11
/
183416
Khép lại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025: Lựa chọn con đường phù hợp
khep-lai-ky-thi-tot-nghiep-thpt-nam-2025-lua-chon-con-duong-phu-hop
news

Khép lại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025: Lựa chọn con đường phù hợp

Thứ 3, 22/07/2025 | 09:15:00
131 lượt xem

Kỳ thi THPT năm 2025 đã khép lại với hàng nghìn điểm 10 và tỷ lệ tốt nghiệp hơn 99%. Nhưng sau phổ điểm rực rỡ ấy, không phải học sinh nào cũng mãn nguyện. Khi điểm cộng không còn, điểm cao chỉ dành cho số ít, thì số đông học sinh cần lựa chọn cho mình một con đường riêng phù hợp cho tương lai.

Học sinh tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp tổ chức tại Hà Nội năm 2025. 

Phổ điểm năm nay rực rỡ những điểm 10, đó là minh chứng cho những nỗ lực cá nhân và sự đổi mới trong giáo dục. Nhưng, ngay dưới những đỉnh cao ấy là một độ vênh lớn hơn mọi năm và những khoảng tối lặng lẽ hơn.

Mặt trái của một phổ điểm đẹp

Toán là một trong ba môn bắt buộc nhưng có điểm trung bình chỉ đạt 4,78, thấp nhất trong số các môn thi. Gần 50% thí sinh có điểm dưới trung bình, 777 bài thi bị điểm liệt, gấp 10 lần so với năm 2024 (chỉ 76 bài). Tiếng Anh cũng không khá hơn với 46,68% thí sinh dưới điểm 5, dù đây là môn được kỳ vọng chuẩn hóa theo chuẩn B1. Đề thi bị nhiều giáo viên nhận xét là quá khó, chưa tương xứng với mặt bằng dạy học ở nhiều địa phương.

Trong khi đó, số bài thi đạt điểm 10 ở nhiều môn tăng vọt: Vật lý tăng từ 55 (năm 2024) lên 3.929, Địa lý tăng gấp đôi, và ngay cả Toán được đánh giá là rất khó cũng có đến 513 điểm 10 tuyệt đối. Một phổ điểm mà cực đại và cực tiểu cùng tăng, vừa là minh chứng cho độ phân hóa rõ nét, vừa hé lộ khoảng cách đang giãn rộng giữa những học sinh được luyện thi bài bản, có điều kiện tiếp cận tài liệu, phương pháp tốt với những học sinh vùng sâu, vùng xa học trong môi trường thiếu thốn, không được hỗ trợ đủ về định hướng hay kỹ năng.

Tiến sĩ Sái Công Hồng (Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) nhận định: “Đề thi năm nay phân hóa tốt, phù hợp với mục tiêu tuyển sinh đại học. Nhưng với học sinh có điểm trung bình trở xuống, nếu thiếu thông tin định hướng, các em rất dễ hoang mang. Khi điểm cộng không còn thì động lực và cơ hội cũng sẽ giảm theo”. Năm 2025 là năm đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ cộng điểm ưu tiên nghề, tin học và ngoại ngữ - chính sách từng mở thêm cánh cửa cho nhiều thí sinh có lực học trung bình.

Khi không còn điểm cộng, mọi kỳ vọng dồn hết vào điểm thi và điểm học bạ, là thử thách không nhỏ đối với học sinh vùng khó khăn. Nhưng, dù đạt điểm cao hay thấp, mỗi học sinh giờ đây đều đang đứng trước câu hỏi: Con đường nào phù hợp với mình? Trong khi phần lớn dư luận dồn sự chú ý vào các thủ khoa, á khoa thì số đông học sinh có điểm thi dưới 7 mỗi môn lại ít được nhắc đến. Nhưng chính các em mới là diện phổ biến nhất của hệ thống giáo dục, là lực lượng lao động tương lai nếu được định hướng đúng. Không cần được tôn vinh nhưng các em cần được lắng nghe, được dẫn dắt và được trao quyền để chọn con đường của chính mình.

Học nghề không còn là lựa chọn "hạng hai"

Kỳ thi kết thúc là lúc nhiều thí sinh cảm thấy chênh vênh với kết quả không như kỳ vọng. Nhưng trước mắt các em không phải ngõ cụt. Ngược lại, chính một phổ điểm phân hóa sâu với điểm liệt Toán tăng mạnh, gần 50% thí sinh có điểm tiếng Anh dưới trung bình đang đặt ra một thực tế rõ ràng là đã đến lúc, những con đường ngoài đại học cần được nhìn nhận công bằng hơn. Giáo dục nghề nghiệp đang có cơ hội bứt phá.

Từ năm 2025, hệ thống này chính thức chuyển về Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, một bước đi quan trọng để đồng bộ hóa công tác tuyển sinh và phân luồng sau THPT. Các trường cao đẳng bắt đầu tuyển sinh cùng đợt với đại học, sử dụng chung nền tảng tuyển sinh, tăng tính minh bạch và dễ tiếp cận hơn với thí sinh. Song song với đó, dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi) đang được xây dựng theo hướng tăng quyền tự chủ, cắt giảm hơn 40% thủ tục hành chính, mở rộng hợp tác quốc tế và thúc đẩy liên kết với doanh nghiệp. “Nếu được trao quyền đúng lúc, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoàn toàn có thể chuyển mình mạnh mẽ, bắt kịp thị trường lao động số và hội nhập quốc tế”, ông Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Cục trưởng Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên nhận định.

