11
/
182990
Điều chỉnh nội dung sách giáo khoa phù hợp thực tiễn
dieu-chinh-noi-dung-sach-giao-khoa-phu-hop-thuc-tien
news

Điều chỉnh nội dung sách giáo khoa phù hợp thực tiễn

Thứ 7, 12/07/2025 | 10:12:25
378 lượt xem

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, một số môn học cần điều chỉnh, cập nhật nội dung liên quan việc thay đổi địa giới hành chính vừa qua. Bộ đang yêu cầu các đơn vị chức năng chỉnh lý nội dung, bảo đảm tính ổn định của sách giáo khoa và hiệu quả trong triển khai dạy học.

Giờ học tại Trường THCS Tân Tiến, xã Xuân Mai, thành phố Hà Nội. (Ảnh THÚY QUỲNH)

Nghiên cứu cập nhật sách giáo khoa

Liên quan việc chỉnh sửa sách giáo khoa sau khi sắp xếp lại địa giới hành chính và mô hình chính quyền địa phương hai cấp, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết: Nhà xuất bản đã chỉ đạo các đơn vị thành viên và ban biên tập rà soát, thống kê toàn bộ nội dung liên quan yêu cầu cần đạt, kiến thức, số liệu, địa danh, bản đồ, biểu đồ, thông tin kinh tế-xã hội có liên quan đến thay đổi địa giới hành chính và chính quyền hai cấp, đồng thời báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo để xin ý kiến chỉ đạo, làm căn cứ thực hiện chỉnh sửa.

Việc chỉnh sửa sách giáo khoa sẽ được thực hiện trên nguyên tắc bám sát các nội dung điều chỉnh được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, bảo đảm cập nhật đầy đủ yêu cầu cần đạt, kiến thức, số liệu, địa danh, bản đồ, biểu đồ và các thông tin kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, việc sửa đổi sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc thay đổi nội dung sách giáo khoa đang sử dụng.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, qua rà soát đã xác định một số môn học chịu tác động trực tiếp từ việc thay đổi địa giới hành chính gồm: Lịch sử và Địa lý lớp 4, lớp 5, lớp 9; Địa lý lớp 12; Lịch sử và Giáo dục Kinh tế và Pháp luật lớp 10.

Các môn này sẽ thực hiện các bước theo quy định để chỉnh sửa chương trình môn học làm căn cứ để thực hiện chỉnh sửa sách giáo khoa, như cập nhật yêu cầu cần đạt, nội dung kiến thức, địa danh, số liệu, bản đồ, biểu đồ và thông tin kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, việc chỉnh sửa chương trình môn học sẽ được triển khai theo nguyên tắc hạn chế tối đa việc thay đổi sách giáo khoa, tăng cường hướng dẫn để giáo viên, nhà trường chủ động thực hiện chương trình theo thẩm quyền cho phù hợp với thực tế.

Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, nhà trường nhằm khẩn trương rà soát, đánh giá việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 để cập nhật, điều chỉnh một số môn học, trong đó có các môn học bị ảnh hưởng do điều chỉnh địa giới hành chính. Đồng thời, hướng dẫn các nhà xuất bản, tổ chức cá nhân có sách giáo khoa được phê duyệt, chỉnh lý nội dung cần thiết, bảo đảm tính ổn định của sách giáo khoa và hiệu quả trong triển khai dạy học.

Đối với nội dung giáo dục địa phương, căn cứ Nghị quyết số 202/2025/QH15 của Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và trên cơ sở chương trình khung cùng các văn bản hướng dẫn, các địa phương chủ động xây dựng nội dung phù hợp đặc điểm đơn vị hành chính mới và mô hình chính quyền hai cấp, đồng thời cập nhật kịp thời các thay đổi hành chính-xã hội, phát huy vai trò tự chủ trong thực hiện chương trình.

Điều chỉnh nội dung giảng dạy

Trong khi chờ hướng dẫn chính thức, nhiều cơ sở giáo dục chủ động điều chỉnh ngữ liệu, bài học, chủ đề giảng dạy, bảo đảm phù hợp tình hình thực tế tại địa phương. Từ thực tế triển khai tại cơ sở, nhiều nhà trường đã chủ động, linh hoạt nhằm bảo đảm việc giảng dạy thích ứng kịp thời.

Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Thúy, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Tiến (xã Xuân Mai, thành phố Hà Nội) cho biết: Việc cập nhật thông tin, dữ liệu địa phương ở các môn học Lịch sử và Địa lý là yêu cầu bắt buộc, đòi hỏi giáo viên sớm điều chỉnh nội dung giảng dạy phù hợp thực tiễn. Để bảo đảm việc dạy và học các môn Lịch sử và Địa lý lớp 9 không bị gián đoạn, nhà trường đã tổ chức tập huấn, hội thảo chuyên đề để giáo viên kịp thời nắm bắt thông tin hành chính mới, các văn bản liên quan và những biến đổi về kinh tế-xã hội, văn hóa ở địa phương. Đồng thời rà soát, điều chỉnh nội dung bài giảng, tài liệu tham khảo, bản đồ, lược đồ nhằm bảo đảm tính chính xác, phù hợp.

Trong quá trình giảng dạy, giáo viên được khuyến khích đổi mới phương pháp, tăng cường ứng dụng hình ảnh, video tư liệu… giúp học sinh học tập trực quan, sinh động. Việc kiểm tra, đánh giá cũng được điều chỉnh theo hướng phát huy năng lực tư duy và chú trọng đến khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn và kỹ năng phân tích, so sánh, đánh giá của học sinh.

Trong khi đó, cô giáo Trần Thị Trang Nhung, giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Trần Quang Khải (xã Triệu Việt Vương, tỉnh Hưng Yên) cho biết: Việc chỉnh lý, bổ sung tài liệu là điều cần thiết nhằm bảo đảm tính chính xác, cập nhật và phù hợp thực tiễn.

Theo cô Nhung, giáo viên cần chủ động mở rộng, tích hợp thêm các kiến thức liên quan. Chẳng hạn, trước đây nội dung giáo dục địa phương của tỉnh Hưng Yên không đề cập yếu tố biển, thì nay, sau khi sáp nhập với tỉnh ven biển Thái Bình, cần bổ sung thêm thông tin về địa lý, văn hóa phù hợp. Trong thời gian chờ văn bản hướng dẫn cụ thể, giáo viên nhà trường chủ động tìm hiểu, khai thác tư liệu từ các nguồn đáng tin cậy để điều chỉnh, cập nhật nội dung bài giảng. Việc làm này không chỉ thể hiện tinh thần trách nhiệm mà còn góp phần giúp học sinh tiếp cận tri thức một cách đầy đủ, chính xác và gần gũi với thực tiễn địa phương.

Ở bậc tiểu học, công tác chuẩn bị cũng được các nhà trường chủ động triển khai sớm, bảo đảm không bị động khi bước vào năm học. Hiệu trưởng Trường tiểu học Dân Tiến (xã Việt Tiến, tỉnh Hưng Yên), Đào Thị Thanh Tâm cho biết, nhà trường đã điều chỉnh kế hoạch giáo dục của đơn vị: Các thầy giáo, cô giáo sẽ chủ động nghiên cứu và điều chỉnh nội dung trong kế hoạch bài dạy để bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế.

Ngay trong thời điểm hiện nay, bộ phận chuyên môn của nhà trường cũng nhắc nhở giáo viên chủ động tìm hiểu trước các nội dung liên quan thay đổi địa giới hành chính. Việc này nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho tháng 8 tới - thời điểm xây dựng kế hoạch dạy học của các môn học và hoạt động giáo dục, giúp giáo viên kịp thời cập nhật và triển khai trong năm học mới.

Theo Quỳnh Nguyễn - Quý Tùng/ Nhân Dân

https://nhandan.vn/dieu-chinh-noi-dung-sach-giao-khoa-phu-hop-thuc-tien-post893255.html

  • Từ khóa

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT giới thiệu quy định mới về lương giáo viên

Bộ GD-ĐT đang tham mưu Chính phủ ban hành các quy định liên quan đến lương giáo viên.
16:17 - 11/07/2025
1,440 lượt xem

Ngân sách cho giáo dục đại học: Tự chủ không đồng nghĩa với tự lo

Sau 10 năm, ngân sách dành cho giáo dục đại học giảm cả giá trị tuyệt đối lẫn tương đối.
15:18 - 11/07/2025
826 lượt xem

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: Dự kiến xếp lại bảng lương một số chức danh nhà giáo

Sáng 11-7, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 9.
10:31 - 11/07/2025
949 lượt xem

Điểm chuẩn ĐH dự kiến giảm, cân nhắc chọn ngành

Điểm chuẩn năm nay tăng - giảm tùy theo số lượng thí sinh đăng ký vào trường ĐH và ngành học.
07:54 - 11/07/2025
1,040 lượt xem

Cần giúp học sinh bớt phụ thuộc vào AI

Việc ngăn chặn, phòng ngừa gian lận bằng AI không chỉ bắt đầu từ trước kỳ thi mà phải từ lúc học sinh (HS) bắt đầu tiếp cận với AI.
07:33 - 11/07/2025
1,011 lượt xem