19
/
183196
Tiềm năng du lịch văn hóa của vùng lõi Huế
tiem-nang-du-lich-van-hoa-cua-vung-loi-hue
news

Tiềm năng du lịch văn hóa của vùng lõi Huế

Thứ 5, 17/07/2025 | 11:30:00
290 lượt xem

Phường Phú Xuân vừa được thành lập trên cơ sở sáp nhập 6 phường nội và ngoại thành Huế, bao trọn Hoàng thành, Tử Cấm thành và phố cổ Đông Ba, Gia Hội. Đây là khu vực giàu tiềm năng phát triển du lịch văn hóa.

Cần tháo nút thắt giao thông ở Kinh thành Huế. 

Ký ức vàng son

Nằm giữa lòng thành phố, Kinh thành Huế, trung tâm quyền lực của nhà Nguyễn một thời vẫn giữ được dáng vẻ trầm mặc, uy nghiêm. Bao quanh bởi hào nước, tường thành và trục kiến trúc truyền thống, nơi đây mang đậm dấu ấn của triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam.

Ra khỏi cổng thành, bên kia bờ sông Đông Ba là phố cổ Gia Hội. Khu phố được hình thành từ thời các chúa Nguyễn và trở thành trung tâm mua bán sầm uất vào đầu thế kỷ XIX, nơi giao thương của người Hoa, Ấn Độ, Tây Ban Nha... Họ không chỉ mang đến hàng hóa, mà còn để lại dấu ấn văn hóa trên nhiều công trình kiến trúc trong khu phố. Khu phố cổ còn là nơi hội tụ của các phủ đệ hoàng thân, quan lại triều Nguyễn, xen lẫn với lớp lớp nhà rường truyền thống. Đây cũng là nơi sinh sống của cộng đồng dân cư chủ yếu là người Huế gốc, với nhiều nghề truyền thống. Những ngôi chùa cũ tôn nghiêm cũng hiện diện trong khu vực. Có thể nói, Gia Hội là một “Huế thu nhỏ”, có sự hiện diện của văn hóa cung đình, dân gian và tôn giáo. Gia Hội ngày nay vẫn có thể xem như một bảo tàng ký ức đô thị Huế.

Hoàng thành, hay còn được biết đến dưới tên dân dã là Đại Nội vẫn là điểm đến quan trọng mỗi khi du khách ghé thăm Huế. Tuy nhiên, phần lớn khách du lịch chỉ dạo một vòng tham quan rồi rời đi, ít người ở lại khám phá sâu không gian Kinh thành. Bên cạnh lý do dịch vụ còn hạn chế, nhiều phế tích vẫn đang chờ được trùng tu... thì giao thông trong Kinh thành chưa thật sự thông thoáng; không gian di tích và đời sống đô thị thiếu sự tương tác rõ rệt.

Phường Phú Xuân, nơi vừa hình thành từ việc sáp nhập các phường cũ là địa bàn bao trọn khu vực này. Tuy nhiên, việc quản lý và tổ chức không gian sống, không gian di sản ở đây nhiều năm trước đó vẫn còn rời rạc. Khoảng cách giữa di tích và cộng đồng dân cư chưa được nối liền. Vì vậy, chiến dịch làm sạch sông Ngự Hà ngay trước thời điểm cả nước chuyển sang chính quyền địa phương hai cấp là một tín hiệu tích cực. Dòng “sông vua” đi giữa Hoàng thành, nhiều năm bị bồi lắng và ô nhiễm, nay đã được nạo vét, làm sạch đã mang lại mang lại diện mạo mới cho khu vực nội đô.

