(BTV) Du lịch vốn là một hoạt động trải nghiệm, khám phá, giúp du khách thư giãn, nghỉ ngơi. Vậy nhưng, hiện tại, du lịch còn gắn với những chuyến đi thiện nguyện như lên bản dạy chữ, hướng dẫn người dân làm homestay, … được những thanh thiếu niên trong độ tuổi mười tám đôi mươi tích cực tham gia.
Trưởng thành từ những chuyến đi
Thay vì lựa chọn những địa điểm du lịch hấp dẫn, những khu nghỉ dưỡng sang trọng, thời gian gần đây nhiều người lại có xu hướng tận hưởng chuyến du lịch của mình bằng cách đầy ý nghĩa: Du lịch kết hợp từ thiện. Với điểm đến thường là những nơi còn hoang sơ, khó khăn nhưng có nhiều lợi thế về cảnh quan, văn hóa bản địa.
Trở về sau chuyến đi thiện nguyện tới bản Sín Chải (Sapa) đã lâu nhưng phóng viên vẫn còn nhớ như in những kỷ niệm. Khi lên đến bản, ngoài các đồng bào dân tộc H’Mông, phóng viên còn có dịp gặp gỡ các bạn trẻ người thành phố, là những tình nguyện viên tham gia vào dự án “Thung lũng khói xanh” của chị Nguyễn Thị Phương Mai (một kiến trúc sư người Hà Nội) sáng lập nên.
Các em nhỏ dân tộc H’Mông tại bản Sín Chải
Sín Chải là một bản nhỏ cách trung tâm Sapa 5 km, tính từ nhà thờ Đá. Rất gần với trung tâm Sapa nhưng Sín Chải không bị ảnh hưởng của du lịch, người dân vẫn sống chủ yếu là làm nông nghiệp. Các gia đình tuy khó khăn nhưng vẫn cố gắng cho con đi học đầy đủ để mong thế hệ các con có thể đọc thông viết thạo tiếng Kinh để có những cơ hội việc làm tốt hơn cho tương lai, khi diện tích ruộng nương càng ngày càng bị thu hẹp.
Ở trường, các bạn người H'mông được học chương trình sách giáo khoa như các bạn dưới xuôi. Người H'mông học tiếng Kinh thì cũng giống như người Kinh học tiếng Anh, nó cũng là một ngoại ngữ đối với các bạn. Chính vì thế có rất nhiều bạn lớp 4-5 nhưng thậm chí vẫn chưa đọc thông viết thạo. Có rất nhiều bạn cố gắng lắm cũng chỉ học đến cấp 2 thì bỏ học. Khi bỏ học vài năm hầu hết sẽ lấy vợ, lấy chồng. Do đó, hiện tượng tảo hôn vẫn tiếp tục diễn ra. Chính vì thế, vài năm gần đây, chị Mai đã tổ chức lớp học mùa hè, giúp cho các bạn trong bản củng cố lại kiến thức. Khi các bạn hiểu bài thì các bạn sẽ lại yêu thích đi học, sẽ giảm được nạn tảo hôn.
Lớp học tiếng Anh của các em
Các bạn tình nguyện viên ngoài dạy học còn tham gia vào các hoạt động sản xuất của người dân địa phương như: Nhổ đay, nhuộm chàm… Từ những cậu ấm, cô chiêu thành phố, các bạn trẻ đã hoàn toàn hòa mình vào với thiên nhiên vùng Tây Bắc. Các bạn leo rừng, lội suối phăng phăng, biết được lá nào độc, quả nào ăn được, kỹ năng sinh tồn cũng được phát triển sau những chuyến cắm trại trong rừng
Trải nghiệm làm đồ Handmade của các bạn tình nguyện viên
Một bạn tình nguyện viên cho biết: “Đây là năm thứ ba em lên Sín Chải, mỗi năm em lại lên đây từ 1-2 tuần. Công việc của em là hỗ trợ các bạn trên đây học tập và tham gia lao động sản xuất các sản phẩm gây quỹ. Ban đầu chưa quen nên còn nhiều khó khăn, nhưng sau này khi đã quen rồi thì em lại cảm thấy rất vui. Thậm chí em còn cảm thấy khỏe mạnh hơn khi ở dưới thành phố.”
Vui nhất là khi được trao quà cho các em nhỏ
Cần phải đẩy mạnh hơn nữa
Khác với những chuyến đi thông thường, du lịch tình nguyện có hai phần, phần đầu là du lịch, khi mỗi “khách” đều được tham quan, nghỉ dưỡng ở những địa điểm đẹp, hấp dẫn. Phần còn lại của chuyến đi, khách du lịch thực hiện những hoạt động cộng đồng như: Dạy ngoại ngữ; Dạy các kỹ năng sống cho trẻ em; Tư vấn, định hướng làm du lịch cho bà con địa phương. Điều này đồng nghĩa với việc, người tham gia chuyến hành trình sẽ vừa là một du khách, vừa là một tình nguyện viên.
