Bắc Ninh phát huy thế mạnh và truyền thống khoa bảng đất Kinh Bắc hướng tới trở thành một trong những trung tâm giáo dục chất lượng cao của cả nước.
Đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT Bắc Ninh, Trường THPT Chuyên Bắc Ninh chúc mừng em Nguyễn Công Vinh đoạt Huy chương Vàng Olympic Vật lý châu Á 2025.
Sau khi hợp nhất, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Bắc Ninh được mở rộng không gian phát triển, đội ngũ giáo viên, quy mô học sinh tăng, góp phần nâng cao vị thế của ngành. Bắc Ninh phát huy thế mạnh và truyền thống khoa bảng đất học Kinh Bắc để hướng tới trở thành một trong những trung tâm giáo dục chất lượng cao của cả nước.
Nhiều điều kiện thuận lợi để bứt phá
Theo Sở GD&ĐT Bắc Ninh, sau hợp nhất, toàn tỉnh hiện có 1.221 trường học (trong đó, tỉnh Bắc Giang cũ có 759 trường, tỉnh Bắc Ninh cũ có 462 trường); 27.037 lớp học (trong đó, tỉnh Bắc Giang cũ có 15.430 lớp học, tỉnh Bắc Ninh cũ có 11.607 lớp học); 910.563 trẻ mầm non và học sinh các cấp (trong đó, tỉnh Bắc Giang cũ có 520.477 trẻ mầm non và học sinh; tỉnh Bắc Ninh cũ có 390.086 trẻ mầm non và học sinh).
Toàn tỉnh Bắc Ninh có 14 Trung tâm GDNN-GDTX; 2 Trung tâm GDTX; 1 Trung tâm giáo dục thường xuyên, ngoại ngữ, tin học tỉnh; 1 Trung tâm giáo dục chuyên biệt và Bảo trợ xã hội tỉnh. Cùng với đó là 3 trường phổ thông dân tộc nội trú; 3 trường Cao đẳng (Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh, Cao đẳng Y tế Bắc Ninh, Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh); 2 trường trung cấp (Trung cấp Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Bắc Ninh, Trung cấp nghề Kinh tế, kỹ thuật thủ công mỹ nghệ Thuận Thành). Đến tháng 7/2025, toàn tỉnh Bắc Ninh có 1.153 loại hình trung tâm giáo dục và trung tâm học tập cộng đồng tại 99 xã/phường trong tỉnh.
Về đội ngũ, toàn tỉnh Bắc Ninh hiện có 46.846 cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và nhân viên trường học; chất lượng đội ngũ các cấp học tiếp tục được nâng lên đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới giáo dục. Tỷ lệ trình độ đạt chuẩn là 97,7%; trình độ đào tạo trên chuẩn đạt 40,8%. Chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tiếp tục được nâng cao cả về số lượng và chất lượng.
Bắc Ninh và Bắc Giang trước hợp nhất là các địa phương có phong trào giáo dục phát triển mạnh cả về quy mô, chất lượng và cơ cấu giáo dục. Các chỉ số tiếp cận và phổ cập giáo dục của 2 tỉnh nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước, 2 tỉnh đã triển khai đồng bộ mục tiêu và chuẩn đầu ra cho các bậc học.
Đối với tỉnh Bắc Ninh (cũ), nhiệm kỳ 2020 - 2025, ngành giáo dục Bắc Ninh đã thực hiện đạt và vượt 6/6 chỉ tiêu và là một trong những Đảng bộ về đích sớm trong triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XX. Đối với ngành giáo dục Bắc Giang (cũ), 2 năm liên tục vinh dự được Chính phủ tặng Cờ thi đua (2023, 2024).
Theo thống kê, toàn tỉnh Bắc Ninh mới có tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia mức 1, đạt 97,7% (mức 2 đạt 67,9%); tỷ lệ kiên cố hóa phòng học trường công lập đạt 98,8%. Đặc biệt, tại kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia và quốc tế, 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang (trước khi hợp nhất) đều đạt được nhiều thành tích ấn tượng.
Tại Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2024 – 2025, tỉnh Bắc Ninh cũ có 81/86 thí sinh đoạt giải với 12 giải Nhất, 34 giải Nhì, 24 giải Ba, 11 giải Khuyến khích - đạt tỷ lệ 94,19%, xếp thứ Nhất cả nước; tỉnh Bắc Giang cũ có 99/120 thí sinh đoạt giải, với 5 giải Nhất, 14 giải Nhì, 45 giải Ba và 35 giải Khuyến khích - đạt tỷ lệ 82,5%, xếp thứ 4 toàn quốc.
