190
/
182892
Từ 2026 người dân được khám sức khỏe định kỳ miễn phí
tu-2026-nguoi-dan-duoc-kham-suc-khoe-dinh-ky-mien-phi
news

Từ 2026 người dân được khám sức khỏe định kỳ miễn phí

Thứ 5, 10/07/2025 | 07:59:00
426 lượt xem

'Khám sức khỏe định kỳ là để người dân chủ động đánh giá tình trạng hiện tại, dự phòng, tầm soát, chẩn đoán sớm các bệnh lý có thể xảy ra, giúp ngành y tế địa phương xác định được cơ cấu bệnh tật tại địa phương".

khám sức khỏe - Ảnh 1.

Bác sĩ trạm y tế tại TP.HCM thăm khám, ghi nhận thông tin tình hình sức khỏe cho người cao tuổi tại nhà dân - Ảnh: TIẾN QUỐC

Khi y tế cơ sở mạnh, người dân sẽ được chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt, phòng bệnh tốt, nhiều bệnh lý được giải quyết ngay tại tuyến dưới, giảm đáng kể chi phí và gánh nặng cho cả người dân và hệ thống y tế.

Ông ĐÀO XUÂN CƠ (giám đốc Bệnh viện Bạch Mai)

Dự thảo nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới đặt mục tiêu từ năm 2026 mỗi người dân được khám sức khỏe định kỳ miễn phí ít nhất mỗi năm một lần hoặc khám sàng lọc theo yêu cầu chuyên môn miễn phí ít nhất mỗi năm một lần.

Phương án nào để đạt được điều này?

Cần quy định cụ thể về khám sức khỏe định kỳ

Trao đổi với Tuổi Trẻ, là người được mời tham gia góp ý về dự thảo nghị quyết, đại biểu Trần Khánh Thu (Hưng Yên) nhấn mạnh mục tiêu mỗi người dân được khám sức khỏe định kỳ mỗi năm một lần từ năm 2026 là chủ trương rất nhân văn, cần thiết.

Việc này đảm bảo sức khỏe toàn dân, hướng tới chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng ngày càng tốt hơn.

Theo bà Thu, Tổng Bí thư Tô Lâm trong nhiều cuộc họp đã phát biểu nhấn mạnh định hướng về mục tiêu này.

Tuy nhiên, đại biểu Thu cho rằng trong dự thảo đang nêu thêm "hoặc khám sàng lọc theo yêu cầu chuyên môn miễn phí ít nhất mỗi năm một lần" chưa rõ ràng, vô hình trung lại làm giảm đi tính chất nhân văn và cấp thiết của việc khám sức khỏe định kỳ cho người dân, vì để từ nối "hoặc" có nghĩa là chỉ thực hiện một trong hai nội dung.

"Khám sức khỏe định kỳ là để người dân chủ động đánh giá tình trạng hiện tại, dự phòng, tầm soát, chẩn đoán sớm các bệnh lý có thể xảy ra, giúp ngành y tế địa phương xác định được cơ cấu bệnh tật tại địa phương mình để từ đó xây dựng chiến lược phát triển ngành y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân được tốt hơn...

Do vậy, tôi đề xuất chỉ nên để mục tiêu mỗi người dân được khám sức khỏe định kỳ mỗi năm một lần", bà Thu nêu.

Bà Thu cũng chỉ rõ để thực hiện hiệu quả mục tiêu này, Bộ Y tế cần có quy định về khám sức khỏe định kỳ với các chỉ định cận lâm sàng phải thực hiện.

Bởi với những đối tượng nguy cơ thì các xét nghiệm cơ bản có thể chẩn đoán sớm, giúp dự phòng các bệnh tiến triển nặng như tim mạch, đái tháo đường...

Thậm chí một số bệnh di truyền cũng có thể phòng ngừa từ rất sớm như bệnh Thalasmia...

Khi đưa danh mục khám cụ thể như vậy cũng sẽ quy ra được số tiền cần chi trả cho mỗi lần khám và nhân với tổng số người dân thực hiện, từ đó giúp đánh giá được tác động tài chính khi thực hiện chính sách này.

