Hiểm họa từ những bến phà ngang trên sông Đuống

Chủ đò, phà qua sông không chấp hành quy định trang bị phương tiện cứu sinh trên phương tiện, không yêu cầu khách qua sông phải mặc áo phao, không có biển hướng dẫn an toàn cho khách,.... Đó là một số sai phạm điển hình đang diễn ra tại hầu hết các bến đò, phà ngang sông Đuống trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

 

Thực trạng đáng lo ngại

 

Phà chủ yếu phục vụ nhu cầu đi lại của người dân đang sinh sống ven sông. Bến phà tự phát ở đây hoạt động khá tấp nập vì lượng khách lưu thông nhiều. Mỗi lượt qua sông người dân phải trả từ 10.000 đồng cho một lượt đi cho xe máy và 20.000 đồng cho ô tô . 

 

Ghi nhận của phóng viên, tại huyện Gia Bình hiện tại cứ khoảng 3 - 4 km là có một bến phà đang hoạt động. Tại bến Trì thuộc xã Giang Sơn, một ngày phà vẫn hoạt động từ 5 giờ sáng tới 6 giờ tối, cứ 10-15 phút lại có một chuyến phà. Các phà hầu như đã khá cũ, điều kiện cơ sở vật chất không đảm bảo, người đi đò không mặc áo phao. Vào những giờ cao điểm mỗi chuyến chở rất đông khách, đò bé nhưng chứa được 20-30 người chưa tính xe và hàng hóa.

 

Bên cạnh đó, tại khu vực chờ phà, công tác an toàn cho hành khách cũng không được đảm bảo. Hoàn toàn không có rào chắn hay biển báo nguy hiểm dành cho hành khách, khi chờ phà, hành khách buộc phải cẩn trọng nếu không xe sẽ bị lao xuống sông.

z5341125956349_5f79ffc8976baff7ed05965cc9be6f50

Nơi chờ phà không có rào chắn, biển báo an toàn cho hành khách

Nhiều phà do hoạt động lâu năm đã cũ kỹ và không đảm bảo để chuyên chở. Vậy nhưng, nhiều chủ phà vẫn bất chấp con nước lớn để hoạt động cả ngày đêm. 

Điều đáng chú ý là trên mỗi chuyến đò đều được trang bị áo phao, nhưng chúng chỉ được treo hoặc nằm lăn lóc trên mạn đò, không được sử dụng. Hầu hết hành khách đều cho rằng việc mặc áo phao rất cồng kềnh, làm bẩn trang phục, cảm giác khó chịu nên không ai muốn mặc và việc này cũng không được chủ đò nhắc nhở. 

Khi được hỏi rằng vì sao không nhắc nhở hành khách mặc áo phao, một chủ phà cho biết: “Tôi làm nghề đưa đò đã nhiều năm rất an toàn, không xảy ra chuyện gì nghiêm trọng. Người dân vẫn vui vẻ qua lại như thế, chẳng có vấn đề gì cả nên cũng không cần thiết phải mặc".

z5341125912745_2e26b4da4561930d517864ce0b2cbde4

Dù được trang bị nhưng những chiếc áo phao chỉ được xếp lại một xó

Cần nâng cao ý thức của người dân

Những chủ phà bất chấp nguy hiểm, những người dân không mảy may nghĩ đến an toàn tính mạng của bản thân mà ngày ngày qua sông trên những chuyến phà cũ kỹ, không áo phao… Cứ như vậy, hàng ngày họ phải đối mặt với tử thần nhưng họ không hề hay biết. 

Nhưng cũng không thể đổ lỗi cho chủ đò vì không nhắc nhở hành khách mặc áo phao, bản thân những người đi đò cũng không muốn mặc áo phao mặc dù nhận biết rõ được sự nguy hiểm của con sông Đuống. 

“Vẫn biết là nguy hiểm chứ, nhưng chỉ đi một đoạn mất vài phút, mặc áo phao rất bất tiện và vướng víu, lái phà cũng chả bắt phải mặc”,chị Nguyễn Thị Sang, một hành khách đi đò cho hay.

z5341125846942_458da5cfe82953374391e4904a895bb8

Hành khách ngồi trên xe, không mặc áo phao

Mặc dù đã có hai cây cầu là Kinh Dương Vương và cầu Hồ bắc qua hai bờ sông Đuống, nhưng nhiều người dân vẫn lựa chọn những chuyến phà ngang để di chuyển vì sự tiện lợi mà bất chấp các nguy cơ tiềm ẩn về tai nạn giao thông đường thủy. “Nhà gần bến phà nên đi một tí là đến bờ bên kia rồi, chứ vòng lên cầu thì bao giờ mới đến nơi. Mình đi nhiều nên cũng quen rồi, chả thấy sợ gì hết”. 

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đặc biệt có biện pháp chế tài đối với những bến hoạt động đò ngang không đảm bảo an toàn, hoạt động không phép, không đăng ký, đăng kiểm và nhất là người điều khiển phương tiện không có chứng chỉ chuyên môn.

Tuy nhiên theo chúng tôi, công tác phòng chống tai nạn tại các bến đò ngang cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành. Để thực hiện hiệu quả, các địa phương cần có quy hoạch cụ thể, tránh tình trạng phát triển tự phát; Kêu gọi đầu tư xây dựng cầu ở những nơi có nhu cầu đi lại cao, để người dân không phải đối mặt với hiểm họa của đò ngang. Đối với những nơi chưa thể xây dựng được cầu, nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, các địa phương cần tăng cường kiểm tra thường xuyên và đột xuất để khắc phục hạn chế; Đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, phương tiện, trang thiết bị bảo đảm an toàn; Tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho chủ đò. Bên cạnh đó, mỗi người dân cần nêu cao ý thức trách nhiệm bảo vệ tính mạng của mình, tự giác chấp hành tốt quy định an toàn khi đi trên các phương tiện giao thông đường thủy. Có như vậy, hiểm họa đò ngang mới có thể được đẩy lùi. 

Thu Huyền

Ý kiến bạn đọc - Gửi bình luận

Gửi bình luận

 

   

 

 

reset captcha

Gửi bình luận Nhập lại