Ngày 11-7, Hội đồng Tiền lương quốc gia họp phiên thứ 2, thống nhất đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng 7,2% từ 1-1-2026 để trình Thủ tướng quyết định.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia Nguyễn Mạnh Khương thông tin về phiên họp - Ảnh: HÀ QUÂN
Trong phiên thứ 2 của Hội đồng Tiền lương quốc gia, Hội đồng đã thảo luận, thương lượng để tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động ở 34 tỉnh, thành phố.
Thống nhất cao tăng 7,2% lương tối thiểu
Các bên tham gia gồm Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Nội vụ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và chuyên gia độc lập.
Sau khi thảo luận với nhiều ý kiến và phương án khác nhau, kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia Nguyễn Mạnh Khương nhấn mạnh các bên đã trao đổi, thảo luận và nghe các giả thiết, tình huống, đặc biệt là các yếu tố về quá trình về phát triển kinh tế của đất nước.
Cuối cùng, Hội đồng thống nhất trình Chính phủ phương án tăng lương tối thiểu vùng từ 1-1-2026 là 7,2%.
Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia đánh giá đây là tỉ lệ tốt, phù hợp với giai đoạn hiện nay trong việc phát triển kinh tế của đất nước, hướng tới kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và tăng trưởng kinh tế 8% theo chủ trương của Đảng trong năm nay cũng như tăng trưởng hai con số ở các năm tiếp theo.
Cụ thể, lương tối thiểu theo tháng ở vùng I tăng 350.000 đồng; vùng II tăng 320.000 đồng; vùng III tăng 280.000 đồng và vùng IV tăng 250.000 đồng.
Như vậy, vùng I là 5,31 triệu đồng; vùng II là 4,73 triệu đồng; vùng III là 4,14 triệu đồng và vùng IV là 3,7 triệu đồng. Bình quân là 4,47 triệu đồng.
Công nhân sản xuất trong nhà máy của Tổng công ty May 10 ở Hà Nội - Ảnh: HÀ QUÂN
Nhiều ý kiến xung quanh mức tăng lương
Trao đổi bên lề, ông Ngọ Duy Hiểu, phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, bày tỏ mức đề xuất tăng này nhằm cải thiện một phần đời sống của người lao động, vì trên thực tế bản thân các doanh nghiệp đã có mức lương nhìn chung cao hơn mức lương tối thiểu.
"Đây là mức lương tham khảo trước hết dành cho đối tượng là người lao động thuộc nhóm hưởng mức lương tối thiểu và nhóm khác cũng có thể được tham khảo để xây dựng mức lương.
Tôi tin rằng mức lương này sẽ tạo động lực để người lao động làm việc với tinh thần phấn chấn, cùng nỗ lực để cuối năm nay chúng ta đạt mục tiêu tăng trưởng 8% và từ năm sau trở đi thì có thể thực hiện được mục tiêu tăng trưởng hai con số" - ông Ngọ Duy Hiểu nói.
Còn ông Hoàng Quang Phòng - phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho hay bản thân vẫn còn "lăn tăn về con số này" song Hội đồng Tiền lương quốc gia hoạt động theo cơ chế đồng thuận cao và Hội đồng đã quyết định thì phía người sử dụng lao động sẽ thống nhất khuyến nghị với cấp có thẩm quyền.
Ông nhấn mạnh rằng doanh nghiệp sẽ phải quyết tâm rất cao và cần nâng tầm "nghệ thuật" giữ chân nhân viên, phân công việc, đàm phán và bảo vệ hợp đồng của người lao động.
Hiện theo nghị định 74/2024, lương tối thiểu vùng I là 4,96 triệu đồng/tháng, vùng II là 4,41 triệu đồng/tháng, vùng III là 3,86 triệu đồng/tháng, và vùng IV là 3,45 triệu đồng/tháng.
Trước đó, đại diện lãnh đạo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1-1-2026 cao nhất ở mức 9,2%.
Theo Hà Quân/Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/chot-de-xuat-tang-luong-toi-thieu-vung-7-2-2025071112202632.htm