Dấu ấn đối ngoại Đảng trong nền ngoại giao Việt Nam: Bài 2: Khẳng định “tâm” và “tầm” của Đảng

Trong hàng loạt thông tin được viện dẫn để chống phá công tác đối ngoại Đảng, thế lực thù địch, phản động hướng mũi công kích vào việc quy kết: Đảng Cộng sản Việt Nam không hề và chưa hề có tên trên “bản đồ chính trường quốc tế”. Nếu có chỉ là sự bám víu, đối ngoại theo kiểu “nói leo, ăn theo”. Thế nhưng, đây thực chất chỉ là những lời “múa môi, sáo ngữ”, cố tình bóp méo, phủ nhận sự thật.

1. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhiều lần khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Những kết quả và thành tựu đạt được trong thời gian qua là sản phẩm kết tinh sự sáng tạo của quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; trong đó có đóng góp hết sức quan trọng của công tác đối ngoại Đảng. Qua đó, “thế” và “lực”, “tâm” và “tầm”, uy tín và thanh danh của Đảng, đất nước được khẳng định vững chắc trên chính trường quốc tế.

Trong bối cảnh đất nước phải đối diện với muôn vàn khó khăn, thách thức, bằng ý chí, quyết tâm cao và tinh thần: "Tiền hô hậu ủng", "Nhất hô bá ứng", "Trên dưới đồng lòng", "Dọc ngang thông suốt", Đảng Cộng sản Việt Nam luôn chú trọng “tự chỉnh đốn” để không ngừng xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ trong điều kiện mới.

Trong suốt 3 nhiệm kỳ Đại hội Đảng liên tiếp (XI, XII, XIII), với việc kiên quyết, kiên trì phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, vai trò, vị thế của Đảng không ngừng được củng cố, tăng cường; góp phần tạo nên bước chuyển mới trên nhiều lĩnh vực, trong đó có công tác đối ngoại Đảng, đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ghi nhận: “Càng đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Đảng của chúng ta càng mạnh lên, càng củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ, làm cho bộ máy trong sạch, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại”.

Sự ổn định bên trong là tiền đề quan trọng để Đảng đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Đảng trên trường quốc tế. Tất cả các sự kiện, ngày lễ lớn của Đảng luôn nhận được sự quan tâm theo dõi, ủng hộ của các chính đảng, tổ chức quốc tế và nhiều quốc gia trên thế giới.

Sau khi Đại hội XIII của Đảng được tổ chức thành công, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận 215 điện mừng từ 105 đảng, 4 tổ chức khu vực và quốc tế, 76 tổ chức hữu nghị, 15 đoàn ngoại giao và 15 cá nhân đến từ 79 nước. Dịp kỷ niệm Ngày thành lập Đảng hằng năm luôn nhận được chuyến thăm, chúc mừng từ các chính đảng, tổ chức, bạn bè quốc tế. Đây là minh chứng sinh động cho uy tín của Đảng ta và sự cảm phục đặc biệt mà các quốc gia, chính đảng, nguyên thủ quốc gia trên thế giới dành cho Đảng Cộng sản Việt Nam.

Dấu ấn đối ngoại Đảng trong nền ngoại giao Việt Nam: Bài 2: Khẳng định “tâm” và “tầm” của Đảng

Từ ngày 12 đến 13-12-2023, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình và phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng, Nhà nước Trung Quốc đã thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và phu nhân. Ảnh: VŨ PHONG

Dấu ấn đối ngoại Đảng trong nền ngoại giao Việt Nam: Bài 2: Khẳng định “tâm” và “tầm” của Đảng

Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 12 đến ngày 13-12-2023. Ảnh: VŨ PHONG

