4
/
182243
Sau 1-7, doanh nghiệp băn khoăn bao bì in địa chỉ cũ mới xử lý thế nào?
sau-1-7-doanh-nghiep-ban-khoan-bao-bi-in-dia-chi-cu-moi-xu-ly-the-nao
news

Sau 1-7, doanh nghiệp băn khoăn bao bì in địa chỉ cũ mới xử lý thế nào?

Thứ 5, 26/06/2025 | 07:04:57
2,151 lượt xem

Từ ngày 1-7-2025, các tỉnh thành thực hiện sáp nhập theo nghị quyết của Quốc hội sẽ chính thức đi vào hoạt động. Nhiều doanh nghiệp băn khoăn đổi tên đơn vị hành chính có cần cập nhật ngay thông tin xuất xứ, chỉ dẫn địa lý trên bao bì hàng hóa.

Sau 1-7, doanh nghiệp băn khoăn bao bì in địa chỉ cũ mới xử lý thế nào? - Ảnh 1.

Doanh nghiệp băn khoăn không biết có cần thay đổi bao bì với địa chỉ mới ngay sau 1-7 - Ảnh: LC Foods

Doanh nghiệp muốn tận dụng nốt bao bì cũ sau sáp nhập

Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, một số doanh nghiệp đã chủ động thu hồi nội bộ bao bì in địa chỉ cũ và thay thế bằng mẫu mới, cập nhật theo địa chỉ đơn vị hành chính mới.

Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp lo ngại chi phí chuyển đổi khi số lượng bao bì cũ quá lớn, liệu có lộ trình nới thời hạn sử dụng hay không.

Nói với Tuổi Trẻ Online, ông Ngô Duy Phúc - trưởng phòng truyền thông Công ty cổ phần LC Foods (doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chế biến có nhà máy tại Bình Dương và Đồng Tháp) - cho biết các doanh nghiệp chưa tiếp nhận thông tin hướng dẫn chính thức từ cơ quan quản lý nhà nước về việc xử lý vấn đề này, trong khi bao bì in sẵn đã được sản xuất từ trước với số lượng lớn.

Ông kiến nghị cơ quan chức năng có hướng dẫn, cho phép một lộ trình chuyển tiếp hợp lý. Ví dụ tiếp tục sử dụng bao bì cũ đến hết năm 2025 - để tránh lãng phí và đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh không bị gián đoạn.

"Khi có lộ trình rõ ràng các doanh nghiệp chủ động trong việc quản lý tồn kho bao bì, thiết kế bao bì mới, cũ… nhằm ổn định, tối ưu chi phí sản xuất", ông nói.

Hiện LC Foods cũng đang triển khai hoạt động chỉnh sửa bao bì theo theo quy định của Bộ Y tế, từ ngày 1-1-2026, tất cả sản phẩm thực phẩm lưu thông trên thị trường phải ghi rõ thông tin dinh dưỡng trên bao bì. Điều này đồng nghĩa sau ngày 31-12-2025, mọi bao bì cũ không đáp ứng yêu cầu mới sẽ không được phép sử dụng.

Việc điều chỉnh được Bộ Y tế đưa ra cùng với lộ trình hợp lý, nên doanh nghiệp có sự chủ động. Do đó đối với các quy định liên quan đến thay đổi hành chính cũng nên có lộ trình hợp lý, giúp doanh nghiệp có thời gian điều chỉnh kịp thời và hiệu quả, theo ông Phúc.

Đại diện một doanh nghiệp sản xuất thực phẩm khác cũng chia sẻ mong muốn được sử dụng hết lượng bao bì in theo địa chỉ cũ.

"Thông thường doanh nghiệp sẽ in bao bì, nhãn mác trước từ 3-6 tháng, thậm chí cả năm", vị này cho biết.

Việc thay đổi địa chỉ trên bao bì nên thực hiện sau khi doanh nghiệp hoàn tất việc cập nhật thông tin trong đăng ký kinh doanh, con dấu và bảng hiệu. Khi in lô bao bì mới, thông tin địa chỉ cũng sẽ được điều chỉnh tương ứng.

