9
/
183168
Giấc mơ Paralympic với cầu lông của Tuấn 'một tay'
giac-mo-paralympic-voi-cau-long-cu-a-tua-n-mo-t-tay
news

Giấc mơ Paralympic với cầu lông của Tuấn 'một tay'

Thứ 4, 16/07/2025 | 16:17:36
156 lượt xem

Với cánh tay còn lại, Văn Anh Tuấn (26 tuổi) đã mở cánh cửa đời mình bằng con đường làm bạn với cây vợt cầu lông và trở thành vận động viên khuyết tật của đoàn thể thao TP.HCM.

cầu lông - Ảnh 1.

Vận động viên khuyết tật cầu lông Văn Anh Tuấn - Ảnh: BÉ HIẾU

Thực ra Tuấn đã làm quen với cầu lông từ năm 8 tuổi. Niềm yêu thích ấy lớn dần khi Tuấn góp mặt từ sân chơi ở trường rồi đến các giải đấu cấp quận, cấp thành, chinh phục những giải thưởng và nghĩ đến khát vọng vươn xa với môn thể thao này.

Biến cố bất ngờ

Thế rồi cú sốc lớn đến với cậu năm 12 tuổi. Một khối u ác tính bẩm sinh tái phát buộc cậu bé phải cắt bỏ cánh tay trái để ngăn chặn di căn đến bộ phận khác trên cơ thể. Sau phẫu thuật, Tuấn phải tiếp tục hóa trị trong ba năm hòng ngăn chặn rủi ro tế bào bệnh di căn.

Hành trình chiến đấu với bệnh kéo dài, cả nhà quyết định rời Đà Nẵng vào Bình Dương để thuận lợi hơn cho con trai điều trị. Điều đó cũng đồng nghĩa gánh nặng kinh tế càng đè nặng trên đôi vai cha mẹ.

Mẹ Tuấn - bà Vũ Thị Phương Dung (53 tuổi, làm giáo viên) - nghẹn ngào nhớ lại: "Tôi phải sống những ngày nuốt nước mắt vào trong mỗi khi trở về nhà sau giờ tan lớp. Hai vợ chồng chỉ nghĩ làm sao phải thật mạnh mẽ mới là điểm tựa vững chắc cho con được".

Ba năm hóa trị ròng rã khiến cậu thiếu niên vốn năng động cứ dần khép mình trong không gian bốn bức tường của căn phòng tối. Đến trường, Tuấn luôn khoác áo dài tay và đội nón cố che đi phần đầu đã rụng hết tóc. Tuấn nói cú sốc ấy đột ngột quá khiến mình tự ti lắm!

Mất một cánh tay, ngoài giờ đi học Tuấn chỉ nằm trong phòng xem tivi, đọc truyện, chơi game như muốn tránh xa bên ngoài. Nhưng chính điểm tựa tình yêu gia đình ấy cùng đam mê quá lớn với cây vợt cầu lông đã dần giúp Tuấn vượt qua mặc cảm, tìm lại niềm vui trong cuộc sống.

Nhớ lại quãng thời gian ấy, ông Văn Trọng Thảo (58 tuổi, bố Tuấn) vẫn chưa hết tâm tư: "Từ đứa trẻ hoạt bát, mê thể thao nhưng sau biến cố cháu sống khép kín, ít cười, ít nói. Đó là điều làm tôi xót xa hơn cả bệnh tật dù nay cháu đã phần nào ổn hơn trước".

Một cánh tay, ngàn ý chí

Có thể gọi là bước ngoặt với Tuấn khi vào học lớp 9. Trong tiết học thể dục, thầy đã gọi Tuấn lên làm mẫu đánh cầu lông cho lớp. Tuấn nhớ tiếng hò reo của các bạn khi ấy làm mình rất hứng khởi với cảm giác khó tả. 

Điều này giúp Tuấn tự tin hơn khi nghĩ đến việc quay lại với đam mê tưởng chừng đã gác lại sau bệnh tật. Ở tuổi 15, Tuấn một lần nữa như sống lại với những cú lên lưới, lướt vợt dù nay chỉ còn lại một cánh tay!

Thói quen tập luyện ấy vẫn được duy trì ngay cả khi bạn vào đại học. Năm 2017, khi đang là sinh viên năm 2, Tuấn bắt đầu tham gia các giải đấu phong trào và từng bước chinh phục những thành tích đầu tiên với bộ môn thể thao yêu thích. Kết quả đó tiếp thêm động lực, thôi thúc anh tập luyện hăng say hơn, đặt ra cho mình những mục tiêu mới.

Như bao vận động viên khuyết tật khác vốn có những giới hạn thể chất nhưng chúng tôi luôn có khát khao chiến thắng và vẫn đang không ngừng tìm cách vượt qua mọi rào cản của bản thân để vươn tới đỉnh cao, khẳng định mình.
VĂN ANH TUẤN

Chính tấm huy chương vàng Tuấn đoạt được tại Giải vô địch quốc gia thể thao dành cho người khuyết tật năm 2020 đã mở ra giấc mơ lớn cho đời vận động viên khuyết tật của Tuấn. Khát khao ngày nào càng mãnh liệt hơn trong cậu. Vậy mà trước đó từng có giai đoạn Tuấn chán nản, thậm chí đã muốn từ bỏ vì chuyển qua chơi bán chuyên một thời gian mà vẫn không có được thành tích gì đáng kể.