Tháo điểm nghẽn từ giao thông

Đi trên một chiếc thuyền nhỏ từ sông Đông Ba vào Ngự Hà, một du khách từ Hà Nội nói: “Đi vào Thành nội bằng đường sông thấy nhẹ nhàng hơn nhiều so với đi xe máy hay ô-tô”. Dù rộng hơn 500ha, nhưng Kinh thành chỉ có 10 cửa, mỗi cửa rộng chưa tới 4m. Các cầu như Khánh Ninh, Vĩnh Lợi… đều xây từ thế kỷ XIX, hiện chỉ đáp ứng được xe máy, xe ô-tô nhỏ, khiến áp lực giao thông ngày càng đè nặng lên không gian di tích. Việc đi lại của cư dân luôn bị điều chỉnh bởi sự phân luồng thiếu hợp lý.

z6812423208803-2794804ca9019826093ac6e2aaa4fcb9-4233.jpgNhững chiếc cầu cổ bắc qua Ngự Hà trong Kinh thành Huế.

Kiến trúc sư Trương Hồng Trường, giảng viên khoa Kiến trúc, Trường Đại học Khoa học Huế nhìn nhận: “Không nên tìm cách mở thêm đường hay phá cổng, mà tổ chức lại luồng giao thông. Có thể chia khu vực thành các trục lưu thông một chiều, kết hợp với giao thông nhẹ như xe điện, xe đạp”. Anh hướng tay về phía sông: “Nếu phục dựng vài cây cầu nhỏ bắc qua Ngự Hà, thì người dân có thể đi bộ hoặc đạp xe sang bờ bên kia, vừa có thêm kết nối, vừa giữ được cấu trúc không gian xưa”.

Gợi ý này được nhiều người dân trong Thành nội đồng tình. Cô Tuyết Loan, giáo viên tiểu học cho biết: “Nếu các trục chính cấm đỗ xe, vỉa hè thông thoáng thì đi bộ sẽ thoải mái hơn. Xe máy cho đặt trên vỉa hè các tuyến đường ngang một chiều, quy hoạch những bãi đỗ xe ô-tô nhỏ ở khu vực Thành Lồi và những bãi đất chưa có kế hoạch sử dụng, bảo đảm sự tiện lợi cho mọi người”. Chị Phương Mai, một người đang làm dịch vụ lưu trú trên đường Phùng Hưng, chia sẻ: “Khi không gian sạch sẽ, yên tĩnh, người làm dịch vụ cũng phải chỉn chu hơn. Khách đến sẽ có thời gian cảm nhận, chứ không phải ngủ bên kia sông Hương, mua vé vào xem Đại Nội rồi trở về”.

Một không gian sống có tổ chức rõ ràng sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho cả người dân và du khách. Nếu được tổ chức hợp lý, khu vực này sẽ dễ sống, dễ đi lại và phát triển dịch vụ.

Khởi đầu giấc mơ di sản sống

Sau khi sáp nhập, phường Phú Xuân trở thành địa bàn trọng yếu của thành phố. Ở đây có di sản thế giới, là nơi sinh sống của hàng nghìn hộ dân gắn bó nhiều năm với Kinh thành. Ông Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế (cũ), hiện điều hành một nhà hàng kiểu Huế rất thành công trong khu vực Kinh thành cho rằng: “Muốn Kinh thành trở thành di sản sống thì phải có sự tham gia của người dân. Nếu có cách tổ chức hợp lý, tôi tin mỗi ngôi nhà, mỗi tuyến phố đều có thể góp phần kể những câu chuyện của Huế”.

z6812393950770-448636dc38a68dc2cf8f1ef26ac60599-8703.jpgĐông Ba, Gia Hội có thể xem là "thiên đường" ẩm thực Huế.

Muốn giữ chân du khách, phải có nơi lưu trú phù hợp, mang đặc trưng Huế. Ông Nguyễn Xuân Hoa vẫn ấp ủ ý tưởng một ngày nào đó, trong Kinh thành Huế sẽ có những ngôi nhà rường phục vụ khách lưu trú, hoặc khách sạn boutique thấp tầng theo phong cách kiến trúc địa phương. Thậm chí đã đến lúc phải nghĩ đến quy hoạch quỹ đất để phát triển dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp.

