4
/
183471
Doanh nghiệp tìm cơ hội từ thuế đối ứng
doanh-nghiep-tim-co-hoi-tu-thue-doi-ung
news

Doanh nghiệp tìm cơ hội từ thuế đối ứng

Thứ 4, 23/07/2025 | 08:06:00
238 lượt xem

Chỉ còn hơn 1 tuần nữa, thuế đối ứng sẽ chính thức được công bố. Khảo sát các doanh nghiệp cho thấy, từ lo lắng họ đã chuyển sang chủ động thích ứng và hiện tại thậm chí một số doanh nghiệp còn nhìn thấy cơ hội mới.

Lợi thế tương đối, cơ hội dài lâu

Ông Nguyễn Văn Kịch, Chủ tịch HĐQT Công ty CP thủy sản CAFATEX (TP.Cần Thơ) cho biết: Hiện nay thị trường trầm lắng khi các doanh nghiệp Mỹ tiếp tục trì hoãn việc ký hợp đồng nhập hàng. Họ muốn chờ đến sau ngày 1.8, thời điểm Tổng thống Donald Trump công bố mức thuế đối ứng mới. Tuy nhiên, ông Kịch khẳng định không quá lo vì thuế đối ứng là bài toán kinh tế chính trị giữa Mỹ với phần còn lại của thế giới. Mức thuế quan mà Mỹ áp dụng với VN cao hay thấp không quan trọng bằng sự tương quan với các nước khác. Ví dụ trong lĩnh vực nông thủy sản, các doanh nghiệp sẽ "nhìn" mức thuế của VN so với các đối thủ trực tiếp là Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia hay Trung Quốc. 

"Thời điểm hiện tại, VN đang có lợi thế tương đối so với các nước. Đây là sự thật rất tích cực mà mọi người phải thừa nhận. Dĩ nhiên, chúng ta vẫn đang tích cực đàm phán để có mức thuế tốt nhất. Còn riêng với Ecuador, họ tạm thời có mức thuế 10% nhưng chủ yếu là hàng nguyên liệu và đông lạnh, không cùng phân khúc với VN", ông Kịch tự tin.

Theo ông Kịch, dù là mức nào thì người mua vẫn là đối tượng cuối cùng chịu thuế. Nhưng điều các doanh nghiệp thấy an tâm chính là việc lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã rất nhạy bén và định hướng đúng ngay từ đầu trong việc đưa ra chiến lược đàm phán thuế 0% cho thương mại 2 chiều. Chính điều này tạo lợi thế cho chúng ta ở thời điểm hiện tại trong tương quan với các nước và cơ sở để tiếp tục thuyết phục Tổng thống Trump giảm thuế về mức tốt nhất có thể. "Trước đây, thấy thuế cao chúng ta rất sợ vì mình áp dụng công thức tính cũ. Bây giờ công thức tính đã khác rồi, thách thức là không nhỏ nhưng lợi ích cũng rất lớn nếu ta đủ sức vượt qua nó", vị này nói.

Nhiều doanh nghiệp VN thay đổi góc nhìn tích cực và đầy lạc quan trong cách tiếp cận với thuế đối ứng ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Lợi ích mà ông Kịch nói đến là việc đưa thuế nhập khẩu từ Mỹ về 0% sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp VN nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên vật liệu đầu vào để phục vụ cho công cuộc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất theo định hướng của Nhà nước. Bên cạnh đó, hàng hóa tiêu dùng chất lượng cao từ Mỹ với giá rẻ nhờ thuế thấp sẽ kéo mặt bằng hàng nhập từ các thị trường như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc xuống theo. Nhờ vậy, về lâu dài sẽ nâng cấp sản xuất nội địa và đẩy lùi các loại hàng hóa giả, nhái, kém chất lượng. "Ngay chính trong nông nghiệp, VN trước nay chỉ xuất chủ yếu là thủy sản, có thể đẩy mạnh sản xuất gạo chất lượng cao, an toàn xuất khẩu vào Mỹ", ông Kịch lạc quan.

Ông Nguyễn Mười, Phó tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN (Vinafruit), cũng có quan điểm tương tự. Dù thuế đối ứng mà Chính phủ Mỹ áp lên các nước, trong đó có VN, khá cao, tuy nhiên tính đến tháng 6 vừa rồi, thị phần rau quả xuất khẩu sang Mỹ đang tăng. Hiện thị trường Mỹ chiếm 10% kim ngạch xuất khẩu rau quả của VN, mang về giá trị trên 350 triệu USD từ đầu năm đến nay. Điều này cho thấy sức cạnh tranh và cơ hội của hàng VN còn tốt so với các nước xuất khẩu nông sản tương đồng với chúng ta là Mexico, Peru, Thái Lan.

Hàng Việt vào Mỹ vẫn tăng

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cũng có quan điểm tương tự: Hiện nay, giá thành chăn nuôi của VN tương đối cao so với các nước do phụ thuộc nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu. Cụ thể như giá thịt mảnh của chúng ta khoảng 80.000 đồng/kg thì bình quân thế giới chỉ trên 50.000 đồng/kg. Chúng ta không có lợi thế trong sản xuất các mặt hàng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như bắp, đậu nành, lúa mì. Nếu đưa thuế về 0%, về lâu dài sẽ là cơ hội tốt để ngành chăn nuôi tận dụng nguyên liệu, giống vật nuôi, khoa học kỹ thuật từ Mỹ để phát triển và tăng sức cạnh tranh với thế giới. Người tiêu dùng VN cũng sẽ không phải trả nhiều tiền như hiện tại cho sản phẩm thịt.