Vậy là mỗi tối, khi đường phố bắt đầu lên đèn, Tuấn lại một mình cùng cây vợt vượt chặng đường hơn 22 cây số từ tỉnh Bình Dương (cũ) lên TP.HCM đến sân tập. Cứ vậy, mỗi tuần bạn tập 5-6 buổi, mỗi buổi chừng hai tiếng rồi lại ngược đoạn đường nhiêu đó về nhà.

Anh Võ Thành Trung, huấn luyện viên của Tuấn, cho biết bạn còn buộc phải tập luyện thêm chạy bộ, tập gym, tăng cường sức mạnh cơ cốt lõi và sức bền tổng thể để bổ trợ, bởi việc đánh đơn trong cầu lông đòi hỏi thể lực rất cao.

Tấm huy chương vàng đầu tiên đến trong cảm giác vui sướng tột cùng, đền đáp bao nỗ lực khổ luyện. Quan trọng hơn đã kéo Tuấn bước ra khỏi hố lầy tự ti bởi mặc cảm khuyết tật. 

"Chúng tôi vô cùng tự hào về con, bởi chiến thắng ấy không chỉ của riêng Tuấn mà nói không quá là hành trình của cả gia đình cùng nhau đi qua biến cố cuộc đời. Con không chỉ kiên cường vượt qua bệnh tật mà còn dũng cảm sống với ước mơ của mình", mẹ Tuấn cười hạnh phúc.

Tự tin mơ lớn hơn

Dấu mốc vô địch giải quốc gia năm 2020 là bước quan trọng với sự nghiệp thể thao của Tuấn. Anh bắt đầu thử sức với đấu trường quốc tế và đặt cho mình mục tiêu lớn hơn bởi các giải đấu này chính là nơi kiểm tra kỹ thuật, thể lực và cả bản lĩnh thi đấu của vận động viên.

Tuấn nói mỗi lần được khoác áo đấu có in quốc kỳ là anh đang từng bước tiến gần hơn đến giấc mơ có thể đại diện Việt Nam tham dự Thế vận hội dành cho người khuyết tật Paralympic 2028, cũng là giấc mơ lớn trong đời anh tự đặt cho bản thân. Giấc mơ ấy ngày càng gần hơn khi Tuấn đã xuất sắc hoàn thành khóa huấn luyện cấp 1 do Liên đoàn Cầu lông thế giới tổ chức năm 2024.

Còn đầu tháng 6, Văn Anh Tuấn lại một lần nữa khẳng định tài năng của mình khi xuất sắc giành cả hai huy chương vàng nội dung đơn nam và đôi nam cầu lông tại Giải vô địch quốc gia các môn cầu lông, bóng bàn, cử tạ, pickleball dành cho người khuyết tật, tổ chức tại tỉnh Quảng Nam (cũ). Chiến thắng này hứa hẹn mở ra cơ hội để Tuấn có thể thực sự chạm tay vào giấc mơ Paralympic.

Theo Bé Hiếu/ Tuổi trẻ

https://tuoitre.vn/giac-mo-paralympic-voi-cau-long-cua-tuan-mot-tay-20250716101758449.htm

  • Từ khóa

Được, mất của cô gái nghỉ việc 1 năm để 'đi bụi'

Phạm Minh Hằng (30 tuổi, ở Hà Nội) vừa kết thúc hành trình một năm nghỉ việc để rong ruổi đến nhiều vùng miền của đất nước. Hành trình 'vừa lang thang,...
14:50 - 16/07/2025
189 lượt xem

Thủ khoa khối A00 đạt điểm tuyệt đối 30/30

Nguyễn Quang Minh, học sinh lớp 12 chuyên toán, Trường THPT chuyên Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) là 1 trong 9 thủ khoa đạt điểm tuyệt đối 30/30 trong kỳ thi...
11:21 - 16/07/2025
266 lượt xem

Thế hệ áo xanh thời 'số hóa' tri ân thế hệ 'đào núi, lấp biển'

Đoàn Thanh niên cả nước vừa có nhiều hoạt động tri ân các cựu thanh niên xung phong - thế hệ những người đào núi, lấp biển cống hiến cho cuộc đấu tranh...
07:59 - 16/07/2025
341 lượt xem

Học nghề để nuôi chữ sau tốt nghiệp

Hoàn tất kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhiều bạn học sinh dân tộc thiểu số ở tỉnh Đắk Lắk đã chọn học nghề để sớm có việc làm, theo đuổi ước mơ con...
15:59 - 15/07/2025
738 lượt xem

Mua nhà sớm bất kể áp lực thị trường

Giữa biến động kinh tế toàn cầu, giá nhà leo thang chóng mặt trong bối cảnh thiếu nhà ở ngày càng nghiêm trọng khiến không ít người trẻ từ bỏ giấc mơ...
14:25 - 15/07/2025
757 lượt xem