Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh “Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.
Bài học đầu tiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh giảng dạy cho lớp cách mạng đầu tiên của Việt Nam là tư cách của người cách mạng. Sở dĩ như vậy vì Người thấy vai trò của đạo đức cách mạng trong việc thực hiện nhiệm vụ của người cán bộ, đảng viên “Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”[1]. Do đó, bên cạnh nội dung về chính trị, tư tưởng, tổ chức tại Đại hội XII, Đảng ta bổ sung thêm nội dung xây dựng Đảng về đạo đức. Đảng viên phải chấp hành nghiêm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, song đó mới chỉ là yêu cầu tối thiểu, đầu tiên, ở mức độ cao hơn, cán bộ, đảng viên cần phải có đạo đức cách mạng bởi đạo đức là pháp luật tối đa, đảng viên thực hiện các nguyên tắc đạo đức đó một cách tự nguyện, tự giác chứ không phải có tính chất bắt buộc từ bên ngoài như kỷ luật, pháp luật.
Thực tế hiện nay cho thấy, nhiều cán bộ, đảng viên đã và đang diễn ra sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” dẫn đến tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, nhũng nhiễu nhân dân, trái với chuẩn mực đạo đức của người cộng sản “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, làm cho nhân dân bất bình, lo lắng. Tính đến tháng 11/2020, cấp ủy các cấp đã thi hành kỷ luật 1.329 tổ chức đảng và 69.600 đảng viên, trong đó, có ba ủy viên Bộ Chính trị, một nguyên ủy viên Bộ Chính trị, 23 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, 22 sĩ quan cấp tướng… Ngay trước Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, Ban Bí thư đã quyết định thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển Việt Nam nhiệm kỳ 2015 - 2020 bằng hình thức cảnh cáo; thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với hai đảng viên cấp tướng; cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với bảy tướng lĩnh khác. Trước đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật với các hình thức từ khiển trách đến khai trừ ra khỏi Đảng đối với hai đồng chí cấp tướng và ba cấp tá của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Do đó, cần xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng cho người cán bộ đảng viên trong tình hình mới, bởi lẽ hệ giá trị chuẩn mực là định hướng dẫn đắt suy nghĩ và hành động của con người, là cái mà mọi người vươn tới, mong muốn đạt được. Cán bộ, đảng viên được coi là bộ phận tiên phong, tiên tiến trong các tầng lớp nhân dân nên cần phải thực hiện tốt các chuẩn mực, giá trị văn hóa, con người Việt Nam song cũng cần đòi hỏi ở mức độ cao hơn, đó là hệ chuẩn mực đạo đức cách mạng.
Việt Nam đang xây dựng chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế với rất nhiều những biến động trong đời sống chính trị, xã hội quốc tế. Cho nên, ngoài những chuẩn mực đạo đức cách mạng đã xác định như “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” cần có những điều chỉnh, bổ sung. Tại Đại hội XIII, Đảng ta lần đầu tiên đặt vấn đề “Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các chuẩn mực đạo đức cách mạng phù hợp với điều kiện mới và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc để làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên tự giác tu dưỡng, rèn luyện, tự điều chỉnh hành vi ứng xử trong công việc hàng ngày”[2]. Chuẩn mực đạo đức cách mạng vẫn phải kế thừa truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc nhưng ở một mức độ cao hơn như cần cù, tiết kiệm vốn được coi là hệ giá trị văn hóa tinh thần truyền thống Việt Nam thì chuẩn mực đạo đức cách mạng cũng là cần, kiệm nhưng phải cao hơn. Kiệm không chỉ là tiết kiệm thời gian, tiền bạc của bản thân mà còn là tiết kiệm của công, tiết kiệm sức lao động của nhân dân, tiết kiệm, sử dụng có hiệu quả thời gian làm việc cho nhân dân. Hệ chuẩn mực đạo đức cách mạng mà chúng ta cần xây dựng cũng phải bao chứa những giá trị thể hiện qua tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Chuẩn mực đạo đức cách mạng còn là những nội dung mới chưa có trong đạo đức truyền thống dân tộc nhưng cần thiết cho hoạt động lãnh đạo, quản lý, thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên. Vì vậy, trong hệ giá trị chuẩn mực cần xây dựng ở con người Việt Nam hiện nay mà Đảng ta đã xác định là tinh thần trách nhiệm. Đối với người cán bộ, đảng viên thì tinh thần trách nhiệm này càng đòi hỏi cao, phải là những “cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”[3]. Người cán bộ, đảng viên phải có tinh thần trách nhiệm với hành động của bản thân mình, hành động đó thường hướng tới lợi ích của bản thân họ. Cán bộ, đảng viên còn phải có tinh thần dám chịu trách nhiệm trước những tư duy, hành động đổi mới, sáng tạo vì lợi ích chung của cộng đồng. Những chuẩn mực đạo đức cách mạng này phải là mặt đối lập với các phi giá trị, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống hiện nay.
Việc xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng mới này là những định hướng, mục tiêu cần đạt tới để cán bộ, đảng viên “tự soi”, “tự sửa” suy nghĩ và hành động của mình hàng ngày để những gì đi ngược lại chuẩn mực thì cần phải loại bỏ. Do đó, thực hiện chuẩn mực đạo đức cách mạng sẽ giúp cán bộ đảng viên không chỉ ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống mà còn chủ động phòng ngừa và đấu tranh chống những biểu hiện suy thoái đó như tinh thần của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII. Việc xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng mới là cơ sở để đánh giá cán bộ, đảng viên, kịp thời biểu dương những tấm gương sáng về đạo đức cách mạng và phê phán những biểu hiện lệch lạc về đạo đức. Do đó, trong xây dựng Đảng về đạo đức thì việc xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng mới cho cán bộ, đảng viên là yêu cầu cấp thiết hiện nay khi nhiệm vụ của người cán bộ, đảng viên trước yêu cầu phát triển mới của đất nước càng nặng nề và thể hiện sự phát triển nhận thức của Đảng ta về công tác xây dựng Đảng.
Triệu Quang Minh - Hà Thị Thùy Dương
Học viện Chính trị Khu vực I
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, tập 5, tr 292
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG, H, 2021, tập 2, tr 237
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG, H, 2021, tập 2, tr 243