205
/
181025
Bộ Nội vụ đề xuất cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ 1 năm bị tinh giản biên chế
bo-noi-vu-de-xuat-can-bo-cong-chuc-khong-hoan-thanh-nhiem-vu-1-nam-bi-tinh-gian-bien-che
news

Bộ Nội vụ đề xuất cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ 1 năm bị tinh giản biên chế

Thứ 6, 30/05/2025 | 09:50:05
2,101 lượt xem

Tại dự thảo nghị định mới về tinh giản biên chế, Bộ Nội vụ đề xuất cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ 1 năm thuộc diện bị tinh giản.

tinh giản biên chế - Ảnh 1.

Công chức quận Phú Nhuận giải quyết thủ tục hành chính cho người dân - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Bộ Tư pháp đang thẩm định dự thảo nghị định thay thế nghị định 29/2023 của Chính phủ quy định về tinh giản biên chế.

Dự thảo do Bộ Nội vụ xây dựng. Đáng chú ý, so với nghị định 29, dự thảo nghị định đã có nhiều thay đổi, bổ sung để đảm bảo phù hợp.

Thay đổi xác định cán bộ, công chức thuộc diện tinh giản biên chế

Trong đó, về đối tượng thực hiện chính sách tinh giản biên chế, tại nghị định 29 hiện hành quy định có 2 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, cán bộ, công chức, viên chức có 1 năm xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ và 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp.

Còn tại dự thảo nghị định mới, Bộ Nội vụ đề xuất thay bằng quy định trong năm trước liền kề hoặc trong năm thực hiện xét tinh giản biên chế xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ.

Việc này theo lý giải của cơ quan soạn thảo để đảm bảo phù hợp với quy định của dự Luật Cán bộ, công chức năm 2024 sắp được ban hành. Tại dự luật quy định giải quyết cho thôi việc đối với công chức có 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ.

Cũng tại nghị định 29 quy định trường hợp tinh giản biên chế là cán bộ, công chức, viên chức có 2 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế mà trong từng năm đều có tổng số ngày nghỉ làm việc bằng hoặc cao hơn số ngày nghỉ tối đa do ốm đau theo quy định tại khoản 1 điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội, có xác nhận của cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp ốm đau theo quy định hiện hành của pháp luật.

Nội dung này được Bộ Nội vụ đề xuất thay thế bằng quy định trong năm trước liền kề hoặc trong năm thực hiện xét tinh giản biên chế mà có tổng số ngày nghỉ làm việc do ốm đau bằng hoặc cao hơn 300 ngày, có xác nhận của cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp ốm đau theo quy định hiện hành của pháp luật.

Việc này để phù hợp với thực tiễn là trong 1 năm có số ngày nghỉ ốm đau nhiều (hơn 300 ngày) thì thuộc đối tượng phải tinh giản biên chế.

Dự thảo nghị định mới cũng bỏ đối tượng cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian bị kỷ luật nhưng chưa đến mức bị bãi nhiệm hoặc bị buộc thôi việc theo quy định của pháp luật tại thời điểm xét tinh giản biên chế, cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế, được cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.

Theo lý giải việc bỏ này vì theo quy định pháp luật, những người bị kỷ luật sẽ bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ. Do vậy các đối tượng này thuộc đối tượng tinh giản biên chế nêu trên.

Cách xác định tiền lương để tính hưởng trợ cấp tinh giản biên chế

Một nội dung khác là dự thảo nghị định cũng sửa đổi, bổ sung liên quan cách xác định tiền lương để tính hưởng trợ cấp tinh giản biên chế.

Theo đó, cách xác định tiền lương tháng bình quân để tính các mức trợ cấp tinh giản biên chế quy định tại nghị định 29 trên cơ sở kế thừa các quy định của Chính phủ đã thực hiện trong khoảng thời gian gần 20 năm.

Còn khi xây dựng nghị định 178/2024 về chính sách, chế độ với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Bộ Nội vụ đã đề nghị tiền lương tháng để tính hưởng chính sách, chế độ là tiền lương tháng liền kề trước khi cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc.

Vì vậy, để đảm bảo tương quan chung về chính sách tinh giản biên chế tại nghị định này với nghị định 178 (được sửa đổi, bổ sung tại nghị định số 67/2025), dự thảo nghị định đề nghị tiền lương tháng để tính hưởng trợ cấp tinh giản biên chế đối với cán bộ, công chức, viên chức là tiền lương tháng hiện hưởng.

Trên cơ sở đó, đề nghị quy định về cách tính tiền lương tháng bình quân và thay cụm từ "tiền lương bình quân" bằng "tiền lương hiện hưởng" ở toàn bộ dự thảo nghị định.

Theo Thành Chung/Tuổi trẻ

https://tuoitre.vn/bo-noi-vu-de-xuat-can-bo-cong-chuc-khong-hoan-thanh-nhiem-vu-1-nam-bi-tinh-gian-bien-che-20250530081556069.htm

  • Từ khóa

Hoàn thành xóa nhà tạm, dột nát cho người có công trước 27.7

Ngày 9.7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì các cuộc họp của Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt...
07:14 - 10/07/2025
77 lượt xem

Viết tiếp câu chuyện hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ

Chặng đường bình thường hóa và thúc đẩy quan hệ 30 năm qua chứng kiến nỗ lực mở rộng và làm sâu sắc thêm niềm tin, cũng như hiểu biết giữa Việt Nam và Hoa...
08:06 - 10/07/2025
78 lượt xem

Bắt buộc kê đơn thuốc điện tử

Các chuyên gia đề xuất ban hành chế tài xử phạt đủ mạnh để buộc các cơ sở khám chữa bệnh và nhà thuốc thực hiện nghiêm túc quy định kê đơn thuốc điện...
06:15 - 10/07/2025
76 lượt xem

Công bố tình huống khẩn cấp xử lý sự cố sạt lở đê bối xã Mỹ Thái

BTV - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh vừa ban hành quyết định số 285/QĐ-UBND về việc công bố tình huống khẩn cấp xử lý sự cố sạt lở đê bối thôn Thượng, xã Mỹ...
21:29 - 09/07/2025
121 lượt xem

Thủ tướng yêu cầu đồng loạt khởi công giải phóng mặt bằng hai dự án đường sắt vào 19-8

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu đồng loạt tổ chức khởi công các dự án giải phóng mặt bằng cho đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và tuyến đường sắt Lào Cai...
14:48 - 09/07/2025
165 lượt xem