Trong hệ thống chương trình phát thanh của ĐCT, CTPTTS có vị trí, vai trò rất quan trọng, được coi là trang nhất của tờ báo nói. Khác với các chương trình chuyên đề, CTPTTS hướng sự tác động vào đối tượng công chúng thính giả đông đảo, đa dạng cả về thành phần, lứa tuổi, thói quen, nhu cầu tiếp nhận... Tuy nhiên, khác với CTPTTS của đài Quốc gia, đối tượng tác động của CTPTTS ở ĐCT xác định hơn, đó là cộng đồng dân cư sinh sống trên cùng địa bàn, có nhiều đặc điểm tương đồng. Chính vì thế, việc đổi mới chương trình cần dựa vào những tiêu chí cụ thể. CTPTTS của ĐCT ngoài việc đáp ứng tiêu chí của chương trình phát thanh nói chung đó là thông tin đúng, trúng, hay, nhanh chóng, chính xác, kịp thời… cần đáp ứng được các tiêu chí riêng của CTPTTS trên sóng phát thanh của ĐCT.
- Thứ nhất, tiêu chí đổi mới nội dung
CTPTTS của ĐCT là kênh truyền thông quan trọng hàng đầu của đảng bộ và chính quyền cấp tỉnh. Do vậy, nội dung thông tin không thể thoát ly ra ngoài nhiệm vụ tuyên truyền của Đảng bộ và chính quyền cấp tỉnh. Đây là nhiệm vụ bất di bất dịch, có tính nguyên tắc, chi phối toàn bộ nội dung tư tưởng và quá trình tổ chức hoạt động của chương trình. Mỗi chương trình dù trực tiếp hay gián tiếp, đều phải thể hiện rõ quan điểm, mục tiêu tuyên truyền của tổ chức đảng, nhà nước cao nhất ở địa phương, nhằm tạo ra sự thống nhất trong nhận thức, chỉ đạo và hoạt động. Với tính chất của chương trình phát thanh tổng hợp, nội dung chương trình cần phản ánh nhanh chóng, bao quát trên các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng…, hướng vào việc đáp ứng nhu cầu tiếp nhận thông tin đa dạng của thính giả ở địa phương. Sự đa dạng về lĩnh vực phản ánh là tiêu chí quan trọng để tạo ra sự khác biệt căn bản giữa CTPTTS với các chương trình chuyên đề. Theo bà Vũ Kiều Oanh (Phó Giám đốc Đài PT-TH Lạng Sơn): Chương trình cần mở rộng phạm vi phản ánh, tăng mức độ phản ánh các lĩnh vực đời sống. Ông Bùi Thanh Long (Phó Giám đốc Đài PT-TH Hải Phòng) cho rằng: Chương trình cần khuyến khích những thông tin thời sự, sự kiện, vấn đề dư luận quan tâm; đổi mới cách thông tin, giảm thiểu những tin tức hội nghị, tăng cường những tin tức khai thác, phát hiện vấn đề, phản ánh trực tiếp phục vụ đắc lực nhiệm vụ chính trị của địa phương, đáp ứng yêu cầu người nghe.
Người nghe phát thanh là đối tượng tác động và mục tiêu hướng tới của chương trình. Tuy nhiên, khác với CTPTTS của đài Quốc gia, đối tượng tác động của chương trình là thính giả cả nước, nên cấp độ thông tin và diện phản ánh mang tính toàn quốc, còn đối tượng tác động của CTPTTS ở ĐCT chủ yếu là người địa phương, nên cấp độ thông tin và diện phản ánh mang đậm sắc thái của địa phương và về địa phương.
Kết quả nghiên cứu của Khoa Xã hội học (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cùng với Đài PT-TH Quảng Ninh và Viện FES (Cộng hòa Liên bang Đức) về nhu cầu tiếp nhận của thính giả ở Quảng Ninh cho thấy, trong các CTPTTS, tin trong tỉnh là mảng nội dung được thính giả đánh giá cao và muốn nghe, trong khi tin tức trong nước và quốc tế thính giả có thể tiếp cận nhanh và đầy đủ hơn qua các Bản tin và CTPTTS của Đài Tiếng nói Việt Nam. Nội dung tin trong tỉnh được thính giả ở Quảng Ninh quan tâm nhiều là các vấn đề liên quan đến hoạt động thường ngày, mặt trái của xã hội và đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp ở Quảng Ninh…(1)
Kết quả nghiên cứu trên cũng chỉ ra rằng, thông tin trong chương trình cần phải cụ thể, phù hợp với tâm lý và nhu cầu tiếp nhận của thính giả địa phương. Không chỉ thông tin theo chiều rộng, các chương trình cần kết hợp với thông tin chiều sâu, phân tích lý giải những vấn đề phức tạp giúp thính giả hiểu rõ bản chất các vấn đề, sự kiện thời sự. Cần tạo ra các diễn đàn để thính giả địa phương trực tiếp tham gia vào việc phản ánh, giám sát và chia sẻ thông tin… Bên cạnh những thông tin bề nổi, thông tin mang tính tích cực, biểu dương người tốt việc tốt, nâng cao trình độ hiểu biết cho người dân…, CTPTTS cần có thêm những thông tin mang tính phản biện, đấu tranh, phê phán những mặt trái, những biểu hiện tiêu cực, góp phần tạo ra sự chuyển biến tích cực trên các mặt hoạt động của đời sống xã hội ở địa phương. Ông Nguyễn Quốc Hòa (Giám đốc Đài PT-TH Quảng Trị) cho rằng: Chương trình cần đề cập đầy đủ thông tin đến người dân cả mặt tích cực và mặt hạn chế, không giấu giếm những thiếu sót khuyết điểm hay ngợi ca một chiều.
