240
/
183185
Cán bộ xã biên giới ở Nghệ An khắc phục khó khăn
can-bo-xa-bien-gioi-o-nghe-an-khac-phuc-kho-khan
news

Cán bộ xã biên giới ở Nghệ An khắc phục khó khăn

Thứ 5, 17/07/2025 | 07:35:00
319 lượt xem

Sau sắp xếp đơn vị hành chính, tỉnh Nghệ An giảm từ 412 đơn vị cấp xã xuống còn 130. Những ngày qua, đội ngũ cán bộ, công chức các xã, phường đã nhanh chóng thích nghi, nỗ lực khắc phục khó khăn để phục vụ người dân, nhất là tại các xã địa bàn vùng sâu, vùng xa.

Cán bộ xã Nhôn Mai, tỉnh Nghệ An dựng các nhà tạm để ở.

Xã biên giới Nhôn Mai được thành lập với việc hợp nhất xã Nhôn Mai và xã Mai Sơn, trụ sở hành chính bố trí tại xã Nhôn Mai. Ngoài nhân sự xã Mai Sơn cũ, nhiều cán bộ cấp tỉnh và huyện Tương Dương cũ cũng được điều động đến đây công tác.

Điều kiện sinh hoạt thiếu thốn

Đầu giờ chiều, chúng tôi xuất phát từ trung tâm tỉnh Nghệ An (thành phố Vinh cũ), theo Quốc lộ 16, lắc lư trên xe hơn 5 tiếng đồng hồ vượt qua quãng đường hơn 240km mới chạm đến đất Nhôn Mai. Từ đây, đi thêm khoảng 20km nữa mới vào trung tâm xã nhưng có đến cả chục điểm sạt lở vách núi lớn, nhỏ. Khoảng 19 giờ, mưa nặng hạt. Chúng tôi xuống xe dò đường, để chiếc xe có thể lách qua điểm sạt lở ở bản Có Hạ.

Khoảng 20 giờ 30 phút, tức chỉ hơn một giờ đồng hồ sau, ai ai cũng thót tim khi nghe tin hàng chục tấn đất, đá từ trên vách núi đổ ập xuống làm “biến mất” cả một đoạn đường dài chừng 30m ở điểm sạt lở trên. Núi sạt, đường không còn, những phiến đá nặng hàng chục tấn cheo leo trên vách núi có thể lăn xuống bất cứ lúc nào.

Ở bên dưới, vực thẳm hun hút, nước khe Hỉ chảy cuồn cuộn, tuyến Quốc lộ 16 bị chia cắt hoàn toàn, phương tiện và người dân không thể lưu thông qua điểm sạt lở này được nữa. Chính quyền địa phương và Đồn Biên phòng Nhôn Mai cử lực lượng chốt chặn, canh gác nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân.

Sáng sớm hôm sau, Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Nhôn Mai đã có đông người dân đến giải quyết các thủ tục hành chính, chủ yếu là chứng thực và giấy tờ liên quan đất đai. Chị Lô Thị Pá, công chức tư pháp-hộ tịch đang kiểm tra, tiếp nhận hồ sơ của người dân. “Từ ngày 1/7, không còn chính quyền cấp huyện nữa, em chỉ cần viết xã và tỉnh thôi - xã Nhôn Mai, tỉnh Nghệ An. Em viết lại, có gì chưa hiểu thì hỏi để chị giải thích thêm nhé”, chị Pá hướng dẫn chị Lô Thị Diễm My (người dân tộc Thái) viết lại sơ yếu lý lịch để làm hồ sơ đi xin việc làm ở khu công nghiệp. Bên cạnh, chị Cụt Thị Hương cũng đang bận rộn tiếp nhận hồ sơ cấp giấy phép kinh doanh…

Chị Lô Thị Pá cho biết, chị là công chức xã Mai Sơn cũ, chuyển đến công tác ở đây. Nhận nhiệm vụ mới, công việc không có gì trở ngại hay khó khăn, nhưng chồng đi làm xa phải gửi con nhỏ mới 4 tuổi cho ông bà ở cách 150 km. Đến nơi công tác mới, chị đang ở nhờ nhà của người quen, tối mới về đó nghỉ ngơi. Hằng ngày, sau bữa “cơm bụi”, chị và các đồng nghiệp trải chiếu, tranh thủ nghỉ trưa ngay tại phòng làm việc. Chị chia sẻ, chờ lúc tìm được phòng trọ thì sẽ đón con lên đây.

Không có nhà người quen để ở, dãy trọ nào xây nhanh cũng phải hết tháng 8 này mới xong, một số cán bộ xã Nhôn Mai phải tá túc ngay tại ngôi nhà sàn 2 tầng cũ đang là trụ sở làm việc của khối chính quyền. Chị La Thị Kháy, công chức văn hóa xã cho biết, nhà chị ở huyện Nghi Lộc cũ. Khi còn công tác bên xã Mai Sơn, chị thuê phòng trọ ở. Sang đây, chưa thuê được nên hơn 2 tuần qua, chị và chị Lô Thị Nắm đành phải tá túc ngay tại chỗ làm. Căn phòng ở tầng 2, vỏn vẹn 10m2, hơn một nửa diện tích phía trước kê hai chiếc bàn làm việc, ngăn cách với chỗ nghỉ phía trong.