Điều quan trọng là cần tăng cường năng lực cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực cho cơ sở y tế tuyến ban đầu để đủ khả năng và điều kiện thực hiện khám sức khỏe.

Trong đó, cần có các chính sách thu hút và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành y tế để bổ sung về tuyến cơ sở, nhất là ở các vùng sâu, xa, khó khăn.

Kèm theo đó có các chính sách về tiền lương, phụ cấp ưu đãi thực sự tốt đối với nhân viên y tế để giữ chân họ thực hiện nhiệm vụ ở tuyến cơ sở.

khám sức khỏe - Ảnh 2.

Người dân khám sức khỏe tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Đưa dữ liệu sức khỏe vào sổ sức khỏe điện tử

Đại biểu Thu nói thêm, hiện nay, theo kế hoạch Đề án 06 của Chính phủ, tới đây 100% người dân có định danh mức độ 2 thì trên VNeID đã có thông tin của sổ sức khỏe điện tử nên cần được kích hoạt và tích hợp các thông tin dữ liệu tình hình sức khỏe người dân vào.

Như vậy, để việc khám sức khỏe định kỳ đạt hiệu quả, cần có cập nhật dữ liệu về kết quả khám của cơ sở y tế thực hiện lên sổ sức khỏe điện tử trên VNeID.

Cùng với đó, dữ liệu này sẽ được cơ quan công an quản lý VNeID cấp phép cho cơ quan y tế của địa phương được phép truy cập để tiếp nhận quản lý, phân tích, đánh giá, phân chia thành các nhóm bệnh và số lượng người dân mắc.

Ví dụ ở địa phương này có nhiều người dân mắc các nhóm bệnh về tim mạch, đái tháo đường, tiêu hóa... hay địa phương kia có nhiều người dân mắc các bệnh về huyết áp, bệnh mãn tính, cấp tính khác có các tỉ lệ bất thường...

Từ đó giúp tầm soát, đưa ra hướng để cơ quan y tế dễ dàng theo dõi, lên các kế hoạch và hướng quản lý, giám sát, chăm sóc sức khỏe kịp thời cho người dân.

Đồng thời qua đây cũng giúp phát hiện các nhóm người dân có nguy cơ cao về các bệnh để cơ quan y tế có khuyến cáo về khám sức khỏe định kỳ, thậm chí 6 tháng/lần đối với họ.

Nữ đại biểu cũng nhấn mạnh việc người dân ngại khám sức khỏe định kỳ thời gian qua có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc chưa có thói quen, thậm chí là chưa tin tưởng vào y tế cơ sở hay sợ tốn kém...

Do vậy, khi thực hiện mục tiêu này, cần tuyên truyền mạnh mẽ để người dân hiểu về ý nghĩa nhân văn, an sinh xã hội.

Đồng thời, bà Thu đề nghị cần giao nhiệm vụ cụ thể việc khám bệnh định kỳ của người dân cho UBND cấp xã. Bởi cấp xã là nơi gần dân nhất, nắm rõ danh sách người dân trên địa bàn và tuyên truyền, thực thi việc hỗ trợ khám sức khỏe định kỳ cho người dân.

khám sức khỏe - Ảnh 3.

Người cao tuổi tại TP.HCM được các bác sĩ đến tận nhà chăm sóc sức khỏe - Ảnh: TIẾN QUỐC

Bộ Y tế sẽ xây dựng danh mục phạm vi khám cụ thể

Chia sẻ về chủ trương này, bà Trần Thị Trang - vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) - khẳng định đây là mục tiêu trong chính sách an sinh xã hội, trong đó cần lấy bảo hiểm y tế (BHYT) làm nền tảng.

Về chính sách khám sức khỏe định kỳ miễn phí dự kiến thực hiện ngay từ năm 2026.

Theo bà Trang ước tính, mức bình quân chung cho một lần khám là 300.000 đồng với các chỉ tiêu khám cơ bản về mặt sinh hóa, công thức máu, chụp X-quang phổi, X-quang ngực, có thể có siêu âm...

