11
/
151757
Xu hướng đào tạo song ngành đáp ứng thị trường lao động
xu-huong-dao-tao-song-nganh-dap-ung-thi-truong-lao-dong
news

Xu hướng đào tạo song ngành đáp ứng thị trường lao động

Thứ 5, 10/08/2023 | 14:37:00
2,009 lượt xem

Ngày càng nhiều trường đại học tổ chức đào tạo song ngành, giúp sinh viên có cơ hội sở hữu 2 bằng đại học sau 4 - 5 năm học.

Chương trình song ngành giúp sinh viên có thêm nhiều cơ hội việc làm. Ảnh: INT 

Việc này được xem như xu hướng khi thị trường lao động có sự giao thoa lớn giữa các ngành.

Tiết kiệm thời gian, học phí

Trong số hơn 1.300 cử nhân tốt nghiệp khóa 19 Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TPHCM tháng 7 vừa qua, Lê Thanh Hải gây ấn tượng với thành tích thủ khoa đầu ra. Điều đặc biệt hơn, Hải tốt nghiệp cả 2 ngành Kinh doanh quốc tế và Thương mại điện tử với điểm trung bình tương ứng là 9,12 và 9,02 chỉ sau 4 năm học.

Lê Thanh Hải cho biết: Bắt đầu là sinh viên năm nhất em đã đặt ra kế hoạch học vượt để chỉ tầm 3 năm là có thể hoàn thành xong chương trình. Nhưng khi Covid-19 bùng phát, sinh viên phải học trực tuyến, Hải cảm thấy quãng thời gian sinh viên trôi qua vội vàng và mờ nhạt nếu hoàn thành tốt nghiệp sớm.

Do đó, em quyết định đăng ký ngành học thứ hai là Thương mại điện tử để kéo dài thời gian học tập ở giảng đường. “Việc học thêm một ngành nữa sẽ khiến mình có thêm tấm bằng làm lợi thế cạnh tranh, đồng thời tiết kiệm thời gian học so với việc học 2 bằng ở hai thời điểm khác nhau”, Lê Thanh Hải chia sẻ.

Lê Thanh Hải là trường hợp điển hình cho việc sinh viên theo đuổi học song ngành, vốn là hình thức được nhiều trường đào tạo hiện nay. Trong năm học 2022 - 2023, Trường ĐH Kinh tế - Luật tuyển 60 chỉ tiêu đào tạo song ngành ở các ngành Kinh tế quốc tế, Quản trị kinh doanh, Luật kinh tế. Sinh viên được dự tuyển là những người đang theo học trình độ đại học chính quy tập trung tại các trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM, hoàn thành tối thiểu năm học thứ nhất của chương trình đào tạo ngành đang theo học với học lực khá trở lên.

Việc triển khai cho sinh viên học song ngành ở 2 trường khác nhau trong hệ thống được ĐH Quốc gia TPHCM thí điểm từ năm 2020, với việc ban hành quy định đào tạo song ngành trình độ đại học hệ chính quy.

Theo quy chế này, chương trình song ngành gồm 2 phần, ngành thứ nhất có khối lượng kiến thức theo quy định của khung trình độ quốc gia, ngành thứ hai tối thiểu 30 tín chỉ, tối đa 80 tín chỉ và tổng khối lượng kiến thức gồm các tín chỉ trùng nhau và được công nhận tương đương giữa hai chương trình phù hợp với quy định hiện hành. Sinh viên đăng ký học song ngành phải đang theo học đại học hệ chính quy tập trung, không áp dụng với chương trình đào tạo liên kết trong nước và nước ngoài. 

Lê Thanh Hải, thủ khoa đầu ra năm 2023 Trường ĐH Kinh tế - Luật với 2 tấm bằng đại học loại xuất sắc sau 4 năm học. Ảnh: UEL 

Những năm gần đây, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM thí điểm đào tạo song ngành với 5 ngành Quan hệ quốc tế, Ngôn ngữ Anh, Báo chí, Quản trị du lịch và lữ hành, Tâm lý học. Trường Đại học Quốc tế, ĐH Quốc gia TPHCM cũng áp dụng việc đào tạo song ngành cho 12 ngành.

Theo đó, sinh viên theo học những ngành này ở chương trình đào tạo thứ nhất có thể lựa chọn một trong số 2 - 3 chương trình ở chương trình ngành đào tạo thứ hai. Ví dụ, sinh viên ngành Công nghệ Sinh học có thể đăng ký ngành hai các ngành Kỹ thuật Y sinh, Hóa học (Hóa sinh), Công nghệ Thực phẩm.

Một số trường ngoài khối ĐH Quốc gia TPHCM cũng triển khai các chương trình giúp người học lấy được 2 bằng chỉ sau 4 - 5 năm học. Tại Trường ĐH Luật TPHCM, sau khi đã học xong năm 2 của ngành thứ nhất (ngành Quản trị kinh doanh hoặc ngành Ngôn ngữ Anh của trường), nếu đạt học lực từ loại khá trở lên, sinh viên sẽ được đăng ký học liên thông sang ngành Luật.

Sau thời gian đào tạo từ 5 - 5,5 năm, nếu sinh viên hoàn thành cả 2 chương trình đào tạo sẽ được trường xét tốt nghiệp và cấp 2 văn bằng cử nhân đại học chính quy (trong đó có bằng cử nhân ngành Luật). Tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, sinh viên tại 15 ngành cũng có thể được lựa chọn học song ngành. Sau khoảng 5 năm, sinh viên có thể tốt nghiệp cùng lúc 2 bằng đại học.