Nhanh chóng thích nghi, hoàn thành tốt công việc

Ở khoảnh sân phía sau trụ sở Đảng, Đoàn thể và Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Nhôn Mai vừa mọc lên một “resort”. Đáng chú ý ở chỗ, các gian phòng được thưng bằng tôn, mái tôn, diện tích rộng 12m2, đủ kê một chiếc giường đơn, tủ cá nhân và bàn làm việc. Bí thư Đảng ủy xã Nhôn Mai Mạc Văn Nguyên (nguyên là Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Tương Dương cũ) là chủ nhân của một trong 4 gian phòng tôn này. Đồng chí Nguyên cho biết, ở đây cách nhà anh gần 150 km, lại là đường núi nên chuyện đi về trong ngày là không thể. Xã chưa có nhà công vụ, trong khu vực cũng không có nhà trọ để thuê nên anh cùng một số anh em là cán bộ cấp huyện cũ bàn nhau góp tiền dựng nhà tạm để có nơi ăn, chốn ở. Mỗi gian nhà chi phí hết khoảng 30 triệu đồng. “Nhà công vụ nhanh nhất cũng vài năm tới mới có thể xây, hoàn thiện và đưa vào sử dụng nên anh em chủ động được đến đâu hay đến đó”, Bí thư Đảng ủy xã Nhôn Mai chia sẻ.

Sau sắp xếp, xã Nhôn Mai có 21 bản, với 1.456 hộ dân; trong đó có đến 760 hộ nghèo, 326 hộ cận nghèo. Dân cư của xã chủ yếu là đồng bào dân tộc H’Mông, Thái và Khơ Mú, trình độ còn nhiều hạn chế, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến rất khó khăn. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Nhôn Mai Nguyễn Mạnh Cường cho biết, trung tâm hiện được bố trí 6 nhân sự, đảm nhận thực hiện khối lượng công việc rất lớn, có thời điểm quá tải, nhưng nhìn chung, đội ngũ cán bộ đều hăng hái, nhiệt tình, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tính đến ngày 16/7, trung tâm đã tiếp nhận 64 lượt thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp; trong đó có 63 hồ sơ đã được giải quyết, trả kết quả kịp thời.

Đồng chí Lê Hồng Thái, trước đây là chuyên viên Ban Tuyên giáo và Dân vận tỉnh Nghệ An, được chỉ định làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nhôn Mai sau sáp nhập. Anh cũng là người có quãng đường đi làm xa nhất trong các cán bộ xã với hơn 240 km. Theo anh, trước mắt, để giải quyết khó khăn về nơi ăn ở cho cán bộ, lãnh đạo địa phương bố trí một số trụ sở của các tổ chức đoàn thể cũ, dựng các nhà lắp ghép; ưu tiên sửa các công trình vệ sinh, nước sạch bị hư hỏng do lũ quét hồi tháng 5 vừa qua. Vài tháng nữa, các dãy nhà trọ của các hộ dân đầu tư xây dựng hoàn thành, sẽ đáp ứng được phần nào nơi ở cho cán bộ công tác xa nhà.

Anh chia sẻ: “Nơi ăn, chốn ở của anh em rất quan trọng. Tuy nhiên, chúng tôi quan tâm nhất hiện nay là làm thế nào để nhanh chóng di dời các hộ dân nằm trong diện nguy cơ sạt lở cao đến nơi ở mới an toàn, nhằm bảo đảm an toàn về tính mạng và tài sản cho bà con trong mùa mưa lũ này, nhất là 19 hộ dân ở bản Xói Voi”.

Liên quan nhà công vụ cho cán bộ, công chức xã, đại diện lãnh đạo Sở Tài chính Nghệ An cho biết, đây là yêu cầu cấp thiết để cán bộ an tâm công tác và bắt kịp yêu cầu của công việc trong giai đoạn mới. Cùng với vấn đề về trụ sở, phương tiện làm việc, hạ tầng công nghệ thông tin…, việc bố trí nơi ăn, chốn ở cho cán bộ công tác xa nhà cũng là một trong những khó khăn hiện nay khi mới thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Sở Tài chính đang tổng hợp các nhu cầu bức thiết, đề nghị của các xã để báo cáo, tham mưu cho tỉnh để sớm có phương án giải quyết hợp lý.

Theo Trần Trung Hiếu/ Nhân Dân

https://nhandan.vn/can-bo-xa-bien-gioi-o-nghe-an-khac-phuc-kho-khan-post894254.html

  • Từ khóa

Thủy điện Hòa Bình mở cửa xả lũ thứ 3, 5 tỉnh, thành cần chú ý

Vào hồi 15 giờ ngày 17-7, hồ thủy điện Hòa Bình mở tiếp cửa xả đáy thứ 3 nhằm điều tiết mực nước, đảm bảo an toàn cho khu vực hạ du.
16:33 - 17/07/2025
100 lượt xem

Tây Ninh: Phát hiện nhiều trường hợp có tiền án trong nhóm người bị Campuchia trao trả

Sau khi tiếp nhận nhóm 45 người được phía Campuchia bàn giao, lực lượng chức năng tỉnh Tây Ninh phát hiện 6 trường hợp có tiền án, tiền sự.
14:45 - 17/07/2025
141 lượt xem

Áp thấp nhiệt đới giật cấp 9 gần Biển Đông

Hồi 7 giờ ngày 17-7, tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 15,0 độ Vĩ Bắc - 127,4 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông Philippines.
11:16 - 17/07/2025
287 lượt xem

Giảm gánh nặng bệnh tật từ ô nhiễm không khí

Thời gian gần đây, Hà Nội liên tiếp ghi nhận chất lượng không khí ở mức nguy hại, có lúc đứng thứ 2 trên thế giới về ô nhiễm. Trước tình trạng ô nhiễm...
10:23 - 17/07/2025
240 lượt xem

Không để xảy ra tiêu cực, sai sót khi thực hiện đặc xá năm 2025

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình vừa ký Công điện số 108/CĐ-TTg về việc triển khai thực hiện công tác đặc xá năm 2025 (đợt 2).
10:00 - 17/07/2025
256 lượt xem