11
/
178535
Tuyển sinh bằng tổ hợp 'lạ': Băn khoăn chất lượng nguồn tuyển
tuyen-sinh-bang-to-hop-la-ban-khoan-chat-luong-nguon-tuyen
news

Tuyển sinh bằng tổ hợp 'lạ': Băn khoăn chất lượng nguồn tuyển

Thứ 6, 04/04/2025 | 07:36:00
2,235 lượt xem

Việc xuất hiện các tổ hợp xét tuyển “lạ” trong mùa tuyển sinh năm 2025 khiến nhiều chuyên gia GD bày tỏ quan điểm lo ngại về chất lượng đầu vào.

Thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 năm 2025 do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức. Ảnh: NTT 

Nảy sinh bất công?

Thời gian qua, không ít trường đại học đưa ra nhiều tổ hợp xét tuyển “lạ” như: Sư phạm Lịch sử không dùng điểm môn Lịch sử, Sư phạm Vật lý không dùng điểm môn Vật lý… thậm chí, có tổ hợp tuyển ngành Y khoa không cần điểm môn Hóa học và Sinh học.

TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TPHCM cho hay, việc sử dụng các tổ hợp “lạ” chắc chắn gây nhiều tranh cãi và lo ngại về chất lượng đào tạo.

Theo ông Lý, vấn đề đáng lo ngại đầu tiên là sinh viên thiếu nền tảng kiến thức cốt lõi. Chẳng hạn, đối với Sư phạm Vật lý, nếu không xét điểm môn Vật lý, làm sao có thể đảm bảo sinh viên có đủ tư duy và năng lực để tiếp thu các kiến thức chuyên sâu? Hoặc, đối với ngành Y khoa, Hóa học và Sinh học là hai môn nền tảng quan trọng. Nếu bỏ qua cả hai, sinh viên có thể gặp khó khăn trong việc học các môn như Sinh lý học, Dược lý, Hóa sinh…

“Những người học theo cách tuyển sinh như vậy có thể gặp khó khăn trong việc tiếp cận chương trình học, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy (ngành Sư phạm) và chất lượng bác sĩ tương lai (ngành Y khoa). Chưa kể, việc đào tạo có thể kéo dài hơn do phải bổ sung kiến thức nền tảng, hoặc tạo áp lực lớn cho người học khi phải bắt kịp với các môn học chuyên ngành”, TS Trần Đình Lý băn khoăn. 

Vấn đề khác được TS Trần Đình Lý chỉ ra là cách xét tuyển theo những tổ hợp “lạ” như trên sẽ làm mất đi tính công bằng trong tuyển sinh. Chẳng hạn, thí sinh học giỏi môn Vật lý nhưng không được xét tuyển vào Sư phạm Vật lý có thể cảm thấy bất công. Tương tự, học sinh giỏi Hóa - Sinh nhưng không được chọn vào Y khoa trong khi người không có nền tảng lại được vào.

“Tuyển sinh không nên chỉ đơn thuần mở rộng đầu vào, mà cần có kế hoạch rõ ràng để đào tạo đúng hướng, tránh ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai”, TS Lý nhấn mạnh.

ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công Thương TPHCM (HUIT) cho rằng, việc đưa ra các “tổ hợp lạ” mà không cần môn “cốt lõi” là không ổn bởi 2 vấn đề.

Thứ nhất, nếu đầu vào không đảm bảo, các trường sẽ phải tăng cường đào tạo bổ sung hoặc chấp nhận chất lượng đầu ra thấp hơn. Đặc biệt, trong các ngành như Y khoa hay Sư phạm, điều này có thể gây tác động tiêu cực đến xã hội, vì liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người và giáo dục thế hệ sau.

Vấn đề thứ hai cần quan tâm là tính công bằng trong tuyển sinh. Việc không xét điểm môn cốt lõi có thể khiến một số thí sinh có năng lực thực sự bị loại khỏi cơ hội học tập, trong khi những thí sinh thiếu kiến thức nền tảng lại có thể trúng tuyển. Điều này có thể ảnh hưởng đến động lực học tập của học sinh THPT và làm sai lệch định hướng học tập.

Sinh viên Trường Đại học Lạc Hồng trong giờ học. Ảnh: LHU 

Lợi thế nhất định

Nhìn nhận theo hướng tích cực, PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng (LHU) đánh giá, cách tuyển sinh này có thể mang lại một số lợi ích nhất định nếu được triển khai hợp lý.

Trước hết, giúp mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục cho những học sinh có tố chất phù hợp nhưng không giỏi các môn học cụ thể. Chẳng hạn, một học sinh có khả năng sư phạm tốt nhưng không mạnh về môn Vật lý vẫn có thể trở thành giáo viên giỏi nhờ phương pháp giảng dạy hiệu quả. Tương tự, sinh viên muốn theo học y khoa nhưng có thế mạnh các môn khác như Toán hay Tiếng Anh vẫn có thể trở thành bác sĩ giỏi nếu được đào tạo bài bản.

