnh nhân đã hào hứng chia sẻ với phóng viên: “Các cô biết không, trưa nay tôi bắt được một con chuột rất to định ăn gà con của tôi. Bắt được nó thế là tôi vui quá, phấn khởi đến không ngủ được.”
Đôi khi tự giặt được quần áo cũng đã làm cho họ vui vẻ
Dù có khiếm khuyết trên cơ thể nhưng không vì thế mà bệnh nhân nơi đây cảm thấy nhụt chí.
Nữ tu, Y tá Nguyễn Thị Xuân, một người đã gắn bó với trại phong Quả Cảm gần 40 năm cho biết: “Bệnh nhân nơi đây ai cũng có nhiều điều thiếu thốn, nhưng ở đây họ có nhau, chăm sóc và quan tâm lẫn nhau. Điều này cũng giúp cho bệnh nhân có thêm niềm tin vào cuộc sống
Cuộc sống mới
Dù mang trong mình những nỗi đau về cả thể chất lẫn tâm hồn, nhưng những con người nơi trại phong Quả Cảm vẫn nảy nở trong mình những tình cảm đáng quý.
Nhiều người sau khi vào trại phong Quả Cảm thì kết đôi với nhau. Các đám cưới diễn ra nhỏ gọn, hiếm khi có sự góp mặt của họ hàng 2 bên mà chỉ có các y, bác sĩ bệnh viện. Họ mượn đất của bệnh viện xây một căn nhà nhỏ, tận dụng những khoảng đất trống sau núi trồng luống rau, thả thêm mấy con gà trang trải cuộc sống. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm, với họ, cuộc sống chỉ cần bình yên thế là đủ. Trại phong giờ đây đã không chỉ có những cụ già cô quạnh, nơi đây bây giờ đã có cả những nụ cười của trẻ thơ, những gia đình nhỏ hạnh phúc bên nhau
Những gia đình nhỏ mang lại cho trại phong những niềm vui không thể tả.
Y tá Xuân cho biết thêm: “Bây giờ xã hội cũng đã hiểu biết hơn về bệnh phong, tuy vẫn còn những kỳ thị nhất định nhưng cũng đã rất khác xưa. Cách đây 15 hay 20 năm, ở đây chẳng ai dám vào, hoặc có người vào thì người ta có khi không dám ngồi, không dám uống nước cùng. Nhưng giờ thì thường xuyên có những đoàn khách đến thăm chỗ chúng tôi, họ ăn thậm chí ở cùng. Con cái của các bệnh nhân xưa kia tự ti lắm, vì họ bị phân biệt đối xử. Nhưng giờ thì cũng khác, các cháu đều ra ngoài lấy vợ lấy chồng”.
Những gia đình nhỏ này như một minh chứng sống cho nghị lực vươn lên của những người bệnh đang sinh sống và điều trị tại Bệnh viện Phong và Da liễu Bắc Ninh. Đối với họ, trại phong Quả Cảm là quê hương thứ hai, là nơi giúp họ được sinh ra thêm một lần nữa.
Văn Đức – Thu Huyền