Nhìn từ thực tiễn, những tín hiệu tích cực trong đào tạo nghề ở Việt Nam cũng dần hiện rõ. Ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều trường nghề đi đầu trong mô hình “kỹ sư thực hành” theo chuẩn quốc tế, mở tuyển sinh sớm, hỗ trợ học phí và cam kết đầu ra (việc làm). Các ngành kỹ thuật như cơ điện tử, hàn, khuôn mẫu… ngày càng thu hút nhờ triển vọng nghề nghiệp vững chắc. Tại Quảng Nam, mô hình kết hợp đào tạo nghề và tiếng Nhật từ lớp 10 đã giúp học sinh sẵn sàng đi làm tại Nhật Bản với mức lương khởi điểm từ 1.000-1.500 USD/tháng. Ở Thái Bình, chính sách hỗ trợ học phí, ký túc xá và bảo đảm đầu ra giúp tỷ lệ học sinh chọn học nghề sau THPT tăng rõ rệt.

Tư duy mới, cơ hội mới

“Xã hội lâu nay vẫn gắn mác “học nghề vì trượt đại học”, khiến nhiều em phù hợp nhưng vẫn e dè với lựa chọn này. Chúng tôi rất cần báo chí, nhà trường và phụ huynh đồng hành để thay đổi tư duy”, ông Trương Anh Dũng, Cục trưởng Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên chia sẻ.

Cũng từ thực tế này, nhiều chuyên gia khẳng định học nghề không phải phương án dự phòng. Đó là một lựa chọn thực chất và đáng giá, nếu phù hợp với người học. Thời gian đào tạo ngắn, nội dung gắn sát thực tế, liên kết chặt với doanh nghiệp. Không ít ngành nghề như công nghệ ô-tô, logistics, kỹ thuật chế biến thực phẩm, chăm sóc sức khỏe, công nghệ thông tin… có thể mang lại mức thu nhập cao hơn cả nhiều ngành đại học, miễn là được đào tạo bài bản.

Tiến sĩ Lê Trường Tùng (Trường đại học FPT) nhận xét: “Chúng ta đã nói quá nhiều về người chiến thắng. Nhưng chính những học sinh điểm trung bình mới là đa số và các em cần được cung cấp thông tin rõ ràng, được lắng nghe, được gợi mở… chứ không phải lặng lẽ chọn trong bối cảnh bị buộc phải chọn”. Tương lai không chỉ bắt đầu từ cổng trường đại học. Nó có thể được khởi động từ một lớp học nghề nhỏ, một xưởng thực hành, một trung tâm đào tạo kỹ năng, miễn là học sinh biết mình muốn gì và được người lớn trao cơ hội để bắt đầu.

Không ai muốn điểm thấp, nhưng cũng không nhất thiết phải là thủ khoa mới đi xa được. Điều quan trọng là chọn đúng hướng, một con đường phù hợp với năng lực, điều kiện và ước mơ. Và ngay khi biết điểm thi, chính là lúc thí sinh và gia đình cần sự tỉnh táo nhất để cân nhắc và lựa chọn, không vì áp lực điểm số mà chọn sai đường.

Theo Thu Trang/ Nhân dân

https://nhandan.vn/khep-lai-ky-thi-tot-nghiep-thpt-nam-2025-lua-chon-con-duong-phu-hop-post895345.html

  • Từ khóa

Bắc Ninh hướng tới trung tâm giáo dục chất lượng cao

Bắc Ninh phát huy thế mạnh và truyền thống khoa bảng đất Kinh Bắc hướng tới trở thành một trong những trung tâm giáo dục chất lượng cao của cả nước.
10:36 - 22/07/2025
145 lượt xem

Đề thi khó dễ khác nhau, đặt điểm chuẩn sao cho công bằng?

Làm sao để có sự công bằng trong xét tuyển là mối quan tâm hàng đầu hiện nay của thí sinh và phụ huynh, đặc biệt với bối cảnh năm nay các trường ĐH không...
07:37 - 22/07/2025
172 lượt xem

Tuyển sinh ĐH: Xuất hiện chiêu lừa đảo học sinh

Một số trường THPT tại TP.HCM vừa phát đi cảnh báo khẩn về chiêu lừa đảo mạo danh nhân viên nhà trường hoặc trường ĐH liên hệ học sinh lớp 12 thông báo đã...
16:35 - 21/07/2025
560 lượt xem

Bắc Ninh: Đón, chúc mừng nữ sinh giành Huy chương Đồng Olympic Toán quốc tế

Sáng 21/7, ông Đoàn Xuân Thanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Ninh đón, chúc mừng em Trương Thanh Xuân giành Huy chương Đồng Olympic Toán quốc tế.
14:43 - 21/07/2025
905 lượt xem

Hôm nay hoặc ngày mai, Bộ GD-ĐT công bố điểm chênh giữa các tổ hợp xét tuyển

Cùng với việc công bố điểm sàn khối ngành đào tạo giáo viên và khối ngành sức khỏe, Bộ GD-ĐT cũng sẽ công bố điểm chênh giữa các tổ hợp xét tuyển.
10:06 - 21/07/2025
716 lượt xem