Sau 10 năm, ngân sách dành cho giáo dục đại học giảm cả giá trị tuyệt đối lẫn tương đối.
Việt Nam đang thiếu nhân lực trí tuệ nhân tạo ở mọi cấp độ. Ảnh minh họa: INT
Từ thực tế này, các chuyên gia cho rằng, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao thì ngân sách Nhà nước chi cho giáo dục phải đảm bảo đáp ứng đủ 20%.
Đầu tư hạn hẹp
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050”. Theo đó, Việt Nam đặt mục tiêu đào tạo khoảng 50.000 người trong lĩnh vực bán dẫn đến năm 2030.
Ông Phạm Mạnh Thùy - Trưởng ban Xã hội, Môi trường và Phát triển bền vững, Viện Chiến lược và Chính sách Kinh tế - Tài chính (Bộ Tài chính) dự báo, đến năm 2030 cần khoảng 1,5 triệu nhân lực công nghệ thông tin. Một số ngành, lĩnh vực khác như công nghệ sinh học, vật liệu mới, STEM… dự báo tiếp tục tăng nhanh.
Để phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao đến năm 2030, ông Phạm Mạnh Thùy đề xuất một số giải pháp; trong đó nhấn mạnh đến việc cần đảm bảo vốn cho phát triển nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao; trọng tâm là bảo đảm nguồn vốn cho phát triển giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
“Phát triển nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao phải được đảm bảo đáp ứng đủ 20% tổng chi ngân sách Nhà nước hàng năm cho giáo dục - đào tạo và từ 3 - 5% tổng chi ngân sách cho khoa học và công nghệ trong những năm tới đây”, ông Phạm Mạnh Thùy nêu quan điểm.
Viện dẫn từ Báo cáo số 719/BC-BGDĐT năm 2025 của Bộ GD&ĐT (Báo cáo số 719), ông Nguyễn Trường Giang - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng cho hay, chi ngân sách cho giáo dục đại học năm 2013 là 19.271 tỷ đồng, tương đương với 0,43% GDP và 9,3% tổng chi ngân sách cho giáo dục đào tạo. Đến năm 2022 giảm xuống còn hơn 10.000 tỷ đồng, chiếm 0,11 GDP và 3,4% tổng chi ngân sách Nhà nước cho giáo dục đào tạo.
Báo cáo cũng nêu rõ, bình quân khu vực và thế giới khoảng từ 18 đến 23% trong tổng chi cho giáo dục. Đơn cử như: Tỷ lệ chi so với GDP của Trung Quốc là 1,12%; bình quân OECD là 1,0%; Singapore là 0,79%; Thái Lan là 0,6%. “Như vậy, sau 10 năm ngân sách cho giáo dục đại học giảm cả giá trị tuyệt đối và tương đối, trong khi ngân sách Nhà nước chi cho giáo dục tương đối đã ổn định trên 20%”, ông Nguyễn Trường Giang nêu vấn đề.
Trên thế giới, các trường đại học được giao quyền tự chủ rất cao nhưng Nhà nước vẫn đầu tư ngân sách cho giáo dục đại học vì đó là nguồn đầu tư cho tương lai, GS.TS Hoàng Văn Cường - Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho biết.
Ở Việt Nam, theo quan điểm chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, tự chủ không đồng nghĩa với tự lo, Nhà nước vẫn cấp ngân sách và đầu tư cho các trường. Tuy nhiên, cách đầu tư của Nhà nước sẽ khác trước.
“Nếu trước đây Nhà nước đầu tư theo cơ chế bao cấp thì khi tự chủ, sẽ đầu tư theo cơ chế đặt hàng”, GS.TS Hoàng Văn Cường chia sẻ và cho rằng, đây là quan điểm đúng và phù hợp khi các cơ sở đào tạo thực hiện tự chủ.
Trên thực tế, nguồn ngân sách Nhà nước đầu tư cho giáo dục đại học còn hạn hẹp, nhất là khi các trường tự chủ. Do đó, GS Hoàng Văn Cường nhận thấy, học phí trở thành nguồn thu chính yếu để các trường đại học duy trì hoạt động và đáp ứng các điều kiện đảm bảo chất lượng. Đây cũng là một trong những lý do khiến nhiều trường đại học tự chủ tăng học phí.