Lê Đắc Nguyên Quý, từng là chủ một quán bar lớn trên đường Võ Thị Sáu băn khoăn: Nếu có chính sách khuyến khích đầu tư điểm lưu trú trên các tuyến đường ở Gia Hội, rồi kết hợp các quán ăn kiểu cũ, tiệm trà, hàng sách… thì có thể tạo thành một chuỗi dịch vụ mang dấu ấn văn hóa hay không. Trong Kinh thành, trên bờ sông Ngự Hà, có thể tổ chức các phiên chợ nhỏ, nơi người dân bán những món ăn Huế truyền thống. Ở đây du khách có thể ngồi bên cầu, thưởng thức các món ăn đồ uống và cảm nhận sự thân thiện của con người Huế.

ss-2014.jpgPhố cổ Gia Hội - nơi có thể xem như bảo tàng thu nhỏ về kí ức đô thị Huế.

Trong hơn 150 năm tồn tại, Kinh đô Huế là nơi quy tụ nhiều nghệ nhân giỏi đến từ các làng nghề trong cả nước. Tuy ngày nay không còn vị thế đó, nhưng hậu duệ của họ vẫn còn. Nếu được khuyến khích tổ chức những phố nghề, làng nghề thủ công để du khách đến trải nghiệm, mua sắm, thì liệu họ có sẵn sàng? Phường Phú Xuân cũng cần phối hợp với các trường, viện và doanh nghiệp văn hóa để tổ chức những tuyến đường nghệ thuật, các lớp học ngắn ngày như vẽ pháp lam, làm hương, may áo dài…

Có một thực tế tại phố cổ Hội An (Đà Nẵng), sau giải phóng nơi đây chỉ còn những ngôi nhà cổ trên một số trục đường chính, nhưng mới đây Hội An là đại diện duy nhất của Việt Nam xuất hiện trong danh sách 10 thành phố tốt nhất thế giới năm 2025 do tạp chí Travel+Leisure (T+L), một trong những ấn phẩm hàng đầu thế giới về du lịch và trải nghiệm, bình chọn. Nét đặc biệt ở đây là, mỗi người dân, khi tự mình kể những câu chuyện của di sản, sẽ góp phần gìn giữ và phát triển nó.

Theo Dương Quang Tiến/ Nhân Dân

https://nhandan.vn/tiem-nang-du-lich-van-hoa-cua-vung-loi-hue-post894253.html

  • Từ khóa

Lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam của du khách Ba Lan, Thụy Sĩ và Cộng hòa Séc tăng vọt

Theo thống kê từ Agoda, từ ngày 1/1-23/6, số lượng tìm kiếm lưu trú tại Việt Nam từ Ba Lan đã tăng vọt 306%, Cộng hòa Séc 155% và Thụy Sĩ 68% so cùng kỳ...
15:31 - 17/07/2025
208 lượt xem

Trại hè Việt Nam năm 2025: Viết tiếp câu chuyện hòa bình

Tối 16/7, Trại hè Việt Nam 2025 đã chính thức khai mạc tại Đắk Lắk. Đây là sự kiện thường niên do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại...
15:29 - 17/07/2025
210 lượt xem

Lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam của du khách Ba Lan, Thụy Sĩ và Cộng hòa Séc tăng vọt

Theo thống kê từ Agoda, từ ngày 1/1-23/6, số lượng tìm kiếm lưu trú tại Việt Nam từ Ba Lan đã tăng vọt 306%, Cộng hòa Séc 155% và Thụy Sĩ 68% so cùng kỳ...
15:03 - 17/07/2025
211 lượt xem

Độc lạ bảo vật quốc gia: Đôi nghê đồng mất đuôi tinh xảo thời Lê Trung Hưng

Người thợ thủ công thời Lê Trung Hưng đã tiếp thu nghệ thuật từ thời Đông Sơn và làm ra đôi nghê đồng tinh xảo, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Hà Nội.
12:22 - 17/07/2025
270 lượt xem

Loạt nghệ sĩ nổi tiếng có mặt trong "V Concert - Rạng rỡ Việt Nam"

Góp mặt trong chương trình là các ca sĩ Hà Anh Tuấn, Đen, Noo Phước Thịnh, Hồ Ngọc Hà, Trúc Nhân, Tóc Tiên, Hoàng Thùy Linh, Hòa Minzy, Phương Mỹ Chi
16:50 - 16/07/2025
774 lượt xem