Nhìn vào phổ điểm các môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay không thể không băn khoăn khi độ khó giữa các môn có sự chênh lệch đáng kể. Đặc biệt khi so sánh những môn thi thí sinh được tự chọn.
Từ phổ điểm 12 môn thi tốt nghiệp THPT do Bộ GD-ĐT công bố có thể thấy điểm trung bình các môn đều giảm so với năm ngoái, trừ vật lý.
Trong đó, môn toán giảm nhiều nhất, từ 6,45 xuống 4,78 điểm, giảm hẳn 25%. Nếu năm 2024 có một nửa số thí sinh (TS) 6,8 điểm trở lên, thì năm nay đến một nửa số TS chỉ đạt 4,6 điểm trở xuống.
Với mức điểm 4,78, môn toán cũng là môn có điểm trung bình thấp nhất trong số 12 môn thi được Bộ GD-ĐT công bố phổ điểm vào chiều 15.7. Một số chuyên gia cho rằng chỉ 12% TS đạt từ 7 điểm toán trở lên là quá thấp, hơn 56% TS điểm dưới trung bình là quá cao. Toán cũng là môn có số lượng TS bị điểm liệt nhiều nhất với 777 bài, gấp 10 lần năm 2024 (76 bài).
Thí sinh xem phổ điểm các môn thi tốt nghiệp THPT 2025 do Bộ GD-ĐT công bố chiều 15.7
HƯỚNG TỚI SỰ CHUYÊN NGHIỆP HÓA TRONG KHÂU RA ĐỀ THI Một chuyên gia cho rằng năm nay, đề được thiết kế bằng phương pháp chuyên gia, không qua ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa. Dù là những giáo viên giỏi chuyên môn, nhiều người trong đội ngũ ra đề lại thiếu vắng chuyên môn hóa về khảo thí, thậm chí không biết gì về các phương pháp thống kê cơ bản để đánh giá độ khó của một câu hỏi hay hiệu quả của các phương án nhiễu. Điều này biến quá trình ra đề thành công việc thủ công, thiếu tính khoa học; gây tranh cãi về mức độ khó, dễ, ngắn, dài và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do vậy, theo chuyên gia này cần "cuộc cách mạng" trong cách tiếp cận việc ra đề thi, hướng tới sự chuyên nghiệp hóa và ứng dụng khoa học. Trong đó, đào tạo chuyên sâu về khảo thí; xây dựng ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa; quy trình ra đề chuyên nghiệp; sự tham gia của chuyên gia thống kê. Việc thoát ly khỏi cảm tính và kinh nghiệm để hướng tới một quy trình ra đề thi chuyên nghiệp, dựa trên dữ liệu thống kê không chỉ nâng cao chất lượng đề thi mà còn củng cố niềm tin của xã hội vào tính công bằng và minh bạch của các kỳ thi, đặc biệt kết quả kỳ thi ấy còn dùng vào mục đích tuyển sinh. |
Mức điểm trung bình thấp thứ 2 là tiếng Anh với điểm trung bình là 5,38. Năm nay có khoảng 350.000 em thi môn tiếng Anh, điểm trung vị là 5,25, nghĩa là chỉ có 175.000 em có điểm lớn hơn 5,25.
Ngay sau khi kỳ thi kết thúc, chính TS và giáo viên cũng như chuyên gia đã lên tiếng băn khoăn về độ khó chênh lệch giữa các môn thi. Khi giải thích về độ khó của đề thi tiếng Anh, có ý kiến cho rằng do năm nay ngoại ngữ không còn là môn bắt buộc mà là môn tự chọn nên chỉ những TS tự tin về môn thi này mới lựa chọn. Do vậy, đề thi tăng độ khó cũng là điều phù hợp.
Tuy nhiên, không chỉ môn ngoại ngữ, hàng loạt môn còn lại (ngoài toán, văn) đều là môn thi tự chọn, nhưng nhìn vào phổ điểm và phân tích phổ điểm mà Bộ GD-ĐT công bố cũng có thể thấy sự chênh lệch trong kết quả thi giữa các môn này.
Ví dụ, với môn vật lý trong số 347.599 TS dự thi, chỉ có 34.029 TS điểm dưới trung bình, chiếm tỷ lệ 9,79%. Tính từ điểm 7 trở lên, có 186.531 TS đạt, chiếm tỷ lệ 53,6%. Mức điểm nhiều TS đạt được nhất là 7,5. Cả nước có 3.929 điểm 10 môn vật lý, tăng vượt trội so với năm 2024 (55 điểm 10). Số điểm 10 môn vật lý chỉ đứng sau môn địa lý, cao gấp 7,6 lần môn toán và gấp 6,2 lần môn hóa học…
Theo một giáo viên tại Hà Nội, so sánh phổ điểm vật lý với các môn khác cho thấy năm nay đề thi môn này dễ hơn một cách bất thường.
Trong khi đỉnh của phổ điểm môn vật lý tại vị trí 7,5 thì đỉnh phổ điểm môn hóa học chỉ khoảng 5,25; đỉnh phổ điểm sinh học là 5,25… Hoặc môn địa lý là môn có điểm 10 nhiều nhất trong số các môn thi, với 6.907 điểm 10, tăng hơn gấp đôi so với kỳ thi năm 2024 (3.175 điểm 10); điểm trung bình là 6,63… Đó là một sự khác biệt lớn giữa các môn thi.
Thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên dạy hóa học tại Hà Nội, cho rằng dựa vào điểm trung bình và số lượng điểm cao thì có thể thấy một sự chênh lệch rõ rệt về độ khó giữa các môn.
Toán và tiếng Anh có vẻ vẫn là môn khó nhất. Các môn khoa học xã hội có vẻ dễ dàng đạt điểm cao hơn. Các môn khoa học tự nhiên dù vẫn hơi lệch, nhưng có độ phân hóa hơn, trong đó vật lý có vẻ "dễ thở" hơn hóa học và sinh học. Trong đó, phổ điểm của môn toán và tiếng Anh dù được khen là đẹp nhưng so với năm ngoái và so với các môn khác cho thấy đề thi vẫn khó hơn.
Theo Tuệ Nguyễn/ Thanh niên
https://thanhnien.vn/chenh-lech-do-kho-trong-de-thi-giua-cac-mon-nhin-tu-pho-diem-185250716231942107.htm