Ngoài ra, phương thức này có thể đa dạng hóa trong nguồn tuyển sinh. Những học sinh có tư duy logic tốt, khả năng giao tiếp và tiếp thu nhanh có thể thích nghi môi trường học tập mới dù nền tảng ban đầu khác biệt. Điều này giúp giảm tình trạng học tủ, học lệch khi học sinh không bị giới hạn trong một số tổ hợp môn cố định. Khi có nhiều phương thức xét tuyển khác nhau, học sinh sẽ có động lực học đều các môn thay vì chỉ tập trung một số môn phục vụ kỳ thi đại học.

Một lợi ích khác của chính sách này là giúp các trường linh hoạt hơn trong đào tạo. Nếu được thực hiện có kế hoạch, các trường có thể tổ chức khóa học bổ trợ ngay từ năm nhất để giúp sinh viên theo kịp chương trình.

Ví dụ, sinh viên ngành Y có thể tham gia lớp Hóa - Sinh tăng cường để đảm bảo nền tảng cần thiết trước khi bước vào môn chuyên ngành. Ngoài ra, chính sách này có thể giúp ngành Giáo dục thích nghi với thực tế, đặc biệt trong bối cảnh một số ngành đang gặp khó khăn tuyển sinh.

Còn theo TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, trường hợp các trường vẫn kiên trì với tổ hợp “lạ” thì có thể áp dụng phương thức xét tuyển kết hợp hoặc đánh giá năng lực, thay vì chỉ dựa vào điểm thi truyền thống. Đặc biệt, nếu có chương trình bổ trợ kiến thức đầu vào (như học dự bị, học tăng cường), có thể giảm bớt lo ngại về lỗ hổng kiến thức.

Từ thực tế đào tạo, ThS Nguyễn Thị Xuân Dung - Giám đốc Trung tâm Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TPHCM (HUTECH) cho rằng: Đưa ra tổ hợp “lạ” là quyền của các trường và khi đã chọn thì chắc có lý do. Tuy nhiên, nếu các tổ hợp có môn “cốt lõi” sẽ ổn hơn.

“Tại HUTECH, các tổ hợp đều có môn gốc. Chẳng hạn, ngành Sức khỏe, Sinh học, Môi trường… vẫn giữ môn Hóa. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có tổ hợp khác để mở rộng cơ hội cho thí sinh nhưng vẫn giữ môn chính để đảm bảo đầu vào”.

“Thực tế có thí sinh thực sự giỏi môn học nhưng không may mắn trong kỳ thi do các yếu tố khách quan như áp lực tâm lý, sức khỏe hoặc sự cố ngoài ý muốn, dẫn đến điểm thi thấp. Nếu chỉ dựa vào kết quả thi để đánh giá năng lực, những thí sinh này có thể bị loại một cách đáng tiếc, trong khi có những em đạt điểm cao nhưng chưa chắc đã giỏi môn đó.

Vì vậy, thay vì quá phụ thuộc vào chất lượng đầu vào, các trường cần tập trung chuẩn hóa chương trình đào tạo và nâng cao chất lượng giảng dạy để đảm bảo sinh viên có đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết khi ra trường”, PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng LHU, kiến nghị.

Theo Quốc Hải/ GD&TĐ

https://giaoducthoidai.vn/tuyen-sinh-bang-to-hop-la-ban-khoan-chat-luong-nguon-tuyen-post725640.html

  • Từ khóa

Điều chỉnh nội dung sách giáo khoa phù hợp thực tiễn

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, một số môn học cần điều chỉnh, cập nhật nội dung liên quan việc thay đổi địa giới hành chính vừa qua. Bộ đang yêu cầu các đơn...
10:12 - 12/07/2025
390 lượt xem

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT giới thiệu quy định mới về lương giáo viên

Bộ GD-ĐT đang tham mưu Chính phủ ban hành các quy định liên quan đến lương giáo viên.
16:17 - 11/07/2025
1,461 lượt xem

Ngân sách cho giáo dục đại học: Tự chủ không đồng nghĩa với tự lo

Sau 10 năm, ngân sách dành cho giáo dục đại học giảm cả giá trị tuyệt đối lẫn tương đối.
15:18 - 11/07/2025
844 lượt xem

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: Dự kiến xếp lại bảng lương một số chức danh nhà giáo

Sáng 11-7, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 9.
10:31 - 11/07/2025
964 lượt xem

Điểm chuẩn ĐH dự kiến giảm, cân nhắc chọn ngành

Điểm chuẩn năm nay tăng - giảm tùy theo số lượng thí sinh đăng ký vào trường ĐH và ngành học.
07:54 - 11/07/2025
1,053 lượt xem