205
/
181757
Quốc hội chính thức thông qua sửa Hiến pháp, kết thúc hoạt động cấp huyện từ 1-7
quoc-hoi-chinh-thuc-thong-qua-sua-hien-phap-ket-thuc-hoat-dong-cap-huyen-tu-1-7
news

Quốc hội chính thức thông qua sửa Hiến pháp, kết thúc hoạt động cấp huyện từ 1-7

Thứ 2, 16/06/2025 | 08:55:52
2,140 lượt xem

Với 100% đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Quang cảnh một phiên họp của Quốc hội - Ảnh: GIA HÂN

Sáng 16-6, với 470/470 đại biểu có mặt tán thành (100% đại biểu có mặt), Quốc hội đã thông qua nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày được thông qua. Chủ tịch nước thực hiện việc công bố nghị quyết.

Đơn vị hành chính Việt Nam được tổ chức thành hai cấp

Theo đó, điều 110 được sửa đổi thành các đơn vị hành chính của Việt Nam được tổ chức thành hai cấp, gồm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do luật định.

Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập.

Việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải lấy ý kiến nhân dân địa phương và theo trình tự, thủ tục do Quốc hội quy định.

Về điều 111 của Hiến pháp được sửa đổi như sau: Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính của Việt Nam.

Cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND được tổ chức ở đơn vị hành chính phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo do Quốc hội quy định.

Chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quy định khi thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đó.

Nghị quyết cũng nêu rõ việc kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện trong cả nước từ ngày 1-7.

Khi kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện trong năm 2025 thì không tiến hành bầu các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, trưởng các ban của HĐND, chủ tịch, phó chủ tịch, ủy viên UBND tại đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp; không bầu trưởng đoàn, phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hình thành sau sắp xếp.

Căn cứ thông báo của cấp ủy có thẩm quyền quản lý cán bộ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ định chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, trưởng các ban của HĐND, trưởng đoàn, phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hình thành sau sắp xếp.

Thủ tướng Chính phủ chỉ định chủ tịch, phó chủ tịch UBND ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hình thành sau sắp xếp.

Thường trực HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ định ủy viên UBND cùng cấp và chỉ định chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, trưởng các ban của HĐND, chủ tịch, phó chủ tịch UBND của đơn vị hành chính cấp dưới hình thành sau sắp xếp.

Thường trực HĐND ở đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hình thành sau sắp xếp chỉ định ủy viên UBND cùng cấp.

Trường hợp đặc biệt, cho phép chỉ định nhân sự không phải là đại biểu HĐND giữ các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch, trưởng các ban của HĐND ở đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp, hoặc làm đại biểu HĐND để hình thành HĐND lâm thời ở các phường đang thực hiện mô hình chính quyền đô thị không tổ chức HĐND.

Quy định mới về Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội

Về Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, Hiến pháp sửa đổi quy định là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

MTTQ Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; thể hiện ý chí, nguyện vọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; phản ánh ý kiến, kiến nghị của nhân dân đến các cơ quan nhà nước; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam là các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc MTTQ Việt Nam, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của thành viên, hội viên tổ chức mình; được tổ chức và hoạt động thống nhất trong MTTQ Việt Nam; cùng với các tổ chức thành viên khác của Mặt trận hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động do MTTQ Việt Nam chủ trì.

MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Nhà nước tạo điều kiện để MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác hoạt động.

Trước đó, trình bày báo cáo giải trình tiếp thu, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết Ủy ban dự thảo sửa đổi một số điều của Hiến pháp đề nghị sửa đổi, bổ sung 8/120 điều, khoản của Hiến pháp năm 2013.

Nhưng sau khi nghiên cứu những ý kiến góp ý rất xác đáng, hợp tình, hợp lý, lập luận chặt chẽ, thuyết phục của các cơ quan, tổ chức, của nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học và của đại biểu Quốc hội, Ủy ban đã đề nghị tiếp thu, chỉ sửa đổi, bổ sung 5/120 điều, khoản, giữ lại 3 điều tiếp tục thực hiện theo quy định của Hiến pháp hiện hành.

Các nội dung vẫn giữ như hiện nay là quy định về việc lấy ý kiến nhân dân khi thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, quy định về "chính quyền địa phương" và "cấp chính quyền địa phương", về quyền chất vấn của đại biểu HĐND.

Đồng thời, Ủy ban cũng tiếp thu, chỉnh lý tại tất cả 5/5 điều, khoản được đề nghị sửa đổi, bổ sung trong Hiến pháp và cả điều khoản thi hành, điều khoản chuyển tiếp trong dự thảo nghị quyết, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất cả về nội dung và kỹ thuật thể hiện.

Ông Nguyễn Khắc Định nêu rõ nghị quyết được Quốc hội thông qua sẽ là dấu ấn lịch sử, có ý nghĩa hết sức quan trọng, khởi đầu cho cuộc cải cách sâu sắc về thể chế, thể hiện tư duy đổi mới có tính cách mạng trong tổ chức hệ thống chính trị và quản trị quốc gia, là cơ sở hiến định cho việc thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng và Nhà nước về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị...

Theo Thành Chung/Tuổi trẻ

https://tuoitre.vn/quoc-hoi-chinh-thuc-thong-qua-sua-hien-phap-ket-thuc-hoat-dong-cap-huyen-tu-1-7-20250616082034261.htm

  • Từ khóa

Công bố tình huống khẩn cấp xử lý sự cố sạt lở đê bối xã Mỹ Thái

BTV - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh vừa ban hành quyết định số 285/QĐ-UBND về việc công bố tình huống khẩn cấp xử lý sự cố sạt lở đê bối thôn Thượng, xã Mỹ...
21:29 - 09/07/2025
28 lượt xem

Thủ tướng yêu cầu đồng loạt khởi công giải phóng mặt bằng hai dự án đường sắt vào 19-8

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu đồng loạt tổ chức khởi công các dự án giải phóng mặt bằng cho đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và tuyến đường sắt Lào Cai...
14:48 - 09/07/2025
96 lượt xem

Chủ tịch Quốc hội: Thực hiện công tác nhân sự chặt chẽ, khách quan

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh cốt lõi của bầu cử là thực hiện công tác nhân sự chặt chẽ, khách quan, đúng tiêu chuẩn, bảo đảm cơ cấu, tỉ lệ...
14:45 - 09/07/2025
93 lượt xem

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về các công trình, dự án đường sắt

Sáng 9-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp lần thứ 3 của Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường...
11:28 - 09/07/2025
166 lượt xem

Đường dây giết mổ, tiêu thụ lợn nhiễm bệnh khắp Hà Nội

Hàng ngày, các nghi phạm mua gom lợn ốm yếu từ các đầu nậu, sau đó về giết mổ, bán tại kiot các chợ, nhà hàng, quán cơm ở Hà Nội. Qua xét nghiệm, toàn bộ...
09:29 - 09/07/2025
221 lượt xem