Du khách trải nghiệm khung cảnh hùng vĩ của bản Sín Chải
Cũng từ ước vọng có nhiều bàn tay cùng chung sức, nhiều ngọn lửa cùng thắp sáng, du lịch từ thiện hướng đến cộng đồng là một loại hình du lịch mới được triển khai và có thể áp dụng tại các vùng sâu vùng xa, nơi đời sống của người dân còn khó khăn và điều kiện học tập của trẻ em còn hạn chế. Theo du lịch từ thiện, trước khi chuẩn bị cho chuyến đi, du khách có thể mang những đồ đạc cũ của mình không còn dùng như: Quần áo cũ, chăn màn, sách vở... làm từ thiện cho người dân nơi họ sẽ đến. Ưu điểm của loại hình du lịch này là khá rẻ so với những gói tour khác.
Ánh mắt ngây thơ của các em nhỏ vùng cao khi gặp người lạ
Ngoài việc đi tặng quà, thăm hỏi đời sống bà con các dân tộc miền núi khó khăn, khách du lịch vẫn có thể tận hưởng những ngày nghỉ thư giãn, được đắm mình trong thiên nhiên và tình người. Du khách sẽ được trải nghiệm qua những công việc bình dị của người dân, cùng lên rẫy làm nương với họ, cùng giã gạo làm bánh, cùng ngồi bên bếp lửa nhâm nhi vò rượu cần. Cuộc sống ở đó khác so với chốn thành thị náo nhiệt và bận rộn.
Chị Hương (Bắc Ninh), một phụ huynh đưa con từ phố lên bản chia sẻ cũng chia sẻ, năm nào gia đình chị cũng sẽ tổ chức một du lịch từ thiện. Mỗi chuyến đi thường kéo dài 2-3 ngày, địa điểm chủ yếu là các xã nghèo vùng núi phía Bắc. Theo chị Hương, du lịch thiện nguyện tuy phải bỏ nhiều công sức nhưng lại luôn chứa đựng sự bất ngờ và đầy tính nhân văn. Sau mỗi chuyến đi, các bạn trẻ được bồi đắp tình yêu thương và nhìn cuộc sống đa chiều, những điều mà không phải sách vở nào cũng có. “Con tôi ban đầu không hào hứng khi tham gia các chuyến đi. Tuy nhiên, khi con được tận mắt chứng kiến cuộc sống khó khăn của các bạn nhỏ vùng cao, được trải nghiệm các hoạt động như: Leo núi, lội suối hay giúp đỡ người nghèo… thì đã rất vui và cảm thấy hạnh phúc khi mình đã làm được điều gì tốt. Sau mỗi chuyến đi, tôi nhận thấy con mình thay đổi rất nhiều, sống có trách nhiệm và biết quan tâm đến mọi người hơn”, chị Hương cho biết.
Đoàn của chị Hương tặng quà cho các em nhỏ
Tuy nhiên, du lịch thiện nguyện đòi hỏi những điều kiện mà không phải bất cứ ai, bất cứ lúc nào cũng có thể tham gia. Nhiều chương trình giới hạn số lượng thành viên để tập trung vào hoạt động một cách chuyên nghiệp, hiệu quả. Mặt khác, các thành viên tham gia thường phải qua một số cuộc sát hạch và tập huấn thêm để bảo đảm có sức khỏe tốt, kỹ năng vận động, giao tiếp, lòng nhiệt tình, ý thức tôn trọng văn hóa…
Tại một số địa phương, điểm du lịch cơ quan chức năng đã phải treo biển: “Đề nghị du khách không cho trẻ em tiền và kẹo bánh". Chính vì thế để những tour du lịch theo hình thức này thành công, đạt được mục đích, ý nghĩa vì cộng đồng thì ngoài năng lực tổ chức thì ý thức tham gia của các thành viên trong đoàn rất quan trọng. Khi lựa chọn hình thức du lịch này, du khách cần cân nhắc kỹ về các yếu tố như sức khỏe, sự nhiệt tình của bản thân với công tác từ thiện. Ngoài tấm lòng thì khả năng thích ứng, sự chia sẻ và đam mê dành cho hoạt đồng vì cộng đồng phải đủ lớn để đảm bảo chuyến đi đạt được mục đích trọn vẹn như ban đầu.
Thu Huyền