"Sự lo lắng của doanh nghiệp chủ yếu đến từ việc chưa nắm rõ quy định hoặc lo ngại rủi ro pháp lý. Tuy nhiên tôi cho rằng chủ trương của Nhà nước là hỗ trợ doanh nghiệp, sẽ có giai đoạn chuyển tiếp phù hợp để hạn chế lãng phí", vị đại diện nói thêm.

Doanh nghiệp có thể chủ động đề nghị hướng dẫn

Ông Đào Xuân Cường - trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang - cũng cho rằng nguyên tắc chung là tránh gây lãng phí xã hội và quá tải thủ tục hành chính.

"Nếu doanh nghiệp còn tồn kho bao bì in địa chỉ cũ, có thể tiếp tục sử dụng để tránh lãng phí. Việc này không mang tính cấp bách. Khi có nhu cầu in mới, doanh nghiệp có thể chuyển sang in theo địa chỉ mới", ông Cường cho biết.

Ông gợi ý trong giai đoạn chuyển tiếp, để tránh gây nhầm lẫn và giúp khách hàng làm quen, doanh nghiệp có thể thiết kế bao bì ghi song song cả địa chỉ cũ và mới (ví dụ ghi địa chỉ cũ kèm theo trong ngoặc địa chỉ mới). Ban đầu có thể in số lượng nhỏ để thử nghiệm, sau khi ổn định có thể in số lượng lớn phục vụ lâu dài.

Theo các chuyên gia, căn cứ vào thông lệ từ các đợt sáp nhập hành chính trước đây, doanh nghiệp có thể tiếp tục sử dụng bao bì, nhãn mác, giấy tờ có in địa chỉ cũ trong một thời gian chuyển tiếp nhất định, miễn là không gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng hoặc vi phạm các quy định liên quan đến ghi nhãn hàng hóa, truy xuất nguồn gốc…

Từ góc nhìn pháp lý, giám đốc một công ty luật tại Hà Nội khuyến nghị doanh nghiệp nên kiểm kê và sử dụng hết bao bì cũ trong thời gian ngắn sau ngày 1-7.

Trường hợp doanh nghiệp còn lượng lớn bao bì tồn kho, có thể chủ động gửi văn bản đề nghị hướng dẫn đến cơ quan quản lý để được hỗ trợ và tháo gỡ kịp thời.

Theo Bình Khánh/Tuổi trẻ

https://tuoitre.vn/sau-1-7-doanh-nghiep-ban-khoan-bao-bi-in-dia-chi-cu-moi-xu-ly-the-nao-2025062519411989.htm

  • Từ khóa

Đề xuất nâng giảm trừ gia cảnh: Khi chính sách cần bắt kịp mức sống

Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế lên 15,5 triệu đồng/tháng, điều này được kỳ vọng tạo dư địa chi tiêu cho người...
16:30 - 22/07/2025
366 lượt xem

Bồi thường bảo hiểm hơn 14,2 tỉ đồng cho nạn nhân vụ lật tàu ở Quảng Ninh

Theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), tính đến 11h ngày 22-7, khoảng 14,27 tỉ đồng là tổng số tiền bồi thường, trả tiền bảo hiểm thiệt hại...
16:15 - 22/07/2025
605 lượt xem

Đề xuất áp thuế 20% trên lãi bán chứng khoán hằng năm: Giới đầu tư xôn xao

Thông tin đề xuất áp thuế 20% trên lãi bán chứng khoán hằng năm vừa được Bộ Tài chính đưa ra nhanh chóng thu hút sự quan tâm của giới đầu tư.
10:55 - 22/07/2025
470 lượt xem

Thị trường thép nội địa sẽ khởi sắc trong nửa cuối năm?

Dự báo thị trường thép nội địa có thể phục hồi vào nửa cuối năm 2025 khi có tín hiệu khả quan từ những chính sách khơi thông thị trường bất động sản và...
09:55 - 22/07/2025
502 lượt xem