Trong khi đó, Trường ĐH Kinh tế TPHCM lại có cách tiếp cận mới trong việc thiết kế chương trình song ngành. Theo đó, trường đưa ra chương trình song ngành tích hợp nhằm giảm bớt áp lực học tập và mang lại nhiều ưu điểm hơn so với các chương trình học song ngành trước đây. Thời gian tốt nghiệp và nhận được hai bằng cử nhân riêng biệt, hệ chính quy tập trung là từ 4 năm cho đến tối đa là 5 năm.

Sinh viên Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TPHCM được học song ngành với nhiều lựa chọn. Ảnh: Nguyễn Ngọc 

Cơ hội nghề nghiệp lớn hơn

Theo đại diện các trường đại học, việc lựa chọn học song ngành sẽ giúp sinh viên rút ngắn tổng thời gian và tiết kiệm chi phí học tập so với việc học 2 ngành riêng.

Chương trình song ngành giúp sinh viên có thêm nhiều cơ hội việc làm. Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hiện nay, việc sở hữu hai tấm bằng cử nhân với hai chuyên môn khác nhau sẽ là điều kiện mở ra cơ hội nghề nghiệp lớn.

GS.TS Đặng Vạn Phước, Trưởng khoa Y, ĐH Quốc gia TPHCM, cho biết, trong định hướng phát triển trở thành Trường ĐH Khoa học Sức khỏe sắp tới, đơn vị này cũng chú trọng việc đào tạo song ngành, liên trường.

Theo GS.TS Đặng Vạn Phước, hiện nay, sự giao thoa giữa các ngành, lĩnh vực rất lớn. Chẳng hạn ngành Khoa học Sức khỏe có liên hệ mật thiết với các ngành Kỹ thuật, Công nghệ, Quản trị, Khoa học Xã hội và Nhân văn… Do đó, sắp tới, đơn vị này sẽ dành khoảng 20 - 30% chỉ tiêu để tuyển sinh các sinh viên đã tốt nghiệp cử nhân ở trường khác, học tiếp ở Khoa Y 4 - 5 năm để lấy bằng Bác sĩ Y khoa.

Ngoài ra, sinh viên học Khoa Y có thể học cùng lúc các ngành Luật, Quản trị, Quản lý bệnh viện, Công nghệ thông tin… Chỉ sau 6 năm, sinh viên có thể sở hữu bằng Bác sĩ Y khoa và một bằng cử nhân khác. “Một bác sĩ giỏi về luật, họ có thể hạn chế việc vướng vào các vấn đề pháp luật khi hành nghề. Hoặc bác sĩ có thể quản trị được bệnh viện, tài chính… họ có thể làm quản lý tốt các cơ sở y tế, khai thác hiệu quả kinh tế y tế”, GS.TS Đặng Vạn Phước nói.

Các chương trình đào tạo song ngành tích hợp của Trường ĐH Kinh tế TPHCM gồm: Bảo hiểm – Tài chính, Kinh doanh nông nghiệp - Logistics quản lý chuỗi cung ứng, Kinh doanh nông nghiệp - Kinh doanh quốc tế, Quản lý công - Luật và quản trị địa phương, Kinh tế chính trị – Luật và quản trị địa phương, Tiếng Anh thương mại - Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Kế toán doanh nghiệp - Thuế. Ngay khi nhập học, sinh viên đã có thể đăng ký chương trình đào tạo song ngành tích hợp để hình thành kế hoạch học tập tối ưu cho riêng mình. 

Theo Mạnh Tùng/ GD&TĐ

https://giaoducthoidai.vn/xu-huong-dao-tao-song-nganh-dap-ung-thi-truong-lao-dong-post650038.html

  • Từ khóa

Nỗ lực mới của G20

G20 đang nỗ lực để không chỉ tồn tại mà còn gia tăng vai trò và ảnh hưởng trước những thách thức rất to lớn đối với tương lai của nhóm
08:18 - 20/07/2025
567 lượt xem

Bộ Chính trị thống nhất chủ trương đầu tư xây dựng trường học tại 248 xã biên giới đất liền

Bộ Chính trị thống nhất chủ trương đầu tư xây dựng các trường phổ thông nội trú liên cấp tiểu học và trung học cơ sở tại 248 xã biên giới đất liền.
15:23 - 19/07/2025
985 lượt xem

Việt Nam đứng thứ 9 trên 113 quốc gia tại Olympic Toán quốc tế 2025

Với tổng số điểm 188, đoàn Việt Nam đứng thứ 9 trên tổng số 113 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự Kỳ thi Olympic Toán quốc tế 2025.
09:00 - 19/07/2025
1,201 lượt xem

Bức tranh điểm chuẩn đại học năm 2025

Điểm chuẩn khối A sẽ có sự phân hóa sâu sắc, những ngành tốp trên vẫn giữ mốc điểm cao như năm ngoái, những ngành và trường tốp giữa sẽ hạ đáng kể. Nhưng...
08:12 - 19/07/2025
1,184 lượt xem

Trường đại học Ngoại ngữ dự báo điểm chuẩn 'hạ nhiệt'

Năm ngoái, thí sinh phải đạt trung bình khoảng 9,7 điểm/môn mới có thể trúng tuyển ngành sư phạm tiếng Anh và sư phạm tiếng Trung Quốc. Tuy nhiên, mức...
16:36 - 18/07/2025
1,552 lượt xem