BTV - Tôi ra sân bay làm thủ tục xuất cảnh sang Trung Quốc thì được thông báo là không thể đi được do có lệnh cấm xuất cảnh. Liên hệ với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh thì mới hay biết mình đang đứng tên một công ty và công ty này đang nợ thuế.Tôi rất bất ngờ và lo lắng trước rắc rối đang gặp phải. Tôi cần làm gì để giải quyết, ngăn chặn tình huống này? Xin Luật sư tư vấn !
Về vấn đề này Luật sư Nguyễn Thị Thu Hương (Đoàn Luật sư Bắc Giang) Công ty Luật TNHH PROLAF, Phường Bắc Giang, tỉnh Bắc Ninh trả lời như sau:
![]() Luật sư Nguyễn Thị Thu Hương |
Trong trường hợp này, tôi sẽ làm rõ hai vấn đề:
- Tại sao bạn có thể “bị” đứng tên Công ty khi không hề liên quan.
- Và tại sao Công ty nợ thuế thì bạn lại bị cấm xuất cảnh.
Thứ nhất, tại sao bạn lại có thể “bị” đứng tên Công ty khi không liên quan.
Hiện nay để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, quy trình đăng ký doanh nghiệp được thực hiện qua cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Thậm chí người đứng ra thành lập Công ty có thể ủy quyền cho cá nhân khác đi nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp mà không cần phải công chứng, chứng thực với văn bản ủy quyền kể trên. Trong quy trình xét duyệt hồ sơ cũng không bắt buộc cơ quan đăng ký kinh doanh phải trực tiếp kiểm tra làm việc với người đại diện pháp luật của doanh nghiệp.
Cho nên lợi dụng kẽ hở này, nhiều trường hợp nhặt được căn cước công dân, mượn căn cước công dân, hoặc nhiều khi chỉ cần có ảnh chụp căn cước công dân là có thể nộp được hồ sơ thành lập doanh nghiệp mà người bị mất thông tin không hề hay biết.
- Thứ hai,về việc xuất cảnh; trong trường hợp của bạn thì không phải là cấm xuất cảnh mà gọi chính xác là tạm hoãn xuất cảnh. Theo quy định tại Điều 36 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019, cơ quan chức năng có thể tạm hoãn xuất cảnh đối với những người chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế, đang bị điều tra hình sự hoặc đang có nghĩa vụ thi hành án dân sự chưa thực hiện. Việc tạm hoãn xuất cảnh áp dụng đối với cả người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có nghĩa vụ.
Do đó, nếu doanh nghiệp đang nợ thuế Nhà nước thì người đại diện theo pháp luật như bạn có thể sẽ bị hoãn xuất nhập cảnh nếu cơ quan thuế có công văn yêu cầu.
Cũng cần phải nhìn nhận 1 thực tế là 1 công ty làm ăn chân chính thì sẽ không lấy cắp thông tin của người khác để thành lập Công ty. Thường việc lập ra những công ty này để trốn thuế, hoặc lừa đảo mà chúng ta hay gọi là “Công ty ma”.
Vậy bạn cần phải làm gì nếu gặp phải trường hợp này?
Đầu tiên khi phát hiện đang bị tạm hoãn xuất cảnh thì cần liên hệ với cục quản lý xuất nhập cảnh để xác minh nguyên nhân mà mình bị tạm hoãn xuất cảnh. Như tôi nói ban đầu là có nhiều nguyên nhân: có thể do nợ thuế cá nhân, có thể do công ty mà mình đứng tên nợ thuế, hoặc do theo lệnh cưỡng chế của cơ quan thi hành án dân sự.
Trường hợp xác định chính xác mình bị đứng tên Công ty ma thì cần làm như sau:
- Thứ nhất:, làm đơn gửi đến cơ quan công an cấp tỉnh để trình báo về hành vi bị lấy cắp thông tin thành lập Công ty ma. Thậm chí hành vi còn có thể kèm thêm việc giả mạo hồ sơ chữ ký – do bạn không trực tiếp tham gia ký hồ sơ liên quan đến thành lập doanh nghiệp hay xác lập giao dịch với các bên thứ ba, trong khi bạn bị đứng tên công ty.
- Thứ hai, gửi đơn kiến nghị tới Sở Tài chính (do Sở Kế hoạch đầu tư đã sáp nhập vào Sở tài chính) yêu cầu hủy đăng ký sai phạm. Tuy nhiên cũng cần lưu ý, trường hợp giả mạo hồ sơ giấy tờ, giả mạo chữ ký thì Phòng ĐKKD vẫn sẽ chờ kết quả trả lời của phía cơ quan chức năng để làm căn cứ hủy kết quả đăng ký doanh nghiệp.
- Thứ ba, trên cơ sở có kết quả giải quyết của phía Công an và phòng ĐKKD cấp tỉnh, bạn nộp đơn kiến nghị sang cục thuế để đề nghị hủy bỏ biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, bởi trường hợp nợ thuế thì việc ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh và hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh thuộc thẩm quyền của người đứng đầu cơ quan quản lý thuế, chứ không phải thuộc thẩm quyền của bên cục quản lý xuất nhập cảnh.
Để tránh gặp phải tình huống này, theo ý kiến của tôi:
- Ở góc độ cá nhân, các bạn cần lưu ý giữ bảo mật thông tin cá nhân, không cho bất kỳ ai mượn CCCD hoặc chụp gửi cho họ hình ảnh CCCD của mình, để tránh bị lợi dụng.
- Ở góc độ quản lý nhà nước, theo như tôi được biết, hiện nay dù không có quy trình bắt buộc nhưng một số cơ quan ĐKKD cũng có phương án kiểm tra lại các thông tin cá nhân của người đại diện theo pháp luật để hạn chế tình trạng “Công ty ma”.
Duy Phách