Hoạt động nghiên cứu khoa học ở Trường Đại học Việt Nhật (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: NTCC
Hỗ trợ giảm dần
Tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao đổi lý do tài chính chi cho giáo dục đại học trong 10 năm qua có xu hướng giảm.
Theo Bộ trưởng, nguồn chi ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học trong 10 năm qua có điều chỉnh giảm. 10 năm qua, chúng ta triển khai mạnh mẽ xu hướng tự chủ đại học, với các mức khác nhau. Có những trường tự chủ một phần chi thường xuyên, có trường tự chủ chi thường xuyên đầy đủ và có trường tự chủ cả chi thường xuyên và chi đầu tư.
Mỗi khi các trường được duyệt phương án tự chủ cũng là lúc ngành Tài chính cắt phần kinh phí hỗ trợ cho chi thường xuyên. Chính vì vậy, 10 năm qua số trường tự chủ càng tăng lên, mức độ tự chủ càng cao, thì phần hỗ trợ kinh phí từ Nhà nước giảm dần. Thực tế này khiến các trường gặp khó khăn trong việc phát triển chất lượng giáo dục đào tạo và đầu tư phát triển cho đội ngũ giảng viên.
Theo Báo cáo số 719, những năm qua tổng nguồn lực tài chính cho hoạt động của các cơ sở giáo dục từ nhiều nguồn có tăng nhưng còn thấp. Phần lớn các trường dựa vào nguồn thu học phí nên ít có khả năng, tiềm lực để tái đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật một cách đồng bộ. Việc triển khai tự chủ có điều kiện ràng buộc về kiểm định và tài chính và thực hiện lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công chưa đủ bù đắp chi phí đào tạo.
Nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ còn thấp, tập trung ở một số trường có năng lực nghiên cứu và thứ hạng cao (nguồn thu dưới 10% từ nguồn khoa học công nghệ). Tỷ lệ này thấp hơn nhiều các trường đại học nghiên cứu tiên tiến trên thế giới (trên 30%).
Việc bố trí vốn đầu tư, các dự án đầu tư phát triển cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm cho hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ gắn với đào tạo nhân lực công nghệ cao trong các cơ sở giáo dục đại học cũng chưa được ưu tiên. Việc huy động vốn từ thị trường, tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước cho đào tạo các ngành phục vụ phát triển công nghệ cao còn nhiều hạn chế.
Báo cáo số 719 chỉ rõ, ngân sách Nhà nước chi cho giáo dục đại học đạt mức thấp so với các nước trong khu vực và thế giới, trong khi việc huy động các nguồn lực từ xã hội còn hạn chế. Ngân sách Nhà nước cơ bản chỉ đáp ứng chi tiền lương và chi thường xuyên cho các trường tự chủ một phần. Nguồn chi hoạt động chuyên môn, chi nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ thấp. Kinh phí tăng cường nâng cao chất lượng đào tạo và đổi mới sáng tạo hạn chế.
Hiện, chưa có chính sách tài trợ kinh phí đào tạo, nghiên cứu cho các chương trình đào tạo các ngành ưu tiên phục vụ phát triển công nghệ cao. Ngoài ra, chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ người học, người dạy tham gia các chương trình quốc gia, đề án phát triển các ngành, lĩnh vực công nghệ cao đến năm 2030; đồng thời chưa xây dựng và thực hiện được chính sách học bổng, cho vay hỗ trợ sinh viên theo học ngành công nghệ cao.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Tài chính để xem xét điều chỉnh về tài chính khi các trường đại học thực hiện cơ chế tự chủ. Làm sao các trường có được sự tự chủ cao nhưng vẫn nhận được hỗ trợ của Nhà nước. |
Theo Minh Phong/ GD&TĐ
https://giaoducthoidai.vn/ngan-sach-cho-giao-duc-dai-hoc-tu-chu-khong-dong-nghia-voi-tu-lo-post739294.html