Bộ Y tế sẽ rà soát để xây dựng cụ thể danh mục phạm vi khám sức khỏe định kỳ, chỉ tiêu khám để bảo đảm đạt yêu cầu chuyên môn, phù hợp theo đối tượng cần khám, bảo đảm khả năng cân đối của quỹ BHYT và ngân sách nhà nước.

Đặc biệt, chính sách này đi kèm sàng lọc và chẩn đoán sớm bệnh tật, giúp phát hiện bệnh ngay từ giai đoạn đầu tại tuyến y tế cơ sở, giảm chi phí điều trị sau này. Người dân sẽ được lập hồ sơ quản lý sức khỏe trọn đời, từ khi còn trong bụng mẹ cho đến lúc về già.

Ông Đào Xuân Cơ, giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cũng nhấn mạnh để thực hiện được mục tiêu, cần chuẩn bị tốt về đào tạo và nhân lực. Theo đó, cần có chiến lược đào tạo và cơ chế tuyển dụng người địa phương, đào tạo rồi đưa họ trở về phục vụ chính quê hương mình.

Chương trình đào tạo cho y tế cơ sở cũng cần điều chỉnh. Bác sĩ ở cơ sở phải là người có năng lực toàn diện vừa biết đỡ đẻ vừa biết cấp cứu gãy xương đùi, nhồi máu cơ tim, tiêm phòng, chăm sóc răng miệng cơ bản, xử lý các bệnh thông thường...

Dù không cần quá chuyên sâu như ở tuyến trung ương nhưng phải giỏi về nhiều mặt để đáp ứng nhu cầu ban đầu của người dân.

Thứ hai, chính sách đãi ngộ và điều kiện làm việc. Phải có chính sách phù hợp để bác sĩ yên tâm công tác tại cơ sở. Điều kiện làm việc, trang thiết bị thiết yếu, thuốc men cũng phải được đảm bảo.

Cuối cùng là ứng dụng chuyển đổi số, xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử liên thông từ phường xã lên tỉnh thành, trung ương.

Điều này giúp tuyến trên có thể hội chẩn, chỉ đạo tuyến, hướng dẫn điều trị từ xa, giảm tải cho tuyến trên và người dân được hưởng dịch vụ tốt hơn ngay tại địa phương.

Còn bà Trần Thị Trang cũng cho rằng ngoài nhân lực cần bảo đảm năng lực của hệ thống y tế; cần nâng cao chất lượng dịch vụ, đặc biệt là đối với y tế cơ sở và y tế dự phòng, nhằm bảo đảm người dân sẽ được hưởng thụ các dịch vụ thuận tiện nhất ngay tại nơi cư trú, lao động.

"Trạm y tế xã muốn khám sức khỏe định kỳ, muốn chăm sóc khám chữa bệnh đa khoa cơ bản thì ít nhất phải được đầu tư tương đương như một phòng khám đa khoa; phải được đầu tư, củng cố về con người và thiết bị. Ngân sách nhà nước phải bảo đảm các hoạt động này.

Ngoài ra, trạm y tế xã phải có bác sĩ để thực hiện công việc xét nghiệm sinh hóa, chỉ định dịch vụ cận lâm sàng, sàng lọc sớm một số bệnh cơ bản, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân ở mức đa khoa.

Như vậy, tối thiểu phải có 3-5 bác sĩ đa khoa tại mỗi trạm y tế xã. Đồng thời phải có mạng lưới bác sĩ gia đình để tham gia ngay tại cơ sở", bà Trang nêu.

Đưa 1.000 bác sĩ về trạm y tế

Tại cuộc họp về dự thảo nghị quyết của Bộ Chính trị ngày 8-7, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho hay dự thảo còn đề ra mục tiêu là trong 5 năm 2025 - 2030, mỗi năm tăng cường ít nhất 1.000 bác sĩ về làm việc có thời hạn tại y tế cơ sở.

Tỉ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình cho chăm sóc y tế giảm còn 30%, được lập sổ sức khỏe điện tử để quản lý sức khỏe theo vòng đời...

Xác định tầm nhìn đến năm 2045 là các chỉ số sức khỏe của người dân, chỉ số bao phủ dịch vụ y tế thiết yếu tương đương các nước phát triển; người dân có tuổi thọ trung bình đạt trên 80 tuổi, trong đó số năm sống khỏe tăng lên; tầm vóc, thể lực, chiều cao trung bình của thanh niên tương đương các nước có cùng mức phát triển.