Thứ hai: tiêu chí đổi mới hình thức
CTPTTS của ĐCT cần đa dạng hóa về thể loại, nhất là những thể loại có khả năng phát huy tốt tính chất thông tin thời sự như: tin, phóng sự, phỏng vấn, tường thuật, ghi nhanh, điều tra... Trong đó cần xác định rõ thể loại mũi nhọn, thể loại bổ trợ, thể loại có khả năng thông tin chiều sâu… Theo bà Vũ Kiều Oanh (Phó Giám đốc Đài PT-TH Lạng Sơn): Chương trình cần đổi mới cách thức thể hiện, đan xen các hình thức thể loại tạo sự đa dạng, phong phú hấp dẫn cho mỗi chương trình. Theo các chuyên gia phát thanh của Học viện Làn sóng Đức, đa dạng hóa thể loại là thủ pháp quan trọng để làm đa dạng hóa nội dung thông tin.
Cùng với sự đa dạng về thể loại, chương trình cần quan tâm đến kỹ năng viết cho phát thanh. Xuất phát từ đặc điểm thính giả nghe thông tin qua phát thanh chỉ nghe một lần và đa số nghe trong lúc đang làm việc, nên các nguyên tắc viết cho phát thanh như: sử dụng văn nói, viết câu ngắn, cấu trúc câu đơn giản, ưu tiên sử dụng thì hiện tại, viết câu ở thể chủ động… cần phải được áp dụng nhiều hơn trong quá trình tạo lập văn bản.
Không chỉ viết ngắn mà việc tổ chức các phần mục trong chương trình cũng cần phải ngắn gọn. Theo Aarni Kuoppamäki (Học viện Làn sóng Đức): một phần mục trong các chương trình của đài phát thanh ở Đức dưới 2 phút được coi là ngắn, từ 2 - 5 phút bị coi là dài, một bản tin thời lượng từ 10 - 15 phút là quá dài(2). Do vậy, để dồn nén thông tin, chương trình cần tăng cường các thể loại ngắn như: phỏng vấn ngắn, phóng sự ngắn, bình luận ngắn… có thời lượng từ 2 - 3 phút như các đài phát thanh ở Anh, Pháp, Đức, Australia hiện nay đang áp dụng.
Cần khai thác, sử dụng hiệu quả tiếng động và âm nhạc vào chương trình. Đây là hai chất liệu quan trọng, cùng với lời nói tạo nên “bức tranh âm thanh” sinh động cho tác phẩm và chương trình phát thanh. Trong CTPTTS của ĐCT, âm nhạc được sử dụng cần được chọn lọc và có mục đích rõ ràng: giúp cho người nghe nhận ra chương trình hoặc buổi phát sóng; làm cho bố cục chương trình mạch lạc; tạo nên nhịp điệu, không khí, bối cảnh cho tác phẩm; minh họa cho chủ đề tác phẩm; tham gia vào việc chuyển tải thông tin…(3). Khai thác sử dụng tiếng động hợp lý, có chủ đích rõ ràng không chỉ có ý nghĩa trong việc chuyển tải thông tin mà còn làm cho thông tin trở nên khách quan, chân thật và hấp dẫn hơn với người nghe.
