Thị trường hồ tiêu 6 tháng đầu năm 2025: Việt Nam dẫn đầu xuất khẩu; Indonesia bứt tốc xuất khẩu; Ấn Độ ưu tiên tiêu dùng nội địa.
Việt Nam là thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Brazil
Theo số liệu của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), sản lượng vụ thu hoạch hồ tiêu Brazil trong năm 2025 ước đạt 85.000-90.000 tấn, tăng đáng kể so với mức sản lượng thu được là 75.000 tấn của năm 2024. Vụ thu hoạch đang diễn ra ở bang Espírito Santo.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, Việt Nam là thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Brazil với sản lượng đạt 17.563 tấn, chiếm 35,3% thị phần.
Theo thống kê của Trung tâm Thống kê Ngoại thương Nhà nước Brazil (Comex Stat), tính đến hết tháng 6/2025, xuất khẩu hồ tiêu Brazil đạt 49.761 tấn, kim ngạch đạt 309,7 triệu USD, so với cùng kỳ năm ngoái lượng xuất khẩu tăng 33,8% và kim ngạch tăng 118,6%.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, Việt Nam là thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Brazil với sản lượng đạt 17.563 tấn, chiếm 35,3% thị phần, tăng mạnh 197,2% so với cùng kỳ năm 2024. Các thị trường tiếp theo gồm: UAE đạt 4.675 tấn (9,4%, tăng 31,4%), Ấn Độ 4.623 tấn (9,3%, tăng 18,8%), Senegal 3.696 tấn (7,4%, tăng 1,0%) và Morocco 3.502 tấn (7,0%, giảm 1,8%). Giá xuất khẩu bình quân đạt 6.224 USD/tấn, tăng 63,4% so với cùng kỳ năm trước.
Brazil ghi nhận mức tăng giá tiêu đen khá tích cực so với năm trước, đặc biệt trong Q1-2025 với mức 6.621 USD/tấn, tăng hơn 67% so với cùng kỳ 2024. Tuy nhiên, đà tăng không duy trì lâu khi giá giảm nhẹ còn 6.539 USD/tấn trong quý II/2025. Mặc dù vậy, mức giá hiện tại vẫn cao hơn đáng kể so với năm trước.
Hồ tiêu Indonesia phục hồi mạnh cả về giá và lượng xuất khẩu
Sản lượng hồ tiêu Indonesia năm 2025 ước đạt 63.000 tấn. Trong nửa đầu năm, xuất khẩu hồ tiêu nước này ghi nhận đà phục hồi mạnh, đặc biệt thể hiện qua mức tăng giá ấn tượng ở cả tiêu đen và tiêu trắng.
Giá tiêu đen xuất khẩu của Indonesia tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2024, từ 3.998 USD/tấn trong quý I/2024 lên 7.201 USD/tấn quý I/2025, tiếp tục nhích lên 7.325 USD/tấn trong quý II. Đây được đánh giá là một trong những mức tăng mạnh nhất trong số các quốc gia xuất khẩu hồ tiêu lớn, phản ánh tín hiệu tích cực về cung – cầu và sự cải thiện trong chuỗi giá trị ngành tiêu Indonesia.
Tương tự, giá tiêu trắng duy trì đà tăng ổn định. Từ 6.152 USD/tấn trong quý I/2024, giá đã tăng lên 9.807 USD/tấn quý I/2025 và đạt 9.976 USD/tấn trong quý II. So với cùng kỳ năm trước, mức tăng lần lượt đạt 59% và 40%, cho thấy nhu cầu thị trường mạnh, đặc biệt với các sản phẩm giá trị cao như tiêu trắng sơ chế.
Về lượng xuất khẩu, theo ITC, riêng tháng 5/2025, Indonesia xuất khẩu 2.856 tấn hồ tiêu, giảm 15% so với tháng trước và đánh dấu tháng thứ 5 liên tiếp xuất khẩu suy giảm theo tháng. Tuy nhiên, lũy kế 5 tháng đầu năm, xuất khẩu đạt 18.556 tấn, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2024 và tăng tới 76,4% so với năm 2023.
Các thị trường xuất khẩu chính gồm: Việt Nam chiếm 23,7% với 4.400 tấn (tăng 58,0%), Trung Quốc 18,9% với 3.504 tấn (tăng 11,4%), Hoa Kỳ 14,2% với 2.632 tấn (giảm 2,8%) và Ấn Độ 11,9% với mức tăng 36,5%.