Làm gì để giảm chi tiền túi cho chăm sóc sức khỏe

Để hướng đến mục tiêu miễn viện phí toàn dân, cần có nguồn lực rất lớn. Theo ước tính của Bộ Y tế, chỉ riêng khám sức khỏe định kỳ cho khoảng 84 triệu dân sẽ cần thêm khoảng 25.000 tỉ đồng/năm.

Chưa kể các gói sàng lọc bệnh và dịch vụ cơ bản tại tuyến xã; mở rộng hỗ trợ BHYT cho học sinh, sinh viên, người cao tuổi, người khuyết tật, cận nghèo...

"Nguồn lực này sẽ đến từ ba trụ cột: quỹ BHYT, ngân sách nhà nước và một phần đóng góp của người dân.

Đồng thời, Bộ Y tế kiến nghị cơ chế trích một phần thuế tiêu thụ đặc biệt từ rượu, bia, thuốc lá, nước ngọt để bổ sung cho quỹ khám chữa bệnh - một mô hình đã được áp dụng tại nhiều quốc gia.

Một vấn đề nữa là mệnh giá thẻ BHYT tại Việt Nam vẫn thấp, hiện là 4,5% lương cơ sở, trong khi luật cho phép đến 6%. Việc tăng mức đóng BHYT được đề xuất thực hiện theo lộ trình, nhằm đảm bảo khả năng mở rộng quyền lợi và phạm vi thanh toán", bà Trang nêu.

Bên cạnh đó, trong những mục tiêu nghị quyết hướng tới là giảm tỉ lệ chi tiền túi trong chăm sóc sức khỏe của người dân. Về vấn đề này, bà Trang cho rằng BHYT cần mở rộng phạm vi thanh toán, tăng tỉ lệ chi trả đối với thuốc và vật tư y tế, kỹ thuật cao.

Trước tiên là với nhóm bệnh nhân nặng, mắc bệnh hiểm nghèo và có chi phí điều trị lớn. Đồng thời, Bộ Y tế hướng đến giảm dần mức đồng chi trả hiện đang ở mức khá cao so với quốc tế.

Tại Việt Nam, mức đồng chi trả phổ biến là 20% hoặc 5% (tùy nhóm), trong khi Thái Lan chỉ 12%, Singapore 24,7%.

Với trẻ em từ 7 - 16 tuổi, hiện mức thanh toán BHYT còn có điều kiện. Trong tương lai, nhóm này sẽ được mở rộng quyền lợi. Bên cạnh đó, Bộ Y tế sẽ bổ sung thêm các loại vắc xin được tiêm miễn phí trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.

Toàn bộ các chính sách này đều hướng đến miễn toàn bộ các chi phí y tế cơ bản và giảm tỉ lệ chi tiền túi về mức thấp nhất. Đây chính là cách tiếp cận đối với miễn viện phí.


Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ĐỖ VĂN CHIẾN:

Chăm sóc sức khỏe nhân dân theo quan điểm mới

Về công tác đảm bảo an sinh xã hội, ngoài chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã quyết định chỉ đạo miễn toàn bộ học phí cho học sinh từ mầm non đến THPT và thí điểm cho những nơi có điều kiện sử dụng ngân sách để chăm lo bữa trưa cho học sinh.

Mới đây nhất, Bộ Chính trị và Tổng Bí thư Tô Lâm đã quyết định sẽ dành ngân sách để tập trung đầu tư cho các xã ở vùng biên giới được xây dựng các trường nội trú và bán trú, để con em đồng bào các dân tộc có điều kiện học hành.

Chúng ta đầu tư cho giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân với quan điểm rất mới, không phải có bao nhiêu sổ bảo hiểm y tế hay bệnh viện trung ương và địa phương, bao nhiêu bác sĩ cho người dân.

Điều đó rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn là người dân trong năm được khám, kiểm tra sức khỏe ra sao.

Từ 2026 người dân được khám sức khỏe định kỳ miễn phí - Ảnh 4.

