(BTV) Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày 26/11, Quốc hội dành cả ngày họp để nghe các báo cáo và thảo luận tại hội trường về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; Công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024.
Toàn cảnh phiên họp Quốc hội
Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2024; Báo cáo công tác năm 2024 của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và Tòa án nhân dân Tối cao; Báo cáo về công tác thi hành án, công tác phòng, chống tham nhũng; Báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội; Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2024.
Ở nội dung thảo luận tại hội trường, cho ý kiến về Báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, các đại biểu đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành quy định rõ ràng về cơ chế phối hợp giữa Quốc hội, Đoàn ĐBQH với các cơ quan hành pháp, tư pháp trong việc tiếp nhận, xử lý và giám sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo.
Thảo luận về công tác thi hành án, các Đại biểu Quốc hội đề nghị cần tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự, khắc phục triệt để những vướng mắc đang cản trở làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác thi hành án.
Đối với công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực, các đại biểu đề nghị cần tiếp tục chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung pháp luật, khắc phục những bất cập, mâu thuẫn, vướng mắc dễ tạo điều kiện cho tham nhũng tiêu cực trong các văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời, thực hiện tốt hoạt động giám sát, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng tiêu cực.
Chu Oánh, Thu Hằng