Để tạo được sự thống nhất trong một chỉnh thể, cần chú trọng hình thức dẫn chương trình. Cần có kỹ năng thu hút thính giả ngay từ đầu, trước các phần mục và giữ chân thính giả đến phút cuối của chương trình. Lời dẫn tốt nhất là được thể hiện tự nhiên theo phong cách nói chứ không phải là đọc văn bản. Dẫn chương trình tin tức thời sự nói chung, khác với dẫn chương trình chuyên đề ở chỗ luôn chịu sức ép của tính chất thông tin thời sự, do vậy “đòi hỏi người dẫn phải có khả năng làm chủ và nhập cuộc với dòng thông tin đó. Người dẫn phải làm nổi bật lên sức nóng của những thông tin mới mẻ, có sức ảnh hưởng đến đời sống của công chúng. Chương trình tin tức cũng thường bao gồm nhiều tin bài ở nhiều mảng khác nhau nên người dẫn phải nắm bắt được tinh thần của từng tin bài, hiểu được những thông tin nổi bật và quan trọng, đánh giá được khả năng tác động của những thông tin đó tới công chúng và thể hiện phù hợp”(4). Theo ông Bùi Thanh Long (Phó Giám đốc Đài PT-TH Hải Phòng): Chương trình cần coi trọng hình thức thể hiện, rèn luyện kỹ năng người dẫn thời sự, tăng cường biên tập viên dẫn dắt chương trình. Ông Đỗ Văn Bích (Giám đốc Đài PT-TH Quảng Ninh) cho rằng: Chương trình cần có nhiều giọng dẫn dắt nam, nữ. Luôn suy nghĩ đổi mới cách thể hiện trên sóng.
Thứ ba: tiêu chí đổi mới phương thức sản xuất
Để khai thác và phát huy tốt năng lực thông tin thời sự, CTPTTS của ĐCT cần giảm bớt các chương trình sản xuất theo phương thức truyền thống, tăng cường áp dụng các phương thức mới, nhất là phát thanh trực tiếp. Đây là phương thức đặc biệt thích hợp với các chương trình tin tức thời sự, tạo cơ hội cho thính giả nghe và tham gia trực tiếp vào chương trình. Ông Bùi Thanh Long (Phó Giám đốc Đài PT-TH Hải Phòng) cho rằng: Chương trình cần tăng cường thời lượng thời sự trực tiếp và những thông tin thời sự trực tiếp nhằm đem lại cho người nghe không khí, diễn biến trực tiếp của sự việc, sự kiện. Còn theo Ông Trần Ngọc Hoa (Phó Giám đốc Đài PT-TH Hòa Bình): Chương trình cần đa dạng hơn về hình thức thể hiện, đưa phóng viên vào tình huống sự kiện phỏng vấn trực tiếp, phát sóng trực tiếp sự kiện đang diễn ra.
CTPTTS của ĐCT cần tạo ra sự tương tác trực tiếp, nhiều chiều giữa những người thực hiện với nhận vật và thính giả để đảm bảo tính khách quan, dân chủ trong quá trình phản ánh và truyền thông các vấn đề thời sự... Bằng nhiều cách thức và thể loại như: phỏng vấn, tọa đàm, trao đổi qua điện thoại, qua Email, Facebook, mạng xã hội… có thể tạo cơ hội cho thính giả tham gia trực tiếp vào chương trình nhiều hơn. Đây không chỉ là cách thức khai thác thông tin, mà còn là thủ pháp để tranh thủ ý kiến của người nghe và nuôi dưỡng, duy trì sự quan tâm của họ vào chương trình. Theo ý kiến của ông Bùi Thanh Long (Phó Giám đốc Đài PT-TH Hải Phòng): tương tác trực tiếp cần áp dụng đối với những vấn đề thời sự đang được nhiều người quan tâm như: giao lưu, phỏng vấn tại studio… Ông Trần Ngọc Hoa (Phó Giám đốc Đài PT-TH Hòa Bình) cho rằng: cần có sự tương tác giữa phóng viên và nhân vật sự kiện, tạo sự thân thiện, gần gũi với người nghe hơn…
Để thông tin của chương trình vượt ra ngoài phạm vi phủ sóng, đến với nhiều người nghe hơn, ĐCT cần nắm bắt xu hướng phát triển của phát thanh hiện đại, vừa phát sóng chương trình theo cách truyền thống, đồng thời truyền tải lên mạng internet…
Tại Hội nghị Phát thanh châu Á (Radio Asia 2013) do Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng: mỗi đài phát thanh đều có chiến lược riêng để đổi mới và phát triển, tuy nhiên có 4 lĩnh vực trọng điểm, đó là: nâng cao chất lượng nội dung, tăng cường tính tương tác với thính giả thông qua các phương tiện truyền thông, tạo sức hấp dẫn bằng sự giao lưu giữa thính giả với người nổi tiếng và các chính sách quản lý thúc đẩy sự sáng tạo(5).
Đổi mới CTPTTS của ĐCT là vấn đề có tính thời sự trong bối cảnh cạnh tranh giữa các loại hình báo chí hiện nay. Việc đổi mới chương trình cần phải dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau, trước hết và quan trọng nhất là các tiêu chí đổi mới về nội dung, hình thức và phương thức sản xuất, hướng vào việc thỏa mãn nhu cầu thông tin hấp dẫn, đa dạng, kịp thời của thính giả ở các địa phương.