Thật tự hào khi tính đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thiết lập quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia; trong đó 96 đảng Cộng sản, 63 đảng cầm quyền, 28 đảng tham gia liên minh cầm quyền, tham chính. Đây là con số ấn tượng, riêng có mà một chính đảng cầm quyền trên thế giới thiết lập nên. Cùng với đó, từ sau Đại hội XIII của Đảng đến đầu tháng 7-2023, các hoạt động đối ngoại cấp cao đã đóng góp quan trọng vào tăng cường sự tin cậy chính trị, tạo đà thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác giữa nước ta với các đối tác, bạn bè quốc tế. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trực tiếp chủ trì, tham gia khoảng 150 cuộc tiếp xúc, điện đàm, thư và điện đối ngoại, các cuộc hội đàm trực tiếp hoặc trực tuyến, các cuộc tiếp, làm việc, dự hội nghị quốc tế với các vị lãnh đạo đảng, nhà nước, tổ chức quốc tế. Cùng với đó, nhiều hoạt động đối ngoại hết sức sôi động, có ý nghĩa trên nhiều phương diện được các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, các đồng chí đứng đầu ban Đảng, tổ chức chính trị - xã hội và lãnh đạo các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương thực hiện một cách chủ động, sáng tạo, hiệu quả.

2. Hoạt động đối ngoại Đảng đã tạo nền tảng chính trị quan trọng cho việc ổn định, mở rộng và thắt chặt quan hệ song phương giữa nước ta với các nước; đồng thời góp phần giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến an ninh và phát triển đất nước, cũng như các vấn đề nảy sinh trong quan hệ song phương. Điểm lại các hoạt động đối ngoại của đất nước từ tháng 7-2023 đến tháng 6-2024 có thể thấy, trong thời gian ngắn, lãnh đạo nhiều quốc gia, nhất là các nước có tầm ảnh hưởng trong khu vực và trên thế giới có chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam và nhận được sự đón tiếp trọng thị, chân thành, chu đáo từ các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước Việt Nam. 

Có thể kể đến như từ ngày 10 đến ngày 11-9-2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì đón Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam. Việc hai quốc gia từng đứng ở hai bên chiến tuyến, có thể chế chính trị khác biệt (từng được cho là đối lập), cùng ra Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện và đề ra phương hướng cho hợp tác lâu dài là sự kiện ngoại giao mang tính biệt lệ, có dấu ấn lịch sử đặc biệt quan trọng.

Dấu ấn đối ngoại Đảng trong nền ngoại giao Việt Nam: Bài 2: Khẳng định “tâm” và “tầm” của Đảng
 
Dấu ấn đối ngoại Đảng trong nền ngoại giao Việt Nam: Bài 2: Khẳng định “tâm” và “tầm” của Đảng
 Tổng thống Mỹ Joe Biden trong chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam từ ngày 10 đến 11-9-2023. Ảnh: TRỌNG HẢI

Cũng trong năm 2023, từ ngày 12 đến 13-12-2023, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình và phu nhân đã thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và phu nhân. Chuyến thăm lần này cùng với chuyến thăm lịch sử tới Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ ngày 30-10 đến 1-11-2022, ngay sau Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc có ý nghĩa quan trọng, để lại dấu ấn lịch sử cho quan hệ của Đảng Cộng sản hai nước. Trả lời báo chí về kết quả chuyến thăm, đồng chí Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương nhấn mạnh, chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao của Đảng, Nhà nước Trung Quốc thành công tốt đẹp, đạt được nhiều kết quả lớn, thể hiện sự coi trọng cao độ của Đảng, Nhà nước Trung Quốc và cá nhân đồng chí Tập Cận Bình đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam cũng như đối với uy tín của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. 

Và mới đây, nhận lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đã thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam từ ngày 19 đến 20-6-2024. Đây là chuyến thăm với nhiều ý nghĩa quan trọng, là một điểm nhấn nổi bật của đối ngoại Việt Nam năm 2024. Chuyến thăm thể hiện sự coi trọng dành cho Việt Nam trong triển khai chính sách đối ngoại hướng Đông của Nga. Trong hơn hai thập kỷ lãnh đạo Liên bang Nga, đây là lần thứ năm Tổng thống Vladimir Putin thăm Việt Nam, đồng thời là một trong những chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi tái đắc cử Tổng thống nhiệm kỳ thứ 5 vào tháng 3-2024.

