213
/
153462
Google và vụ kiện lịch sử
google-va-vu-kien-lich-su
news

Google và vụ kiện lịch sử

Thứ 6, 15/09/2023 | 15:08:00
2,049 lượt xem

Đầu tuần này tòa án liên bang Mỹ mở phiên tòa xét xử hãng công nghệ Google (Mỹ) về cáo buộc vi phạm luật chống độc quyền. Đây là vụ kiện chống độc quyền lớn nhất thế giới từ đầu thế kỷ 21 đến nay.

Logo Google tại Trung tâm kỹ thuật châu Âu của công ty này ở TP Zurich, Thụy Sĩ - Ảnh: REUTERS

Logo Google tại Trung tâm kỹ thuật châu Âu của công ty này ở TP Zurich, Thụy Sĩ - Ảnh: REUTERS

Phiên tòa chống độc quyền này diễn ra tại thủ đô Washington D.C của Mỹ, trong đó Bộ Tư pháp và tổng chưởng lý các bang của Mỹ cáo buộc Google lạm dụng ưu thế trên thị trường công cụ tìm kiếm trực tuyến để duy trì thế độc quyền.

"Gót chân Achilles"

Vụ kiện nhằm vào Google của Bộ Tư pháp Mỹ bắt đầu vào năm 2020 và là vụ kiện chống độc quyền đầu tiên của cơ quan này với một công ty công nghệ. "Vụ kiện này liên quan đến tương lai của Internet" - luật sư Kenneth Dintzer, người phụ trách vụ kiện của Bộ Tư pháp Mỹ, nhận định.

Bộ Tư pháp Mỹ và hàng chục tổng chưởng lý đại diện cho các bang và vùng lãnh thổ của Mỹ cho rằng Google đã tạo dựng vị thế thống trị trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến một cách không công bằng. Theo đó, họ đã trả 10 tỉ USD mỗi năm cho hãng Apple và các đối tác kinh doanh khác để công cụ tìm kiếm của Google là công cụ mặc định trên hầu hết điện thoại và trình duyệt.

Theo ước tính của Chính phủ Mỹ, Google đã chiếm được 90% thị phần tìm kiếm ở Mỹ trong những năm gần đây. Luật sư Kenneth Dintzer cho rằng Google "bắt đầu vũ khí hóa các mặc định" như trên hơn 15 năm trước. Ông dẫn lại một tài liệu nội bộ của Google, trong đó gọi các thỏa thuận độc quyền của họ cũng là "gót chân Achilles" đối với các công cụ tìm kiếm do Yahoo! và MSN cung cấp.

Phiên tòa trên bắt đầu chỉ vài tuần sau lễ kỷ niệm 25 năm khoản đầu tư đầu tiên được rót vào Google. Đó là một tấm séc trị giá 100.000 USD của ông Andy Bechtolsheim, người đồng sáng lập Công ty công nghệ Sun Microsystems. Nhờ khoản đầu tư đó, hai nhà đồng sáng lập Google là Larry Page và Sergey Brin đã khởi nghiệp từ một garage ở Thung lũng Silicon.

Chuyện gì sẽ đến?

Theo Hãng tin AP, trong 10 tuần tới, các luật sư liên bang và tổng chưởng lý của các tiểu bang sẽ phải chứng minh Google đã gian lận theo hướng có lợi cho mình bằng cách biến công cụ tìm kiếm của họ thành mặc định ở rất nhiều thiết bị.

Có thể đến đầu năm 2024, thẩm phán liên bang Amit Mehta mới đưa ra phán quyết. Nếu ông cho rằng Google phạm luật, một phiên tòa khác sẽ diễn ra để quyết định những bước tiếp theo nhằm xử lý công ty này.

Phía Google khẳng định họ không vi phạm luật chống độc quyền. Theo tài liệu tòa án, Google nói các thỏa thuận của họ với đối tác là "cạnh tranh hợp pháp" và không phải "độc quyền bất hợp pháp".

Google lập luận các thỏa thuận của họ không ngăn đối thủ phát triển công cụ tìm kiếm riêng, và cũng không ngăn các công ty như Apple và Mozilla quảng bá chúng. Thay vào đó, các nhà sản xuất điện thoại và trình duyệt web cài đặt công cụ tìm kiếm của Google làm mặc định vì họ muốn mang lại trải nghiệm "chất lượng cao nhất" cho khách hàng.

