Dù chưa được cấp phép hoạt động trở lại, chủ đầu tư vẫn cho khu du lịch sinh thái suối Tiên - hồ Thủy Yên (xã Chân Mây, Lăng Cô, TP Huế) khai thác các hoạt động dịch vụ du lịch, đón hàng trăm lượt khách mỗi ngày.
Từ khi giấy phép hoạt động của khu du lịch sinh thái suối Tiên - hồ Thủy Yên hết hạn vào ngày 22-10-2023 cho đến nay, Hợp tác xã nông nghiệp Thủy An đã nhiều lần cho khu du lịch hoạt động, thu tiền vé của du khách - Ảnh: THANH NGUYÊN
Khu du lịch sinh thái suối Tiên - hồ Thủy Yên được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là TP Huế) cấp giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi hồ chứa nước Thủy Yên cho Hợp tác xã nông nghiệp Thủy An (chủ đầu tư) vào ngày 22-10-2018, thời hạn hoạt động 5 năm.
Tuy nhiên, từ khi giấy phép hoạt động hết hạn vào ngày 22-10-2023 cho đến nay, chủ đầu tư đã nhiều lần cho khu du lịch hoạt động, thu tiền vé của du khách và nhiều loại thuế, phí khác.
Thu trái phép đủ loại tiền
Ngày 20-7, trong vai khách du lịch, phóng viên được một nữ nhân viên bán vé tại cổng khu du lịch thông báo phải mua "vé đi thuyền" với giá 55.000 đồng/người, gồm cả lượt đi và lượt về. Trong đó 50.000 đồng là vé đi thuyền qua lòng hồ Thủy Yên, 5.000 đồng tiền bảo hiểm tai nạn.
Tuy nhiên, theo bản kê khai mức giá cụ thể số 19/PA-HTX ngày 2-12-2021 của chủ đầu tư, "vé vận chuyển hành khách" cho cả 2 chiều đoạn từ bãi đỗ xe đến bến thuyền là 20.000 đồng, hành trình đi thuyền qua hồ Thủy Yên đến Suối Tiên là 30.000 đồng.
Trên thực tế, khách đi xe máy vào khu du lịch đa phần tự đi đến sát khu vực bến thuyền, không được khu du lịch đưa đón. Khách đi ô tô sẽ phải đóng thêm 15.000 đồng phí gửi xe.
Theo ghi nhận của phóng viên, ngày mua vé là sáng ngày 20-7-2025, tuy nhiên ngày in trên vé vận chuyển hành khách là 18-7-2025 - Ảnh: THANH NGUYÊN
"Đoàn chúng tôi hơn 10 người, đi thuyền qua lòng hồ khoảng chừng vài trăm mét mà hết hơn 500.000 đồng tiền vé", một du khách nói.
Theo các hộ kinh doanh ở suối Tiên, vào mùa hè, suối Tiên đón khoảng từ 200-300 lượt khách/ngày. Đặc biệt vào những ngày cuối tuần, con số này có thể cao hơn. Hiện nay, khu vực suối Tiên có 12 bãi tắm được phân chia cho các hộ kinh doanh đồ ăn, nước uống...
"Chúng tôi phải đóng cho chủ đầu tư nhiều khoản phí như tiền thuê bãi, tiền rác, tiền thuyền... và cả phần trăm "hoa hồng" trên tổng lượng khách trong tháng. Trung bình mỗi tháng chúng tôi phải đóng từ 7-10 triệu đồng", một hộ kinh doanh cho biết.
Tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố trên lòng hồ thủy lợi
Ghi nhận thực tế cho thấy, thuyền chở khách qua lòng hồ Thủy Yên không có nhân viên hướng dẫn mặc áo phao đúng quy định trước khi rời bến. Nhiều hành khách không mang áo phao, thậm chí ra sát mũi thuyền chụp ảnh, quay phim khi thuyền đang di chuyển.
Khu vực hồ Thủy Yên được người dân địa phương xác nhận là rất sâu và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Anh N.T. (người dân thôn Thủy Yên) cho biết: "Hồ này sâu lắm. Từng có người đuối nước ở hồ Thủy Yên và trên suối Tiên. Không mặc áo phao khi đi thuyền rất nguy hiểm. Thời gian gần đây đã liên tiếp xảy ra những tai nạn thương tâm liên quan đến đường thủy".
Nhiều hành khách không mang áo phao, thậm chí ra sát mũi thuyền chụp ảnh, quay phim khi thuyền đang di chuyển - Ảnh: THANH NGUYÊN
Việc tàu thuyền hoạt động liên tục trong lòng hồ thủy lợi Thủy Yên cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sự ổn định của công trình thủy lợi.
Ông Dương Đức Hoài Khánh - giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác Thủy lợi TP Huế (đơn vị trực tiếp quản lý hồ chứa nước Thủy Yên) - cho biết trong năm 2024, đơn vị đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị chính quyền xã Lộc Thủy (nay là xã Chân Mây - Lăng Cô) dừng các hoạt động trong lòng hồ Thủy Yên khi chưa được cấp phép. Tuy nhiên đến nay các hoạt động này vẫn tiếp diễn.
"Ngày 25-4-2025, đơn vị cũng đã có văn bản yêu cầu Hợp tác xã nông nghiệp Thủy Yên dừng các hoạt động trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước Thủy Yên. Trạm thủy nông Phú Lộc cũng đã làm việc và lập biên bản với hợp tác xã, đề nghị tạm dừng hoạt động trong lòng hồ vào ngày 29-4 và 28-6.
Vào ngày 21-7, đơn vị tiếp tục có báo cáo gửi Sở Nông nghiệp và môi trường, UBND xã Chân Mây - Lăng Cô về việc hợp tác xã vẫn tổ chức việc đưa đón khách và thực hiện các hoạt động khác trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi lòng hồ Thủy Yên", ông Khánh nói.
Trao đổi với phóng viên, ông Cái Lê Chính Đạo, phó chủ tịch UBND xã Chân Mây - Lăng Cô, cho biết giấy phép hoạt động của khu du lịch sinh thái suối Tiên - hồ Thủy Yên đã hết hạn vào tháng 10-2023.
"Tuy nhiên, do vừa đi vào vận hành chính quyền hai cấp, lãnh đạo xã mới chưa nắm rõ hoạt động tại khu du lịch sinh thái suối Tiên - hồ Thủy Yên. Chúng tôi sẽ sớm làm việc với các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương cũ để xác minh, đưa ra phương án xử lý theo đúng quy định của pháp luật", ông Đạo cho hay.
Nữ nhân viên bán vé tại cổng khu du lịch thông báo phải mua "vé đi thuyền" với giá 55.000 đồng/người, gồm cả lượt đi và lượt về - Ảnh: THANH NGUYÊN
Theo người dân, hiện nay khu vực suối Tiên có 12 bãi tắm được phân chia cho các hộ kinh doanh đồ ăn, nước uống... - Ảnh: THANH NGUYÊN
Theo các hộ kinh doanh, trung bình mỗi tháng phải đóng từ 7-10 triệu đồng - Ảnh: THANH NGUYÊN
Theo Thanh Nguyên/ Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/hoat-dong-khong-phep-khu-du-lich-sinh-thai-o-hue-van-thu-du-loai-tien-20250724034732905.htm