Không còn nhiều vùng ngoại lệ, các đợt nắng nóng cực đoan đã ảnh hưởng hầu hết các châu lục theo những cách khác nhau. Cùng biến đổi khí hậu, nắng nóng, hạn hán và cháy rừng tạo ra “một vòng luẩn quẩn”. Sóng nhiệt khiến hạn hán trầm trọng hơn, thảm thực vật dễ bén lửa.
Một con thuyền mắc cạn trên lòng hồ tại huyện Wonogiri, tỉnh Trung Java (Indonesia) ngày 10/8/2023. (Ảnh: Tân Hoa xã)
Khi cháy rừng bùng phát, lượng lớn carbon dioxide được thải ra, làm nóng hành tinh hơn, từ đó gia tăng các hiện tượng khí hậu cực đoan. Các khu vực như Địa Trung Hải, miền tây nước Mỹ và Australia đã và đang trải qua “sự kết hợp chết người” đó.
Báo cáo biến đổi khí hậu của Climate Central cho thấy, khoảng 4 tỷ người, gần một nửa dân số thế giới, đã trải qua ít nhất 30 ngày nắng nóng cực đoan. Tại hơn 195 quốc gia và vùng lãnh thổ, số ngày nắng nóng cực đoan đã tăng gấp đôi. Hậu quả của biến đổi khí hậu ngoài tác động môi trường, còn gây gián đoạn nền kinh tế, di cư và áp lực lớn lên hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Để giải bài toán về khí hậu, thế giới từ lâu đã kêu gọi nỗ lực của từng quốc gia và hợp tác cả tầm khu vực lẫn toàn cầu. Từ nhận thức đó, khái niệm “ngoại giao khí hậu” ra đời, và bắt đầu được sử dụng rộng rãi hơn khi các quốc gia tham gia ký Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu vào năm 1992. Cả trong song phương và đa phương, ứng phó biến đổi khí hậu ngày càng trở thành lĩnh vực hợp tác nổi bật.
Maldives có lẽ là một trong những quốc gia mang đến nhiều câu chuyện thú vị hơn cả, khi đã chứng minh được rằng, các quốc gia nhỏ hơn có thể biến “điểm yếu địa lý” thành “vốn ngoại giao”, để tham gia định hình các chương trình nghị sự đa phương và nâng cao vị thế trên toàn cầu. Với 80% diện tích cao hơn mực nước biển chưa tới 1m, ở “đầu sóng ngọn gió” của cuộc khủng hoảng khí hậu và nguy cơ bị nhấn chìm hiện hữu, “thiên đường du lịch châu Á” này từ sớm đã định hình “ngoại giao khí hậu” là một ưu tiên trong đường lối đối ngoại.
Từ cuối những năm 1980, cảm nhận rõ tác động biến đổi khí hậu, Maldives đã tuyên bố toàn bộ cuộc sống của người dân nước này phụ thuộc các yếu tố tự nhiên, từ đó thúc đẩy Liên hợp quốc lắng nghe lời kêu gọi hành động khẩn cấp từ các quốc đảo nhỏ. Luôn đặt khí hậu vào trọng tâm đối ngoại, Maldives không ngừng đóng góp vào các cuộc đàm phán về khí hậu toàn cầu, từ đó thu hút được hỗ trợ từ các đối tác lớn và tăng cường uy tín trên trường quốc tế.
Cũng như Maldives, các quốc gia khác đã tận dụng “ngoại giao khí hậu” để vừa thúc đẩy hợp tác song phương, vừa góp phần vào nỗ lực toàn cầu. Như Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ Hy Lạp chống cháy rừng nhiều năm gần đây, tạo thêm thành quả trong hợp tác song phương. Hay Canada và Mỹ chia sẻ nguồn lực với các quốc gia phải vật lộn với các đám cháy ngày càng khó kiểm soát…
Ở góc độ đa phương, các chương trình lớn của Liên hợp quốc, như sáng kiến về giảm phát thải từ nạn phá rừng và suy thoái rừng, hay Mạng lưới chống cháy rừng của Văn phòng giảm thiểu rủi ro thiên tai đã tạo nền tảng để các nước xây dựng chiến lược phòng ngừa và giảm rủi ro. Hay, Cơ chế Bảo vệ dân sự của Liên minh châu Âu (EU) tạo điều kiện thuận lợi để triển khai nhanh chóng máy bay và nhân viên chữa cháy trên khắp các quốc gia thành viên.
Trong khi đó, các tổ chức như Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), hay Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP) thúc đẩy đàm phán về các quỹ khí hậu, hỗ trợ các khu vực dễ bị tổn thương, quản lý đất đai bền vững…
Dù vậy, những thách thức địa chính trị và gánh nặng kinh tế hiện nay đang khiến “ngoại giao khí hậu” vấp phải nhiều rào cản. Thậm chí, việc kiềm chế biến đổi khí hậu có nguy cơ bị gạt khỏi chương trình nghị sự ở nhiều khu vực vốn đang chìm trong bất ổn. Khi mà các quốc gia vẫn đang “cân đo đong đếm” lợi ích, mùa hè tiếp tục được dự báo sẽ nóng hơn, khô hơn và nguy hiểm hơn.
Trong bối cảnh đó, cộng đồng quốc tế kêu gọi không lơ là “ngoại giao khí hậu”. Sử dụng hiệu quả hơn các quỹ hiện có để hỗ trợ các nước đang phát triển dễ bị tổn thương; tăng cường hợp tác khu vực để thiết lập các cơ chế chính thức lâu dài; thúc đẩy sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) là các giải pháp được nhấn mạnh thời gian tới. Bên cạnh đó, điều quan trọng là tiếp tục thay đổi cách nhìn của con người về thiên nhiên, vốn vẫn bị không ít người coi là lĩnh vực tách biệt đời sống.
Theo Thể Trần/ Nhân Dân
https://nhandan.vn/ngoai-giao-khi-hau-trong-vong-xoay-bien-doi-khi-hau-toan-cau-post895981.html