(BTV) Trước những thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra, ngay sau khi bão đi qua các lực lượng chức năng của toàn tỉnh đã tập trung huy động mọi lực lượng, phương tiện, thiết bị nhanh chóng khắc phục các sự cố, hậu quả nhằm bảo đảm duy trì hoạt động thông suốt của hệ thống hạ tầng giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc...
Tính đến 8h30 sáng 08/9, trên địa bàn thành phố Bắc Ninh không xảy ra thiệt hại về người, công tác tiêu thoát nước cơ bản được đảm bảo, khong xảy ra ngập úng tại 19 phường. Về thiệt hại tài sản có hơn 2.200 cây xanh bị đổ, 41 cột điện, đền chiếu sáng, 15 xe ô tô bị hư hỏng và 182 nhà bị tốc mái tôn. Công tác khắc phục hậu quả đang được các đơn vị tập trung triển khai.
Thành phố Bắc Ninh huy động lực lượng, phương tiện tập trung khắc phục các sự cố, hậu quả sau cơn bão số 3
Bên cạnh tinh thần vào cuộc quyết liệt, khẩn trương của lực lượng chức năng; nhiều người dân của thành phố Bắc Ninh cũng sẵn sàng chung sức, đồng lòng, tích cực tham gia dọn dẹp cây xanh bị đổ, khơi thông cống thoát nước và vệ sinh đường phố ngay từ sáng sớm.
Để đảm bảo hiệu quả, tiến độ khắc phục hậu quả, UBND thành phố đã phân công lực lượng trực 24/24 giờ tại trụ sở để triển khai thực hiện xử lý các nhiệm vụ đột xuất liên quan đến cơn bão số 3; phân công 4 tổ do đồng chí lãnh đạo UBND thành phố làm tổ trưởng trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, nhất là tại các điểm ảnh hưởng đến ATGT. Đồng thời yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ công ích phân công lực lượng trực 100% quân số để khắc phục các sự cố.
Tại huyện Yên Phong sáng ngày 8/9, Huyện Yên Phong tổ chức Hội nghị cấp bách triển khai khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra.
Lãnh đạo huyện Yên Phong kiểm tra sự cố sụt lún, nứt gãy bờ sông tại địa phận xã Long Châu
Tại huyện Yên Phong Bão số 3 gió giật mạnh kèm theo mưa lớn gió mạnh đã làm đổ 5 cột điện, nhiều cây xanh cổ thụ đổ vào đường dây điện nhiều địa phương huyện Yên Phong bị mất điện, mất điện phần lớn các trạm bơm tiêu phải dừng hoạt động. Qua kiểm tra tình trạng sụt lún, nứt gẫy, có hiện tượng sạt trượt ở bờ sông Ngũ Huyện Khê địa phận xã Long Châu ngay trong chiều ngày 7/9 huyện Yên Phong đã cắm cọc , trải bạt đắp đất xử lý xong sự cố.
Huyện Yên Phong tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương với phương châm 4 tại chỗ nhanh chóng khắc phục hậu quả do Bão số 3 gây ra. Ngành nông nghiệp huyện bám sát tình hình thời tiết, nhất là đối phó với mưa lớn để có phương án khác phục tình trạng ngập úng đồng trũng thấp bảo vệ lúa và hoa mầu. Huyện thành lập 8 đoàn kiểm tra chỉ đạo các địa phương khắc phục hậu quả sau bão số 3.
Tại huyện Lương Tài Siêu bão số 3 cũng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến huyện Lương Tài.
Nhiều cây cối, cột hạ tầng điện đổ gẫy do bão
Khu vực bờ hồ Trung tâm huyện. Nhiều cây cổ thụ bị gió bão quật đổ ngã chắn ngang đường, nhiều cột điện, dây diện, cáp viễn thông cũng bị đổ gẫy gây sự cố mất diện, hệ thông mạng cáp quang hoạt động kém chất lượng.
