Quốc hội thảo luận về Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và Luật Thủ đô

(BTV) Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, ngày 28/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và Luật Thủ đô (sửa đổi).

QH

Toàn cảnh Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV


Thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao quá trình tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật. Các đại biểu nhấn mạnh đây là dự án Luật lớn, có nhiều chính sách mới, quy định mới về tổ chức và hoạt động của Tòa án, nhiều nội dung mới có tính chất đột phá, nhiều nội dung tiệm cận với quốc tế, tháo gỡ một số vướng mắc thực tiễn, phù hợp với Hiến pháp 2023 và thể chế hóa quan điểm, chủ trương theo các Nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp, về tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới với trọng tâm là đổi mới về tổ chức và hoạt động của Toà án nhân dân. Các đại biểu đã cho ý kiến về nhiều nội dung cụ thể để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật như quy định Toà án nhân dân thực hiện quyền tư pháp; Thẩm quyền thành lập và giải thể các Toà án nhân dân; Toà án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt; Tham dự và hoạt động thông tin tại phiên tòa; Đổi mới Toà án nhân dân theo thẩm quyển xét xử; Bảo vệ Tòa án; Nhiệm kỳ của thẩm phán;...và nhiều nội dung quan trọng khác.


Buổi chiều,  Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 07 Chương và 54 Điều (giảm 05 Điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, trong đó, đã tiếp thu, chỉnh lý toàn bộ 54 Điều, bỏ 07 Điều, bổ sung mới 02 Điều). Theo đó, dự thảo Luật được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng bổ sung, làm rõ thêm một số nội dung, biện pháp cụ thể nhằm thu hút, huy động nguồn lực xã hội, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển Thủ đô. Về liên kết, phát triển vùng, trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và từ thực tiễn triển khai các quy định về phát triển vùng Thủ đô theo Luật Thủ đô năm 2012, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng thiết kế có 01 Chương riêng về liên kết, phát triển vùng trong đó thể hiện rõ hơn vai trò của Thủ đô Hà Nội là trung tâm, động lực thúc đẩy liên kết, phát triển, là cực tăng trưởng của vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, vùng động lực phía Bắc và của cả nước. Xác định các chính sách ưu tiên đầu tư các chương trình, dự án liên kết, phát triển vùng được triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác, không chỉ giới hạn trong vùng Thủ đô.

Anh Nguyên, Đức Minh

Ý kiến bạn đọc - Gửi bình luận

Gửi bình luận

 

   

 

 

reset captcha

Gửi bình luận Nhập lại