Bộ GD&ĐT vừa công bố bảng tương quan giữa điểm học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Ảnh minh họa INT.
Kết quả thống kê nhằm giúp các cơ sở đào tạo có căn cứ khi thực hiện xét tuyển.
Theo thống kê đối sánh phổ điểm một số tổ hợp điểm thi tốt nghiệp THPT 2025 và điểm học tập bậc THPT (học bạ) thì không môn nào đạt mức tương quan mạnh. Cụ thể, đối với các môn thuộc nhóm khoa học tự nhiên, hệ số chỉ khoảng 0,64 - 0,65. Mức này cho thấy dù chỉ số khá cao nhưng chưa thể hiện mối liên hệ chặt giữa nhóm điểm học bạ và điểm thi. Môn Vật lí có tương quan 0,62, nằm gần nhóm trên. Môn Ngữ văn ở mức trung bình 0,598, thấp hơn nhưng cho thấy kết quả thi có liên quan với học bạ nhưng không quá cao.
Các môn thuộc nhóm môn xã hội dao động từ 0,45 - 0,50, mức này khá thấp, phản ảnh lệch khá lớn giữa điểm học bạ và điểm thi. Môn Tiếng Anh đạt ở mức trung bình khá. Theo khuyến nghị của Bộ GD&ĐT, nếu dùng kết quả học bạ để tuyển sinh, các cơ sở giáo dục đại học cần căn cứ các số liệu nói trên để quy đổi tương đương điểm xét tuyển.
Năm 2023, Bộ GD&ĐT đã tổng hợp và so sánh tổng điểm thi 3 môn ở 5 khối xét tuyển đại học truyền thống, gồm A00, A01, C00 và D00. Cụ thể, 60% thí sinh đỗ đại học bằng phương thức xét tuyển sử dụng kết quả học bạ có tổng điểm thi tốt nghiệp theo tổ hợp 3 môn khoảng 20 điểm. Trong khi đó, 60% thí sinh trúng tuyển bằng điểm thi đạt hơn 23 điểm. Điểm chênh lệch giữa 2 nhóm thí sinh này là 3 điểm. Nếu xét kết quả học bạ, 60% số thí sinh đỗ bằng điểm thi có điểm học bạ là 25, cao hơn nhóm đỗ đại học bằng học bạ 1 điểm.
Sự chênh lệch điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm kết quả học bạ hàng năm khiến dư luận đặt câu hỏi về mức độ tin cậy của điểm số trong học bạ. Sự băn khoăn này có cơ sở khi các trường phổ thông không cùng một “thước đo” chung để đánh giá.
Thế nhưng, theo khảo sát của một số cơ sở giáo dục đại học cho thấy kết quả học tập của hai nhóm sinh viên này không có sự khác biệt rõ rệt. Thậm chí, theo thống kê từ hơn 10.000 sinh viên trúng tuyển trong 3 năm, từ 2001 - 2023 của Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh cho thấy, nhóm sử dụng kết quả học bạ để xét tuyển có điểm trung bình học tập cao hơn từ 0,11 - 0,25 so với nhóm đỗ bằng điểm thi tốt nghiệp.
Theo phân tích của một số cán bộ quản lý các trường THPT, nguyên nhân dẫn đến độ lệch cao giữa điểm thi tốt nghiệp và điểm tổng kết học bạ là quan điểm đánh giá người học theo quá trình học. Từ năm học 2020 - 2021, số cột điểm kiểm tra định kỳ của học sinh ít lại. Thay vào đó, số cột điểm đánh giá thường xuyên nhiều hơn. Học sinh vì vậy có điều kiện để cải thiện điểm đánh giá thường xuyên nếu có sự nỗ lực trong quá trình học tập. Đây là khác biệt đáng kể, tác động đến thay đổi trong đánh giá chất lượng học tập của học sinh.
Chưa kể tâm lý thực dụng của một bộ phận học sinh khi đã sử dụng kết quả xét tuyển sinh bằng phương thức học bạ thường chỉ thi tốt nghiệp cho đủ điểm an toàn, không có sự đầu tư trong học tập để cải thiện điểm số. Vì vậy, năm nay, Quy chế xét tuyển sinh đại học, cao đẳng của Bộ GD&ĐT đã có sự điều chỉnh khi không công bố kết quả xét tuyển sớm như những năm trước mà cùng diễn ra tại một thời điểm và cùng quy đổi về thang điểm chung.
Mức độ phân hóa cao trong đề thi tốt nghiệp THPT của năm 2025 và cả năm 2024 khi thực hiện chuyển giao giữa hai chương trình GDPT cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến độ lệch giữa điểm thi tốt nghiệp và điểm học bạ. Đề thi tốt nghiệp THPT với phổ điểm đủ tin cậy để các trường đại học sử dụng kết quả thi để xét tuyển sinh.
Từ năm 2020, Bộ GD&ĐT đã bắt đầu đối sánh điểm trung bình các môn thi và kết quả học bạ trung bình lớp 12 để xem độ tương thích. Tuy nhiên, với trường có độ vênh tương đối lớn thì gần như chỉ dừng lại ở hình thức nhắc nhở, cần phải xem lại quá trình kiểm tra, đánh giá thực chất hơn chứ chưa có chế tài đủ mạnh để “siết” việc cho điểm ở các trường phổ thông trở nên đều tay hơn.
Theo Hà Nguyên/ GD&TĐ
https://giaoducthoidai.vn/thuc-hien-xet-tuyen-danh-gia-qua-trinh-post741427.html