Sáng 23/5, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đánh giá công tác triển khai thực hiện Công điện số 65 của Thủ tướng Chính phủ về mở đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ và Chỉ thị số 13 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.



Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Bắc Ninh
Cụ thể hóa tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 65 và Chỉ thị số 13, Bộ Y tế đã có Quyết định số 1703 ban hành “Kế hoạch triển khai tháng cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ”. Theo đó, từ ngày 15/5/2025 đến hết ngày 15/6/2025, Bộ Y tế thành lập 15 đoàn kiểm tra tại các đơn vị thuộc Bộ Y tế. Các tổ sẽ kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về dược, mỹ phẩm tại các cơ sở sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc và mỹ phẩm; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh nguyên liệu thực phẩm, sữa, thực phẩm chức năng... Đối với Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Y tế đề nghị tham mưu cho UBND tỉnh để thành lập các đoàn kiểm tra đột xuất trong tháng cao điểm.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực y tế là nhiệm vụ cấp bách, khó khăn và lâu dài, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, các cấp quản lý từ Trung ương đến địa phương. Bộ trưởng đề nghị các bộ, ban ngành và địa phương triển khai quyết liệt, hiệu quả tháng cao điểm trong toàn ngành Y tế nhằm kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến các hoạt động buôn bán, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp dược, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thiết bị y tế nhằm đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, lưu thông hàng giả; đẩy mạnh công tác hậu kiểm; tăng cường phối hợp liên ngành; ứng dụng công nghệ thông tin trong truy xuất nguồn gốc hàng hóa và kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân, cũng như trách nhiệm xã hội của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực Y tế. Qua đó kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc cổ truyền, thiết bị y tế giả, nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ…nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp.
Đức Minh, Thiên Thanh