Google nói thêm người dùng điện thoại di động có thể chuyển đổi dễ dàng nếu muốn sử dụng công cụ khác. Ông Kent Walker, chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu của Google, giải thích: "Mọi người sử dụng Google không phải vì họ bị bắt làm vậy. Họ sử dụng vì họ muốn".

Google cũng nói họ phải đối mặt với nhiều đối thủ cạnh tranh mặc dù đang chiếm khoảng 90% thị trường tìm kiếm trực tuyến. Theo đó, danh sách đối thủ của họ trải dài từ những công cụ tìm kiếm như Bing của Microsoft cho đến các trang web như Amazon và Yelp.

Theo Reuters, nhìn chung việc một doanh nghiệp dàn xếp với khách hàng này và loại bỏ những khách hàng khác là không trái luật ở Mỹ. Những thỏa thuận độc quyền như vậy khá phổ biến.

Tuy nhiên các thỏa thuận đó có thể vi phạm luật chống độc quyền nếu một công ty có quy mô quá lớn hoặc nắm nhiều quyền lực đến mức có thể ngăn các đối thủ gia nhập thị trường, cũng như nếu công ty đó không thể chứng minh được hành vi của họ có tác động tích cực đến người dùng.

Lúc này nhiệm vụ của Bộ Tư pháp là phải chứng minh được các thỏa thuận của Google đã gây tổn hại đến sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường tìm kiếm online.

Theo báo Washington Post, các chuyên gia nói rằng nếu thành công, vụ kiện trên có thể thay đổi cách thức người dùng truy cập Internet. Vì lúc đó Google sẽ bị ngăn dùng sức mạnh tài chính để công cụ tìm kiếm của họ được cài đặt mặc định trên thiết bị di động.

Từng có một "án lệ" với Microsoft

Phiên tòa nói trên là cực điểm sau nhiều năm Chính phủ Mỹ điều tra về các hoạt động của Google, và cũng là cột mốc quan trọng trong loạt sự kiện đang diễn ra liên quan cách thức Washington quản lý cạnh tranh.

Vụ việc có nhiều điểm tương đồng với vụ kiện nhắm vào Microsoft năm 1998 của Bộ Tư pháp Mỹ. Lúc đó Chính phủ Mỹ cáo buộc Microsoft ép các hãng sản xuất máy tính phụ thuộc vào hệ điều hành Windows phải đưa trình duyệt Internet Explorer của Microsoft vào sản phẩm. Hãng Microsoft cuối cùng đã dàn xếp với Bộ Tư pháp Mỹ để nhận một án phạt không quá nghiêm khắc.

Theo Bình An/ Tuổi trẻ

https://tuoitre.vn/google-va-vu-kien-lich-su-20230914224912196.htm

  • Từ khóa

Smartphone giá rẻ khó chinh phục thị trường Việt

Công thức "smartphone giá rẻ, cấu hình cao" từng giúp điện thoại Trung Quốc thành công ở thập kỷ trước, nay không còn hiệu quả khi các hãng mới đang chật...
16:18 - 28/07/2025
197 lượt xem

AI tạo protein trị ung thư, biết 'định vị như Google Maps' tới khối u

Khi đưa protein do AI tạo vào tế bào T, các tế bào miễn dịch đã nhanh chóng phát hiện, phá hủy tế bào ung thư và ngăn chặn sự phát triển của khối u.
14:40 - 28/07/2025
224 lượt xem

Bán Bitcoin quá sớm, Tesla 'vụt mất' số tiền đủ xây cả nhà máy

Tỉ phú công nghệ Elon Musk từng tiếc vì mua Bitcoin muộn, giờ đây Tesla lại hối hận vì bán đi quá sớm.
11:10 - 28/07/2025
305 lượt xem

AI - Con dao hai lưỡi

Sự bùng nổ AI đang tạo ra những chuyển biến sâu sắc trong lĩnh vực báo chí, đồng thời cũng không ít thách thức mà ngành này phải đối mặt.
09:28 - 28/07/2025
348 lượt xem

CEO Microsoft lý giải vì sao lợi nhuận khổng lồ vẫn sa thải lao động

CEO Satya Nadella của Microsoft đã gửi thư cho nhân viên, lần đầu giải thích vì sao công ty phát triển nhưng vẫn sa thải hàng nghìn lao động và chi tỉ USD...
06:51 - 28/07/2025
425 lượt xem