Theo thống kê sơ bộ ban đầu, trên địa bàn huyện Lương Tài có hàng nghìn cây ăn quả, cây xanh, cây cổ thụ bị gió bão quật đổ; hơn 3.100 ha lúa bị đổ nghiêng, đổ ệp ảnh hưởng đến năng suất; hàng trục ha rau màu bị đổ; nhiều cột điện, biển báo bị gẫy đổ, nhiều dây viễn thông, dây diện rơi xuống đường; hàng trăm nhà dân, lán tạm bị tốc mái; nhiều trụ sở cơ quan, trường học cây đổ, gió mạnh gây đổ tường; có 4 lồng cá bị chìm ước thiệt hại 20 tấn; có 2 người bị thương do ảnh hưởng của bão.
Ngay trong tối ngày 7/9, lãnh đạo huyện Lương Tài đã trực tiếp chỉ đạo các lực lượng khắc phục tình trang cây gãy, đổ, cột điện đổ chắn ngang đường tại khu vực trung tâm tâm huyện; các lực lượng chức năng tâp trung nhân lực, phương tiện cưa cây gẫy đổ, giải toả tạo giao thông đi lại của người dân.
Trong sáng ngày 8/9, huyện Lương Tài đã tổ chức cuộc họp khẩn nhằm khắc phục hậu quả sau siêu bão số 3. Sau khi nghe báo cáo thống kê sơ bộ thiệt hại do bão số 3 trên địa bàn huyện; đặc biệt là trình trạng cây và cột điện gẫy đổ do gió bão, gây mất điện trên địa bàn, hệ thống cáp quang bị ảnh hưởng đến thông tin liên lạc. Lãnh đạo huyện yêu cầu ngành chức năng tập trung giải tỏa nhanh các cây và cột điện bị gãy đổ làm thông tuyến giao thông đi lại của nhân dân. Riêng với một số cây cổ thụ tại bờ hồ thứa bị bật gốc đổ, đồng chí yêu cầu ngành chuyên môn nghiên cứu, có thể phục hồi cây bị đổ để đảm bảo cảnh quan bờ hồ Thứa. Ngành điện lực và viễn thông tập trung khắc phục sự cố; đặc biệt sớm đảm bảo nguồn điện cho các trạm bơm để tiêu úng cho diện tích lúa đổ.
Lãnh đạo các địa phương rà soát các hộ gia đình khó khăn ảnh hưởng bão để có sự chỉ đạo kịp thời. Đồng thời thống kê đầy đủ thiệt hại tới cấp thôn để có sự chỉ đạo đảm bảo sớm ổn định cuộc sống người dân.
Tại huyện Thuận Thành Để chủ động ứng phó với các diễn biến của bão số 3, thị xã Thuận Thành đã yêu cầu các phòng, ngành, đơn vị cùng UBND các xã phường ứng phó với bão và khẩn trương khắc phục thiệt hại do bão gây ra, nhanh chóng giúp người dân ổn định cuộc sống.
Bảng biển, biển quảng cáo, cây xanh bị hư hỏng, đổ gẫy nằm la liệt trên các cung đường
Theo báo cáo mới nhất của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thị xã Thuận Thành, tính đến 5h30 sáng ngày 8/9, trên địa bàn có khoảng 941,5ha diện tích sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng. Trong đó: lúa 812 ha bị đổ; Nhà lưới 27.000m2 bị tốc mái; 18.380m2 mái bị tốc của 165 công trình các loại, trong đó có 17 trường học; gần 2.000 cây bóng mát, cảnh quan bị đổ gãy; sơ tán 5 hộ dân không đảm bảo an toàn.
Hiện, thị xã tiếp tục theo dõi chặt chẽ thông tin thời tiết, dự báo của các cơ quan dự báo khí tượng thủy văn, bám sát cơ sở và chỉ đạo của các cơ quan chuyên môn, nắm bắt tốt và kịp thời tình hình sau bão, những nơi bị úng ngập để có biện pháp kịp thời và xử lý nhanh.