Các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế năm 2025, Bắc Ninh có 5 học sinh Trường THPT Chuyên Bắc Ninh tham dự với 6 lượt thi quốc tế và khu vực ở 3 môn: Toán, Vật lý và Hóa học. Đến ngày 15/7/2025 đã có 2 học sinh đạt Huy chương Vàng (Ngô Quang Minh - Huy chương Vàng Olympic Hóa học quốc tế - ICho 2025 và Nguyễn Công Vinh đạt Huy chương Vàng Olympic Vật lý châu Á - AphO). Đây là kết quả đáng khích lệ, thể hiện quyết tâm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của các cấp các ngành trong thời gian qua.
Tiếp tục phát triển giáo dục toàn diện
Bước vào giai đoạn phát triển mới (sau hợp nhất) ngành GD&ĐT Bắc Ninh khắc phục một số khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên còn thiếu, bên cạnh đó là sĩ số học sinh, trẻ/lớp, nhóm trẻ ở một số địa phương, đơn vị còn vượt quá so với quy định của Bộ GD&ĐT…
Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Tạ Việt Hùng - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Ninh cho biết, toàn ngành chuẩn bị và triển khai thực hiện hiệu quả, chất lượng kế hoạch, nhiệm vụ năm học 2025 - 2026.
Bắc Ninh đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường dạy học STEM và ứng dụng công nghệ AI trong dạy và học môn Toán; từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học đối với giáo dục phổ thông; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao…
Ông Tạ Việt Hùng cũng nhấn mạnh, nỗ lực lan tỏa văn hóa đọc trong toàn ngành, một nhiệm vụ trọng tâm góp phần thực hiện khát vọng đưa Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với nguồn nhân lực chất lượng cao.
“Ngay sau khi sáp nhập, toàn tỉnh đã có mạng lưới rộng khắp với 1221 cơ sở giáo dục. Các trường đều có thư viện hoặc góc đọc sách. Đây chính là nền tảng vững chắc để chúng tôi triển khai các hoạt động khuyến đọc một cách đồng bộ, hiệu quả.
Chúng tôi đặc biệt chú trọng đến đối tượng học sinh phổ thông, khuyến khích các em tìm đọc các ấn phẩm có giá trị tri thức và định hướng giáo dục sâu sắc. Trong đó, các ấn phẩm uy tín như Báo Giáo dục và Thời đại được chúng tôi xem là nguồn tài liệu quan trọng của ngành, giúp giáo viên cập nhật chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; chỉ đạo điều hành của Bộ GD&ĐT. Các tin tức, sự kiện, những tấm gương điển hình; học sinh được mở mang kiến thức và hình thành tư duy phản biện.
Để bắt kịp xu thế, việc đọc không chỉ dừng lại ở bản in, Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Ninh đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt dự án Quản lý thư viện trực tuyến phục vụ nhu cầu của các trường học. Đồng thời chỉ đạo các trường tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển văn hoá đọc.
Bên cạnh đó hướng dẫn các nhà trường khai thác hiệu quả phiên bản báo điện tử của Báo Giáo dục và Thời đại và các trang tin uy tín khác. Nhiều thư viện đã trở thành không gian đọc mở, trang bị máy tính kết nối Internet, đồng thời sử dụng website, fanpage của trường để giới thiệu, chia sẻ các bài báo hay, tạo nên một hệ sinh thái đọc đa dạng, hiện đại và hấp dẫn.
Chúng tôi tin rằng, việc lan tỏa mạnh mẽ văn hóa đọc, bao gồm cả việc đọc sách và báo, sẽ giúp học sinh có phương pháp tự học và là con đường ngắn nhất để làm giàu tri thức, bồi đắp nhân cách cho thế hệ trẻ, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển vượt bậc của giáo dục tỉnh nhà…” - ông Tạ Việt Hùng nói.
Trước đó tại hội nghị tổng kết năm học 2024 - 2025, ông Mai Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang (nay là Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh) nhấn mạnh, năm học 2025 - 2026 mở ra một giai đoạn mới, một vận hội mới nhưng cũng đặt ra những yêu cầu, thách thức lớn lao. Việc sáp nhập hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh đặt ra nhiệm vụ phải xây dựng ngành Giáo dục phát huy được thế mạnh và truyền thống khoa bảng của cả hai địa phương, tạo ra sức mạnh để bứt phá trở thành một trong những trung tâm giáo dục chất lượng cao của cả nước. |
Theo Đăng Chung/ GD&TĐ
https://giaoducthoidai.vn/bac-ninh-huong-toi-trung-tam-giao-duc-chat-luong-cao-post740175.html