Sau 6 tháng kể từ khi Nhà Trắng đổi chủ, dân Mỹ bất ngờ thay đổi quan điểm về vấn đề di dân, trong khi cuộc đối đầu giữa chính quyền liên bang với phía đại học đã có giải pháp.
Cuộc khảo sát mới của Gallup đã công bố kết quả đảo chiều so với cách đây 1 năm, với tỷ lệ người Mỹ ủng hộ dân nhập cư hiện tăng lên mức kỷ lục trong lịch sử nước này, theo tờ The New York Times.
Đối đầu giữa người biểu tình và phía đặc vụ liên bang đang chặn đường dẫn đến nông trại ở Camarillo (bang California, Mỹ) ngày 10.7 Ảnh: Reuters
Người Mỹ cảm thấy cần di dân
Kết quả khảo sát của Gallup thực hiện trong tháng 6 và công bố ngày 12.7 (giờ VN) cho thấy 79% số người Mỹ giờ đây có quan điểm tích cực về di dân, đảo ngược xu hướng suy giảm suốt 4 năm khi đạt mức tăng đột biến 15%. Điều đó đồng nghĩa gần 8 trong số 10 người Mỹ trưởng thành tin rằng làn sóng nhập cư là tốt cho nước Mỹ, cao nhất từng được ghi nhận trong lịch sử.
Cùng lúc, số người muốn giảm nhập cư đã sụt từ 55% xuống còn 30%. Sự chuyển dịch này diễn ra trong bối cảnh các vụ vượt biên trái phép giảm mạnh, từ đó xoa dịu sự quan ngại của công chúng Mỹ vốn tiếp lực cho công cuộc trục xuất di dân với quy mô lớn nhất từ trước đến nay do chính quyền ông Trump triển khai.
Theo Đài CNN, quan điểm ủng hộ nhập cư thậm chí còn diễn ra ở lưỡng đảng, với tỷ lệ ủng hộ trong nội bộ đảng Cộng hòa tăng mạnh nhất, từ 50% trong năm ngoái lên 65% trong cuộc khảo sát mới nhất của Gallup về vấn đề này. Về phần mình, tỷ lệ ủng hộ ở đảng Dân chủ là 91%.
Cuộc khảo sát cũng phản ánh sự ủng hộ gia tăng đối với việc mở rộng con đường nhập tịch Mỹ cho người nhập cư vẫn chưa có giấy tờ hợp pháp (tăng 8 điểm phần trăm, lên 78%) và không còn ủng hộ nhiều như trước đối với những chính sách cứng rắn như trục xuất di dân hàng loạt (giảm 9 điểm phần trăm, xuống còn 38%). Thậm chí trong số những người theo đảng Cộng hòa, 59% số người hiện ủng hộ cấp quy chế hợp pháp cho di dân không giấy tờ, tăng 13% so với năm 2024.
Đại học Columbia gần đạt thỏa thuận với Nhà Trắng
Trong một diễn biến khác, Đại học Columbia (một thành viên của Ivy League - nhóm 8 đại học lớn vùng đông bắc của Mỹ) được cho gần đạt thỏa thuận với chính quyền Tổng thống Trump, mà nếu thực hiện được sẽ nối lại nguồn tài trợ liên bang cho đại học này.
Theo các tờ The Washington Free Beacon và The Wall Street Journal dẫn một số nguồn tin tiết lộ thỏa thuận yêu cầu Đại học Columbia phải trả hàng trăm triệu USD tiền bồi thường cho những người bị ảnh hưởng bởi quan điểm bài Do Thái. Bên cạnh đó, trường phải gia tăng tính minh bạch trong công tác tuyển dụng và quy trình nhập học, thực hiện những biện pháp cải thiện an ninh và bảo đảm an toàn trong khuôn viên trường cho các sinh viên Do Thái.
Để đổi lại, chính quyền liên bang sẽ nối lại các khoản tài trợ và những hợp đồng trị giá khoảng 400 triệu USD vốn bị gián đoạn từ tháng 3. Nhà Trắng cũng không còn yêu cầu trường phải thay đổi cấu trúc quản trị, hoặc thành lập ủy ban tìm kiếm hiệu trưởng mới.
Nếu hai bên đạt được thỏa thuận, điều này sẽ đại diện cho sự dàn xếp chưa từng có tiền lệ giữa chính quyền liên bang và Đại học Columbia, tiến tới mở đường cho những thỏa thuận khác với Đại học Harvard.
ICE tiếp tục đẩy mạnh trục xuất di dân Tờ The Washington Post hôm qua (giờ VN) dẫn văn bản ban hành nội bộ của Cơ quan Thực thi di trú và hải quan Mỹ (ICE) chỉ đạo các viên chức di trú liên bang rằng họ có thể tiến hành việc trục xuất dân nhập cư trái phép trong vòng 6 giờ thông báo đến các nước thứ ba. Trong văn bản trên, quyền Giám đốc ICE Todd M. Lyons nhấn mạnh phán quyết của Tòa Tối cao Mỹ hồi tháng trước đã mở đường cho việc trục xuất "ngay tức khắc" các đối tượng di dân sang những nước không phải là quê hương của họ. |
Theo Thụy Miên/ Thanh Niên
https://thanhnien.vn/lan-song-ung-ho-nhap-cu-hoi-sinh-manh-me-o-my-18525071320545863.htm