Tại thành phố Từ Sơn.
Với quan điểm tích cực vào cuộc, khắc phục sự cố, thiệt hại do mưa bão ngay từ giờ đầu; nên ngay trong sáng nay, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão thành phố Từ Sơn đã triển khai họp với các địa phương, nhằm thống kê thiệt hại, bàn giải pháp khắc phục ảnh hưởng do mưa bão.
Thành phố Từ Sơn tập trung nguồn lực khắc phục hậu quả sau cơn bão
Trong đó, thành phố cũng ưu tiên xử lý những công trình cấp bách, những tuyến đường trục chính, tuyến đường trung tâm ngay trong đầu giờ sáng.
Thống kê sơ bộ, tính đến 9h sáng nay (8/9); toàn thành phố có 520 cây xanh bị gãy đổ; 28 nhà, lán xưởng bị tốc mái; 4 cột điện bị đổ; 350 ha diện tích sản xuất nông nghiệp bị đầy nước; trong đó diện tích ngập trắng là 4ha...Cùng với đó, một số công trình trường học, trạm y tế tường bao bị đổ; hệ thống cây xanh đổ gẫy, cản trở giao thông cũng đang được ngành chức năng, địa phương tích cực xử lý, khắc phục hậu quả.
Cùng với sự khẩn trương vào cuộc, huy động lực lượng của các ngành chức năng, địa phương; tại khu vực nơi sinh sống, người dân thành phố cũng chủ động dọn dẹp nhà cửa, chặt cành gẫy đổ, cắt tỉa, trồng lại cây xanh, khắc phục thiệt hại do mưa bão gây ra.
Tại huyện Tiên Du.
Ngay trong đêm 7/9, sự cố 11 đoạn sụt lún, nứt mặt đê công trình thủy lợi sông Ngũ Huyện Khê, trong đó 2 đoạn sụt lún nghiêm trọng với vết nứt từ 10-20cm, sâu 30-50cm; chiều dài khoảng 80m đã được lực lượng chức năng, địa phương tập trung khắc phục, xử lý.
Các lực lượng chức năng huyện Tiên Du khẩn trương khắc phục hậu quả sau cơn bão
Cùng với đó, Ban chỉ huy PCLB huyện cũng phân công lực lượng chức năng thực hiện ứng trực 24/24, kịp thời xử lý sự cố mới phát sinh.
Sáng nay, dãy nhà 2 tầng 12 phòng học tại trường THCS Hiên Vân bị tốc mái hoàn toàn đã được địa phương huy động lực lượng chức năng, nhà trường cùng phụ huynh học sinh tiến hành dọn dẹp, khắc phục hậu quả. UBND xã cũng tính phương án xử lý trước mắt, nhằm đảm bảo phòng, lớp học cho việc dạy và học của giáo viên và học sinh.
Thống kê sơ bộ, đến 10h sáng ngày 8/9, huyện Tiên Du có 807 nhà ở, công trình phụ trợ của nhà dân, 8 trường học, 20 nhà xưởng, 1 trại chăn nuôi bị tốc mái; hàng nghìn m2 tường rào công sở, nhà xưởng, công trình phụ trợ bị đổ sập; 2000ha lúa, 120 ha diện tích rau màu bị ảnh hưởng; 180ha chuối bị đổ ngã. Nhiều khu vực dân cư, địa phương bị mất điện trên diện rộng.
Các địa phương đang tiếp tục theo dõi sát diễn biến thời tiết, rà soát thiệt hại, khắc phục hậu quả do thiên tai, sự cố gây ra. Đồng thời tổ chức lực lượng, chủ động công tác phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất, đảm bảo an toàn tính mạng; hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của nhà nước và nhân dân; nhanh chóng ổn định đời sống sản xuất, sinh hoạt của nhân dân sau bão.
BTV