Hầu hết mọi người đều hình dung đau tim là một cơn đau dữ dội đến mức ôm chặt lấy ngực.
Tuy nhiên, nghiên cứu mới vừa được công bố trên tạp chí khoa học journal Heart & Lung, cho thấy hình ảnh thường thấy trong tâm trí về các triệu chứng đau tim hiếm khi phản ánh đúng thực tế, và sự hiểu lầm đó có thể khiến người bệnh mất đi những phút giây quý báu khi cần thiết nhất.
Tác giả nghiên cứu chính, tiến sĩ Ann Eckhardt, Đại học Texas tại Arlington (UTA), cho biết: Cơn đau tim không phải lúc nào cũng dữ dội. Đôi khi chỉ là cảm giác khó chịu không ổn, vì vậy mọi người có xu hướng trì hoãn việc cấp cứu. Càng trì hoãn, khả năng gặp phải hậu quả tiêu cực sau cơn đau tim càng cao.
Hầu hết mọi người đều hình dung đau tim là một cơn đau dữ dội đến mức ôm chặt lấy ngực ẢNH MINH HỌA: AI
Các nhà nghiên cứu đã thực hiện một cuộc khảo sát với 597 người ở độ tuổi trung bình 54, không phải chuyên gia y tế. Những người tham gia đã hoàn thành bảng câu hỏi về khái niệm đau ngực thông qua các tình huống mô tả và các câu hỏi trắc nghiệm.
Hầu hết những người tham gia cho biết đã xem quảng cáo trên ti vi (74%) hoặc tin tức (71,4%) về các triệu chứng đau tim. Một số thấy bài đăng trên mạng xã hội về các triệu chứng đau tim (35%). Chỉ ít người được chuyên gia y tế hướng dẫn về các triệu chứng này (26,5%). Khoảng 10% đã từng bị đau tim..., điều này có thể ảnh hưởng đến phản ứng của họ.
Đau tim cũng biểu hiện bằng cảm giác khó chịu, tức ngực
Kết quả cho thấy hầu hết mọi người đều liên hệ cơn đau tim với những cảm giác dữ dội, khó chịu, được mô tả là tức ngực, căng tức và thắt chặt. Ít người liên hệ cơn đau tim với các cảm giác như khó tiêu, nóng rát hoặc ù tai, mặc dù đây là những triệu chứng đau tim phổ biến, đặc biệt là ở phụ nữ.
Những người tham gia dự đoán cơn đau ngực do nhồi máu cơ tim sẽ đột ngột và rất dữ dội, và nghĩ rằng nó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng thực hiện các hoạt động hằng ngày của họ. Hầu hết đều tin rằng cơn đau ngực liên quan đến nhồi máu cơ tim sẽ kéo dài 15 phút hoặc ít hơn. Cơn đau xảy ra khi hoạt động thường nghiêm trọng hơn cơn đau khi nghỉ ngơi.
Bác sĩ Eckhardt nói: Càng chờ lâu, khả năng bị tổn thương tim không thể phục hồi càng cao. Vì vậy, nếu biết được mọi người nghĩ gì về cơn đau tim, có thể giúp cộng đồng y tế phân loại và đặt câu hỏi tốt hơn. Không chỉ là "bạn có bị đau ngực không?", mà còn là "bạn có cảm thấy khó chịu, tức ngực, căng tức, bóp nghẹt không?", theo New Atlas.
Theo Thiên Lan/ Thanh niên
https://thanhnien.vn/dung-de-chet-oan-vi-nghi-phai-dau-nguc-du-doi-moi-la-dau-tim-185250724114352799.htm