Dự thảo vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Chính phủ đưa ra quy định mức thu, lộ trình học phí các cấp học, thay thế quy định tại Nghị định 81/2021.
Học phí phổ thông được đề xuất giữ ổn định vào năm học 2025-2026 - Ảnh: DANH KHANG
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có tờ trình dự thảo Nghị định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm, hỗ trợ học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo.
Theo dự thảo, nguyên tắc xác định học phí đối với cơ sở giáo dục công lập là bù đắp chi phí, có tích lũy hợp lý theo Luật Giá và lộ trình tính đủ chi phí phù hợp với từng cấp học, điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa bàn dân cư, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm.
Với cơ sở giáo dục dân lập, tư thục được chủ động xây dựng mức học phí, giá các dịch vụ khác trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo (trừ dịch vụ do Nhà nước định giá) đảm bảo bù đắp chi phí, có tích lũy hợp lý theo quy định của Luật Giá, xây dựng lộ trình tăng học phí các năm kế tiếp không quá 15% với đại học, không quá 10% với mầm non, phổ thông.
Các cơ sở giáo dục, đào tạo này phải thực hiện công khai theo quy định và chịu trách nhiệm giải trình với người học, xã hội về mức thu.
Học phí mầm non, phổ thông
Theo dự thảo trên, với giáo dục mầm non, phổ thông sẽ giữ ổn định khung học phí (sàn - trần) của năm học 2025-2026 bằng mức thu học phí năm 2022-2023 theo Nghị định 81/2021, gắn với mức độ tự chủ tài chính của cơ sở giáo dục.
Với các cơ sở giáo dục chưa đảm bảo chi thường xuyên thì thu như sau:
Bậc mầm non, tiểu học: mức thu 300.000 - 540.000 đồng/học sinh/tháng đối với khu vực thành thị; từ 100.000 - 220.000 đối với khu vực nông thôn; từ 50.000 - 110.000 đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Bậc THCS: mức thu từ 300.000 - 650.000 đồng/học sinh/tháng ở thành thị; từ 100.000 - 270.000 ở nông thôn; từ 50.000 - 170.000 ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Bậc THPT: từ 300.000 - 650.000 đồng/học sinh/tháng ở thành thị; từ 200.000 - 330.000 ở nông thôn; từ 100.000 - 220.000 ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Mức trần của khung học phí đối với cơ sở mầm non, giáo dục phổ thông công lập tự đảm bảo chi thường xuyên tối đa bằng 2 lần mức trần học phí của cơ sở chưa tự đảm bảo chi thường xuyên.
Mức trần khung học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư tối đa bằng 2,5 lần mức trần học phí của cơ sở chưa tự đảm bảo chi thường xuyên.
Về lộ trình học phí, dự thảo trên nêu từ năm 2026-2027 đến năm học 2035-2036, mức trần học phí sẽ điều chỉnh theo tỉ lệ phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm và khả năng chi trả của người dân nhưng không quá 7,5% để đạt mốc tính đủ chi phí đào tạo vào năm học 2035-2036.
Từ năm học 2036-2037 trở đi, mức trần học phí được điều chỉnh với khả năng chi trả của người dân, điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương nhưng tối đa không vượt quá tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng tại thời điểm xác định mức học phí so với cùng kỳ năm trước do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công bố.
Học phí giáo dục đại học
Tại dự thảo, quy định mức trần học phí của cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên của năm học 2025-2026 và 2026-2027 cũng quy định theo lĩnh vực ngành đào tạo.
Trong đó mức trần học phí trong 2 năm học tới của lĩnh vực y, dược là trên 3,1 triệu đồng/sinh viên/tháng và 3,5 triệu đồng/sinh viên/tháng, các ngành khối sức khỏe khác là trên 2,3 triệu đồng và trên 2,6 triệu đồng. Các lĩnh vực khác dao động từ trên 1,5 triệu đến trên 2,0 triệu đồng.
Các cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo chi thường xuyên xác định mức học phí tối đa bằng 2 lần mức trần học phí của cơ sở chưa tự đảm bảo chi thường xuyên. Các cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư xác định mức học phí tối đa bằng 2,5 lần mức trần học phí của cơ sở chưa tự đảm bảo chi thường xuyên.
Dự thảo trên cũng quy định khung học phí với các trình độ cao đẳng, trung cấp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, quy định về dịch vụ phục vụ, hỗ trợ giáo dục, quy định đối tượng miễn, giảm, hỗ trợ học phí và chi phí học tập.
Trước đó, quy định về mức thu học phí được Nghị định 81 của Chính phủ ban hành áp dụng từ năm học 2021-2022. Nhưng do tác động của dịch COVID-19, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 165 và Nghị định 97/2023 để sửa đổi một số điều của Nghị định 81. Theo đó, năm học 2023-2024 quy định học phí mầm non, phổ thông tiếp tục giữ ổn định như năm học 2021-2022. Với học phí giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học công lập thì lùi lộ trình học phí 1 năm so với lộ trình đặt ra ở Nghị định 81 từ năm học 2023-2024. Lộ trình học phí theo nghị định hiện chưa được áp dụng.
Dựa trên các văn bản pháp lý trên và tình hình thực tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất xây dựng nghị định mới về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm, hỗ trợ học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo thay thế nghị định 81.
Việc quy định khung học phí các cấp là cơ sở để thực hiện việc cấp bù kinh phí sau khi thực hiện việc miễn học phí mầm non và phổ thông sẽ thực hiện trong thời gian tới.
Theo Vĩnh Hà/ Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/du-kien-muc-tran-hoc-phi-mam-non-pho-thong-va-dai-hoc-cac-nam-toi-20250714103503809.htm