Để người dân được khám sức khỏe định kỳ miễn phí từ năm 2026, cần có những bước chuẩn bị chu đáo từ bây giờ - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Đại biểu NGUYỄN QUANG HUÂN (TP.HCM):

Tăng năng lực cho y tế cơ sở

Việc khám sức khỏe định kỳ khi thực hiện sẽ giúp người dân phát hiện sớm các bệnh, nhất là các bệnh mãn tính, từ đó điều trị kịp thời và nâng cao, kéo dài cuộc sống mạnh khỏe.

Để thực hiện hiệu quả việc này, điều quan trọng nhất là cần tăng cường năng lực cho y tế cơ sở, nhất là các trạm y tế và phòng khám đặt tại các xã mới.

Trong đó, cùng với nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, bổ sung trang thiết bị, máy móc cần có chính sách cụ thể để đào tạo và bổ sung nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, đảm bảo đáp ứng yêu cầu tại cơ sở.

Với các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa phải có các chính sách cụ thể để hỗ trợ và phát triển y tế cơ sở cả về cơ sở hạ tầng lẫn con người.

Bên cạnh đó, ở không ít nơi, nhất là các vùng còn khó khăn, người dân còn tư tưởng, tâm lý ngại đi khám định kỳ. Bởi họ sợ tốn kém, thậm chí có người còn cho rằng đi khám mà phát hiện ra bệnh này bệnh khác thì phải điều trị tốn kém.

Vì vậy, phải tuyên truyền để cho người dân thấy rõ được việc khám định kỳ này là một chủ trương rất tốt, cần tham gia đầy đủ để có thể phát hiện sớm các bệnh và điều trị kịp thời.

Cùng với đó, cần tăng cường tuyên truyền và có chính sách hỗ trợ để nâng tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân.

Từ việc nâng tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế sẽ đưa ra các chính sách đơn giản để chuyển những người dân được phát hiện bệnh từ khám sức khỏe định kỳ lên cơ sở y tế điều trị kịp thời và người dân cũng bớt nỗi lo về chi phí điều trị do bảo hiểm đã chi trả một phần lớn.

Theo Thành Chung-Nguyễn Huân/ Tuổi trẻ

https://tuoitre.vn/tu-2026-nguoi-dan-duoc-kham-suc-khoe-dinh-ky-mien-phi-20250709224641976.htm

  • Từ khóa

Phát hiện heo nghi bị bệnh tại lò mổ giữa lúc Huế đang ‘căng mình’ chống bệnh liên cầu lợn

Lực lượng chức năng phát hiện một lò mổ heo trái giờ quy định và heo có dấu hiệu bị bệnh, giữa lúc ở Huế ghi nhận hơn 30 trường hợp mắc liên cầu lợn.
23:08 - 10/07/2025
35 lượt xem

Châu Âu bùng phát vi rút gây bệnh có thể tổn thương nội tạng

Giới chức y tế châu Âu vừa phát cảnh báo về nguy cơ du khách đến Pháp có thể nhiễm vi rút Chikungunya, một loại vi rút nguy hiểm thường thấy ở Nam Mỹ và...
22:59 - 10/07/2025
39 lượt xem

Bắt buộc kê đơn thuốc điện tử

Các chuyên gia đề xuất ban hành chế tài xử phạt đủ mạnh để buộc các cơ sở khám chữa bệnh và nhà thuốc thực hiện nghiêm túc quy định kê đơn thuốc điện...
06:15 - 10/07/2025
400 lượt xem

Mức hưởng bảo hiểm y tế trong quân đội áp dụng từ tháng 7/2025

Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư số 63/2025/TT-BQP ngày 01/7/2025 quy định, hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 70/2015/NĐ-CP ngày 01/9/2015...
15:22 - 09/07/2025
445 lượt xem

Loại thời tiết 'đáng chán' nhưng giúp bạn tăng mức độ hạnh phúc

Một nghiên cứu khoa học chứng minh loại thời tiết có thể giúp chúng ta tăng mức độ hạnh phúc, cải thiện khả năng tập trung và thậm chí ngủ ngon hơn.
14:46 - 09/07/2025
491 lượt xem