11
/
178359
Thí sinh thờ ơ với ngành khoa học cơ bản
thi-sinh-tho-o-voi-nganh-khoa-hoc-co-ban
news

Thí sinh thờ ơ với ngành khoa học cơ bản

Thứ 3, 01/04/2025 | 07:10:00
2,225 lượt xem

Nếu như những ngành học xu hướng thuộc khối kinh tế, truyền thông, công nghệ... thu hút đông đảo thí sinh nộp hồ sơ, thì những ngành khoa học cơ bản tại nhiều trường lại rất ít hồ sơ, có ngành không đủ chỉ tiêu.

TUYỂN KHÔNG ĐỦ CHỈ TIÊU, ĐIỂM CHUẨN THẤP

Trường ĐH Đà Lạt là một trong số ít trường có đào tạo các ngành khoa học cơ bản của cả khối tự nhiên và xã hội - nhân vân. Tiến sĩ Trần Hữu Duy, Trưởng phòng Đào tạo, thông tin: "Hằng năm trường tuyển 30 chỉ tiêu cho mỗi ngành toán, lý, hóa, sinh, vậy nhưng năm nào cũng chỉ tuyển được khoảng 10 sinh viên/ngành, có năm chỉ 5-6 em/ngành. Tuy nhiên trường vẫn phải duy trì ngành vì đây là những ngành học rất quan trọng, và để thầy cô có việc. Tương tự, các ngành khối xã hội - nhân văn như văn học, lịch sử, xã hội học cũng rất ít thí sinh (TS)".

Chính vì quá ít TS đăng ký nên điểm chuẩn những ngành này của trường cũng phải hạ xuống thấp, chỉ 17 điểm cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT.

Phần lớn học sinh hiện nay quan tâm đến những ngành khối kinh tế, công nghệ hơn là khoa học cơ bản, kỹ thuật khi chọn ngành xét tuyển vào ĐH

Tại Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), các ngành hóa học, vật lý kỹ thuật cũng là 2 ngành có số lượng sinh viên theo học thấp nhất. Năm 2022 ngành vật lý kỹ thuật tuyển 23 chỉ tiêu nhưng chỉ 5 TS nhập học ở cả 2 phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT và học bạ. Năm 2023 ngành này tuyển 50 chỉ tiêu nhưng chỉ 10 TS nhập học; điểm chuẩn cũng rất thấp, từ 15,35 - 15,8 cho phương thức xét điểm thi. Với ngành hóa học, năm 2022 tuyển 59 chỉ tiêu cũng chỉ có 42 TS nhập học, điểm chuẩn là 16; năm 2023 tuyển 50 chỉ tiêu thì có 44 TS nhập học, điểm chuẩn là 16-17,8.

Trước đó, Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng từng phải ngừng một số ngành khoa học cơ bản khó tuyển như toán ứng dụng, vật lý học.

Tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), ngành địa chất học năm 2022 chỉ tiêu là 40 thì chỉ 11 TS nhập học, năm 2023 giảm còn 30 chỉ tiêu, có 21 TS nhập học. Ngành kỹ thuật địa chất cũng không tuyển đủ chỉ tiêu khi trong 2 năm 2022 và 2023 chỉ có 8-10 tân sinh viên mỗi năm. Tương tự, ngành hải dương học cũng có năm chưa tuyển được 50% chỉ tiêu. Điểm chuẩn các ngành này ở phương thức xét điểm thi tốt nghiệp chỉ 17, có năm cao thì 19 và ở phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực cũng nằm trong nhóm thấp nhất, chỉ 600-660 điểm.

Theo tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), các ngành khoa học cơ bản tại trường như tôn giáo học, triết học, lịch sử, địa lý... thường rất ít TS đăng ký.

Hướng nghiệp để các thí sinh và phụ huynh hiểu rõ về ngành nghề là rất quan trọng

"MUỐN HỌC NHỮNG NGÀNH CÓ THỂ KIẾM ĐƯỢC TIỀN NGAY"

Một giáo sư nguyên là viện trưởng một viện nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ VN nhìn nhận: "Các nước có nền khoa học công nghệ phát triển vượt bậc đều vì họ đầu tư ngân sách "khủng" cho khoa học cơ bản. Không thể làm ra điện hạt nhân nếu không có vật lý, hóa học; không thể sản xuất ra chip điện tử, vi mạch bán dẫn nếu không có các nhà khoa học về vật lý, hóa học, địa chất nghiên cứu, tìm kiếm, khai thác các nguyên tố trong đất hiếm... Tất cả những sản phẩm khoa học ứng dụng ngày nay, trong đó có vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, thuốc chữa bệnh, vắc xin... đều là kết quả nghiên cứu của các ngành khoa học cơ bản".

