(*BTV) Từ đầu năm đến nay, các Ngân hàng trên địa bàn tỉnh tiếp tục chủ động triển khai các giải pháp nhằm thu hút nguồn vốn nhàn rỗi trong nền kinh tế. Ước tính đến cuối tháng 6, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 205.500 tỷ đồng, tăng 0,9% so với cùng thời điểm năm trước.
(Ảnh minh họa)
Trong đó: Tiền gửi cá nhân đạt 132 nghìn tỷ đồng, tăng 14,3% so với cùng kỳ; Tiền gửi của các tổ chức đạt 68.700 tỷ đồng, giảm 15,6%. Cũng trong 6 tháng, các Chi nhánh ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai nhiều giải pháp tích cực nhằm hỗ trợ khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng như giảm lãi suất cho vay, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ 4.0 trong phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, triển khai nhiều gói vay ưu đãi,... Tính đến cuối tháng 6, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh ước đạt 167 nghìn tỷ đồng, tăng 8,1% so với cùng kỳ. Trong đó: Dư nợ cho vay ngắn hạn ước đạt 121 nghìn tỷ đồng; tăng 9,5%; Dư nợ cho vay trung và dài hạn ước đạt 46 nghìn tỷ đồng tăng 4,4%). Cơ cấu tín dụng nhìn chung duy trì theo hướng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, hỗ trợ tích cực doanh nghiệp và người dân, phù hợp với cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Về chất lượng tín dụng: Các chi nhánh ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục tập trung thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của ngân hàng Nhà nước Việt Nam và của Hội sở chính trong triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm xử lý, thu hồi, cũng như ngăn ngừa rủi ro nợ xấu. Ước tính đến hết 30/6/2024, nợ xấu trên địa bàn là 2.300 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,38% tổng dư nợ cho vay.
Đức Minh, Thiên Thanh