Những chuyến đi của Tổng thống Vladimir Putin để lại dấu ấn đậm nét và đóng góp vào việc tạo dựng những nền tảng quan trọng cho sự phát triển của quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga, trong đó có việc khởi xướng, ủng hộ thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Liên bang Nga năm 2001 và nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2012...

Dấu ấn đối ngoại Đảng trong nền ngoại giao Việt Nam: Bài 2: Khẳng định “tâm” và “tầm” của Đảng

Trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam, ngày 20-6-2024, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đã vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: NGÔ VIỆT TRUNG

Dấu ấn đối ngoại Đảng trong nền ngoại giao Việt Nam: Bài 2: Khẳng định “tâm” và “tầm” của Đảng
 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin trong chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam. Ảnh: TRỌNG HẢI

Từ việc thực hiện đường lối, chủ trương đối ngoại của Đảng và dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, nước ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, bao gồm 190/193 nước thành viên Liên hợp quốc. 

Trong đó, Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với hơn 30 nước; bao gồm 5 nước thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, toàn bộ Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) và tất cả thành viên ASEAN. Việt Nam có quan hệ thương mại với hơn 220 đối tác, hơn 70 nước đã công nhận quy chế kinh tế thị trường đối với Việt Nam. Cùng với đó, Việt Nam hiện là thành viên của hơn 70 tổ chức, diễn đàn đa phương khu vực và toàn cầu. Đây là những minh chứng sinh động, thuyết phục khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng và là tiền đề vững chắc để tiếp tục nâng tầm uy tín, vị thế của Đảng, của đất nước trên tất cả các lĩnh vực, các mối quan hệ quốc tế.

Thực tế còn cho thấy, đã có không ít các chính đảng, tổ chức, bạn bè quốc tế bày tỏ thiện chí, sự ủng hộ và mong muốn học hỏi kinh nghiệm lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì vậy, các hoạt động trao đổi lý luận và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn với các chính đảng qua nhiều hình thức khác nhau được tăng cường và tổ chức thực hiện ngày càng hiệu quả. Đảng ta đã phối hợp tổ chức thành công Hội thảo Lý luận lần thứ chín với Đảng Nhân dân Cách mạng Lào; Trao đổi Lý luận lần thứ mười với Đảng Cộng sản Nhật Bản; Đối thoại Lý luận lần thứ bảy với Đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) và Đối thoại Chính sách lần thứ ba với Đảng Cánh tả Đức… Các hội thảo trao đổi, đối thoại lý luận, chính sách có ý nghĩa quan trọng để các bên tổng kết và chia sẻ thành tựu về lý luận và thực tiễn lãnh đạo xây dựng, phát triển đất nước. Qua đó, Đảng ta có điều kiện tích lũy thêm kinh nghiệm quốc tế về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; về xây dựng đảng; về lãnh đạo, quản lý đất nước và giải quyết các vấn đề trên tất cả các lĩnh vực...

Gần 95 năm đã trôi qua kể từ Ngày thành lập Đảng, với bản lĩnh, trí tuệ, tài năng tuyệt vời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã và đang chèo lái sự nghiệp cách mạng nói chung, công tác đối ngoại Đảng nói riêng đạt nhiều thành tựu hết sức to lớn; là nền móng vững chắc đưa sự nghiệp cách mạng đi đến những thắng lợi vẻ vang. Đó cũng chính là bằng chứng sinh động, thuyết phục giúp bóc trần mọi luận điệu, thủ đoạn của những kẻ phản động, chống phá đang cố tình hạ bệ thành quả công tác đối ngoại của Đảng ta! 

(Còn nữa)

 Nhóm Phóng viên Báo QĐND

https://www.qdnd.vn/phong-chong-dien-bien-hoa-binh/dau-an-doi-ngoai-dang-trong-nen-ngoai-giao-viet-nam-bai-2-khang-dinh-tam-va-tam-cua-dang-783262

Ý kiến bạn đọc - Gửi bình luận

Gửi bình luận

 

   

 

 

reset captcha

Gửi bình luận Nhập lại