Lý giải về việc người học thờ ơ với các ngành này, vị giáo sư cho rằng căn nguyên chính là việc làm và thu nhập. Ông nhận định: "Hiện nay người dân vẫn có mức thu nhập thấp. Vì thế, nhu cầu của dân là cho con em học gì, làm gì để kiếm được tiền ngay. Trong khi đó, các ngành khoa học cơ bản học thì khó, thậm chí vất vả, đau đầu, nhưng tốt nghiệp chưa chắc đã có được công việc để kiếm ra tiền".

Tiến sĩ Trần Hữu Duy cũng đánh giá các ngành khoa học cơ bản là nền tảng của mọi khoa học công nghệ, tạo ra giá trị kinh tế cho đất nước và là sự phát triển bền vững cho một quốc gia. "Tuy nhiên, đầu tư cho khoa học cơ bản của nước ta hiện nay chưa xứng đáng. Cơ hội việc làm của những ngành này còn ít. Sinh viên tốt nghiệp nếu làm việc ở các trường ĐH, viện nghiên cứu thì thu nhập thấp trong khi lao động trí óc vất vả", tiến sĩ Duy cho hay.

Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ cho rằng một phần cũng do nền kinh tế thị trường nên các bạn trẻ thường chọn ngành học theo xu hướng, nhiều em vì lý do kinh tế cũng đã chọn những ngành dễ có thu nhập mặc dù có thể các em có đam mê với những ngành khoa học cơ bản.

Theo PGS-TS Phạm Trung Hiếu, Trưởng khoa Địa chất Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), địa chất là một trong những ngành khoa học cơ bản thuộc lĩnh vực khoa học trái đất, cực kỳ quan trọng trong bối cảnh hiện nay và việc làm ngày càng rộng mở, nhưng không phải ai cũng hiểu rõ. "Phải có các nhà địa chất khảo sát, phân tích, đánh giá thì mới xác định được vị trí để xây dựng hệ thống metro, tìm kiếm được những nơi có thể xây hầm ngầm chứa khí đốt, thăm dò và tìm ra các nguồn tài nguyên mới thay thế cho các tài nguyên đã bị con người khai thác cạn kiệt. Không chỉ vậy, kỹ sư, cử nhân địa chất còn có thể làm công việc giám định đá quý... Rất nhiều công trình xây dựng cũng cần kỹ sư tốt nghiệp ngành học này. Hằng năm, do chỉ tiêu và người học không nhiều nên trường không đủ nguồn để cung cấp cho doanh nghiệp", tiến sĩ Trung Hiếu thông tin.

Ở góc nhìn khác, thạc sĩ Hoàng Thanh Tú, Phó trưởng phòng Thông tin - Truyền thông, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), nhận định mức độ tiếp cận của TS đối với các ngành khoa học cơ bản chưa cao. Tại trường phổ thông, học sinh cũng ít được hướng nghiệp những ngành học này. "Một số phụ huynh lo ngại nếu học những ngành như địa chất học, hải dương học, kỹ thuật hạt nhân... sẽ phải đi khảo sát nhiều, hoặc tiếp xúc với những môi trường ảnh hưởng sức khỏe..., trong khi chưa thấy rõ cơ hội việc làm cụ thể. Chính vì vậy, việc hướng nghiệp để các thí sinh và phụ huynh hiểu rõ là rất quan trọng", thạc sĩ Tú chia sẻ. 

Theo Mỹ Quyên/ Thanh niên

https://thanhnien.vn/thi-sinh-tho-o-voi-nganh-khoa-hoc-co-ban-185250331211940086.htm

  • Từ khóa

Hiệu ứng domino tăng học phí tại Hàn Quốc

Nhiều phụ huynh ở Hàn Quốc đang phải đối mặt với thực tế khắc nghiệt, đó là áp lực tài chính do chi phí giáo dục tư nhân cao “ngất ngưởng” trong cuộc đua...
08:46 - 13/07/2025
97 lượt xem

Điều chỉnh nội dung sách giáo khoa phù hợp thực tiễn

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, một số môn học cần điều chỉnh, cập nhật nội dung liên quan việc thay đổi địa giới hành chính vừa qua. Bộ đang yêu cầu các đơn...
10:12 - 12/07/2025
656 lượt xem

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT giới thiệu quy định mới về lương giáo viên

Bộ GD-ĐT đang tham mưu Chính phủ ban hành các quy định liên quan đến lương giáo viên.
16:17 - 11/07/2025
1,736 lượt xem

Ngân sách cho giáo dục đại học: Tự chủ không đồng nghĩa với tự lo

Sau 10 năm, ngân sách dành cho giáo dục đại học giảm cả giá trị tuyệt đối lẫn tương đối.
15:18 - 11/07/2025
1,114 lượt xem

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: Dự kiến xếp lại bảng lương một số chức danh nhà giáo

Sáng 11-7, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 9.
10:31 - 11/07/2025
1,233 lượt xem