Mùa hè năm nay chứng kiến những đợt nắng nóng kỷ lục không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe con người mà còn đe dọa đến các thiết bị điện tử, đặc biệt là điện thoại di động.
Một trong những mối nguy hiểm mà nhiều người thường bỏ qua là việc để điện thoại trong ô tô. Theo một nghiên cứu năm 2018, khi nhiệt độ ngoài trời chỉ đạt 29°C, nhiệt độ bên trong ô tô có thể tăng lên tới 45°C chỉ sau 1 giờ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Đặc biệt, khu vực buồng lái của xe có thể nóng đến 72°C. Nếu người dùng để điện thoại trong hộp đựng găng tay hoặc gần buồng lái, nhiệt độ có thể tăng cao tương tự và gây hại cho pin.
Để điện thoại trong xe là thói quen cần hạn chế một cách tối đa
Nhiệt độ cao có thể làm hỏng pin lithium-ion, loại pin phổ biến trong điện thoại hiện đại. Mặc dù nguy cơ tự bốc cháy trong ô tô nóng là thấp, nhưng hiện tượng "mất kiểm soát nhiệt" có thể xảy ra, dẫn đến phản ứng hóa học bên trong pin tăng tốc và tạo ra nhiều nhiệt hơn. Điều này làm giảm tuổi thọ pin, khiến điện thoại nhanh hết pin hơn. Những áp lực này có thể làm giảm dung lượng tối đa của pin vĩnh viễn.
Làm gì khi điện thoại quá nóng?
Nếu điện thoại trở nên quá nóng, người dùng không nên làm mát nhanh chóng bằng cách đặt vào tủ đông vì có thể gây nứt màn hình. Thay vào đó hãy tắt điện thoại, tháo ốp lưng và để điện thoại nguội dần bằng cách thổi luồng khí mát từ các lỗ thông hơi trên xe.
Nếu cần để điện thoại trong xe, hãy tắt máy để giảm nhiệt tỏa ra, bọc điện thoại trong một miếng vải sáng màu để phản chiếu ánh sáng và đặt vào túi cách nhiệt. Nếu có thể, hãy để điện thoại ở nơi mát hơn trong xe, chẳng hạn như dưới ghế.
Việc để điện thoại trong ô tô nóng trong khoảng 1 giờ có thể không gây ra vấn đề nghiêm trọng, nhưng nếu thường xuyên để điện thoại trong xe, hãy thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết như đã nói để bảo vệ thiết bị khỏi hư hỏng và nguy cơ hỏa hoạn.
Theo Kiến Văn/ Thanh niên
https://thanhnien.vn/canh-bao-thoi-quen-co-the-lam-hong-dien-thoai-de-dang-185250718065948761.htm