Doanh nghiệp ngành chăn nuôi chuẩn bị tận dụng cơ hội về khoa học, công nghệ, kỹ thuật, nguyên liệu... từ Mỹ để nâng cấp chuỗi sản xuất, hạ giá thành ẢNH: CHÍ NHÂN

Một số doanh nghiệp thừa nhận, nhằm góp phần cân bằng thương mại họ đã lên kế hoạch tận dụng hạ tầng kho bãi, hệ thống cung ứng sẵn có để tăng nhập hàng Mỹ về phân phối tại thị trường VN. Bên cạnh đó, có thể tận dụng nguồn nguyên liệu của Mỹ về chế biến xuất khẩu sang nước thứ 3. Một số doanh nghiệp chăn nuôi ở Đồng Nai đang chuẩn bị nhập khẩu con giống, trang thiết bị, công nghệ chăn nuôi mới về để cải thiện năng suất chăn nuôi hiện tại.

Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Điều VN (Vinacas), đồng thời là lãnh đạo một doanh nghiệp lớn trong ngành, nhận định: Ngành điều VN từ lúc thành lập đến nay đã 35 năm. Trong suốt thời gian qua Mỹ luôn là thị trường quan trọng nhất với tỷ trọng khoảng 20% và kim ngạch trên 4 tỉ USD. Ngược lại, VN là nước xuất khẩu điều lớn nhất thế giới và cũng là nguồn cung điều chủ yếu ở thị trường Mỹ. Mặt hàng này có đặc điểm giá trị khá cao, phục vụ cho những người có kinh tế ổn định. Hiện tại, ngoài Mỹ, nhiều thị trường tiêu thụ khác cũng tăng nhập khẩu hạt điều VN khiến mức chênh lệch giữa các thị trường không nhiều. Cụ thể, thị trường Mỹ chiếm 20% thì Trung Quốc đã đạt tới 18%, còn EU cũng khoảng 16%. Chính vì vậy, sự ảnh hưởng về mặt thuế quan là có thật nhưng không phải quá lớn. Nếu có thì khả năng là người Mỹ không có nhiều hạt điều để ăn, thậm chí Trung Quốc sẽ vươn lên thành nước tiêu thụ hạt điều lớn nhất của VN.

Đại diện ngành hàng chủ lực thủy sản, bà Lê Hằng, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), cũng thông tin: Số liệu thống kê xuất khẩu thủy sản 6 tháng vừa qua cho thấy Mỹ tiếp tục là thị trường tiêu thụ cá tra tăng trưởng của VN. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt 175 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2025, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2024. Sau Mỹ, Brazil tiếp tục chứng minh sức tiêu thụ mạnh mẽ sản phẩm cá tra đến từ VN, đặc biệt là phi lê cá tra đông lạnh. Nửa đầu năm 2025, xuất khẩu cá tra sang Brazil đạt 175 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Để ứng phó với các biến động thị trường, đặc biệt từ Mỹ, nhiều doanh nghiệp đã chủ động chuyển sang các sản phẩm chế biến sâu, chất lượng cao để nâng giá trị đồng thời tránh rủi ro bị đội giá sau thuế. Nhìn từ góc độ đó, cơ hội từ thuế đối ứng đã có khi doanh nghiệp tìm được thế chủ động trong mở thị trường mới cũng như chuyển vùng nguyên liệu đầu vào từ chính Mỹ.

Theo nhiều doanh nghiệp, ngành công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi của VN có quy mô thứ 3 thế giới và đây là cơ hội lớn để gia tăng xuất khẩu sang các nước lân cận từ nguyên liệu nhập khẩu của Mỹ. 


Theo Chí Nhân - Quang Thuần/ Thanh Niên

https://thanhnien.vn/doanh-nghiep-tim-co-hoi-tu-thue-doi-ung-185250722203738367.htm

  • Từ khóa

Mưa nhiều, giá dừa uống nước giảm hơn một nửa

Giá dừa xiêm (dừa uống nước) đang được các thương lái thu mua tại vườn khoảng 40.000 - 60.000 đồng/chục (12 trái), giảm một nửa so với cách đây hơn một...
13:03 - 23/07/2025
63 lượt xem

Giá hồ tiêu nội địa giảm nhẹ, giá thế giới diễn biến trái chiều

Giá hồ tiêu nội địa hôm nay quay đầu giảm, trong khi giá thế giới tăng giảm trái chiều. Giá hồ tiêu nhiều tháng qua tăng giảm xen kẽ nhưng nhìn chung vẫn...
10:08 - 23/07/2025
129 lượt xem

Giảm giá đất để hạ nhiệt giá nhà

Giá căn hộ tăng cao hiện nay được cho là xuất phát từ chi phí đầu vào, trong đó đáng kể nhất là chi phí đất và tiền sử dụng đất
09:14 - 23/07/2025
152 lượt xem

Thủ tướng: Tăng tốc, bứt phá thúc đẩy ngoại giao kinh tế

Tối 22/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị với các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế góp...
06:58 - 23/07/2025
164 lượt xem

Xuất khẩu cua ghẹ của Việt Nam sang Trung Quốc có thể đạt 200 triệu USD

Năm 2025, xuất khẩu cua ghẹ của Việt Nam sang Trung Quốc có thể đạt 200 triệu USD, nếu tận dụng tốt các cơ hội mở cửa thị trường và xu hướng tiêu dùng cao...
07:03 - 23/07/2025
192 lượt xem