Dữ liệu cho thấy, Indonesia không chỉ phục hồi về giá mà còn mở rộng đáng kể lượng xuất khẩu, đặc biệt sang các nước châu Á như Việt Nam và Trung Quốc. Trong bối cảnh thị trường hồ tiêu toàn cầu biến động do biến đổi khí hậu, chi phí logistics tăng và rào cản thương mại gia tăng, mức tăng trưởng xuất khẩu hơn 40% trong 4 tháng đầu năm là tín hiệu cho thấy khả năng thích ứng và mở rộng của ngành hồ tiêu Indonesia.
Thị trường trong nước đang trở thành ưu tiên hàng đầu của hồ tiêu Ấn Độ
Năm 2025, sản lượng hồ tiêu của Ấn Độ tiếp tục gặp nhiều khó khăn do thời tiết bất lợi, đặc biệt tại bang Karnataka – vùng sản xuất chủ lực. Sản lượng ước giảm từ 20–25%, tuy thấp hơn mức dự báo giảm mạnh tới 38% đưa ra đầu năm, nhưng vẫn gây áp lực lớn lên nguồn cung. Trước thực trạng này, giới chuyên gia dự báo nhu cầu nhập khẩu hồ tiêu của Ấn Độ sẽ tăng nhằm bù đắp thiếu hụt và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa đang gia tăng.
Dù sản lượng sụt giảm, giá tiêu đen xuất khẩu của Ấn Độ vẫn duy trì đà tăng ổn định. Trong năm 2024, giá đã ở mức cao (6.763-7.296 USD/tấn), bước sang năm 2025 tiếp tục tăng lên 7.813 USD/tấn trong quý I và 8.208 USD/tấn trong quý II. Xu hướng tăng giá phản ánh sức cạnh tranh bền vững của hồ tiêu Ấn Độ nhờ chất lượng sản phẩm, uy tín thương hiệu và hệ thống tiêu chuẩn ngày càng được nâng cao.
Tuy nhiên, do nguồn cung trong nước hạn chế, Ấn Độ ưu tiên tiêu thụ nội địa, khiến xuất khẩu sụt giảm. Trong 4 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu hồ tiêu đạt 6.005 tấn, giảm 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy thị trường trong nước đang trở thành ưu tiên hàng đầu của ngành hồ tiêu Ấn Độ trong bối cảnh sản xuất gặp khó và nhu cầu nội địa tăng cao.
Xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam tăng mạnh về giá trị
Tính đến hết tháng 6/2025, Việt Nam đã xuất khẩu tổng cộng 124.133 tấn hồ tiêu các loại, bao gồm 105.939 tấn tiêu đen và 18.194 tấn tiêu trắng. Mặc dù sản lượng xuất khẩu giảm 12,9% so với cùng kỳ năm 2024, kim ngạch lại đạt 850,5 triệu USD, tăng 34,1%.
Sự tăng trưởng mạnh về giá trị chủ yếu đến từ mức tăng ấn tượng của giá xuất khẩu. Giá tiêu đen bình quân đạt 6.665 USD/tấn, tăng 93,6%; tiêu trắng đạt 8.079 USD/tấn, tăng 63,0% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức giá cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, phản ánh rõ xu hướng phục hồi của thị trường hồ tiêu toàn cầu, đồng thời cho thấy sự cải thiện đáng kể trong chất lượng sản phẩm và chuỗi giá trị gia tăng của ngành hồ tiêu Việt Nam. Về thị trường, Hoa Kỳ tiếp tục là điểm đến lớn nhất với 24.979 tấn, chiếm 23,6% tổng lượng xuất khẩu.
Các thị trường chủ lực khác như: Ấn Độ (7.768 tấn), UAE (7.700 tấn), Trung Quốc (6.610 tấn) và Đức (4.836 tấn) giữ mức nhập khẩu ổn định, phản ánh xu hướng đa dạng hóa thị trường, giảm sự phụ thuộc vào một số đối tác truyền thống.
Sản lượng hồ tiêu Campuchia năm 2025 ước đạt 17.000 tấn, tăng 1.000 tấn so với dự báo đầu năm, trong đó Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn nhất chiếm khoảng 80-90%. |
Theo Nguyễn Hạnh/ Công Thương
https://congthuong.vn/viet-nam-dang-la-quoc-gia-xuat-khau-ho-tieu-lon-nhat-the-gioi-412517.html