Nam thanh niên N.M.L (25 tuổi, sinh sống tại Hồng Kông, Trung Quốc) nhập viện trong tình trạng vùng cằm sưng to, tấy đỏ như 'phát sáng', đau nhức dữ dội, ảnh hưởng rõ rệt đến khả năng ăn uống và sinh hoạt hằng ngày sau thời gian tiêm filler.
Theo chia sẻ của anh L., trước đó anh đã từng tiêm filler nhiều lần ở Hồng Kông để cải thiện dáng cằm lẹm. Tuy nhiên, không hài lòng với kết quả, anh đã tiếp tục tiêm tan filler. Chưa dừng lại ở đó, chỉ sau hơn 2 tháng, anh lại tiêm tiếp 4cc filler mới vào vùng cằm, khiến tổ chức mô tại đây bị tổn thương nghiêm trọng.
Đêm 23.7, ngay sau khi tiếp nhận và thăm khám, các bác sĩ Bệnh viện JW chẩn đoán anh bị viêm mô hoại tử do ổ áp xe lan rộng bên dưới vùng cằm - một biến chứng nguy hiểm nếu không xử lý kịp thời. Ê kíp lập tức kích hoạt quy trình mổ khẩn trong đêm.
Sáng 24.7, tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Phan Tú Dung, Tổng giám đốc Bệnh viện JW, cho biết, xuyên suốt 3 tiếng phẫu thuật trong đêm, ê kíp đã nạo hút triệt để toàn bộ filler còn tồn dư cũng như xử lý các ổ mủ viêm lan sâu. Đặc biệt, kỹ thuật siêu âm tích hợp AI được ứng dụng liên tục trong ca mổ, cho phép bác sĩ thăm dò chính xác ổ áp xe, xác định đường lan sâu của filler, từ đó định hướng thao tác can thiệp mà không làm tổn thương mô lành.
Toàn bộ quá trình phẫu thuật được thực hiện qua đường mổ bên trong khoang miệng, giúp bảo toàn yếu tố thẩm mỹ, tránh để lại sẹo sau phẫu thuật. Nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại và sự phối hợp nhịp nhàng giữa các chuyên khoa, ca mổ đã diễn ra thành công, bệnh nhân đang trong giai đoạn hồi phục tích cực.
Chiếc cằm sưng tấy như "phát sáng" sau biến chứng tiêm filler ẢNH: BSCC
Nạo hút gần 3 lít filler, mô hoại tử sau biến chứng tiêm filler tại spa không phép
Trước đó một ngày (22.7), Bệnh viện JW tiếp nhận trường hợp mô hoại tử lan sâu, áp xe toàn vùng cơ. Khai thác bệnh sử được biết, năm 2019 chị N.T.H. (29 tuổi, quốc tịch Singapore) từng tiêm khoảng 1000ml filler tại một spa không phép, sau đó tiếp tục thực hiện cấy mỡ làm đầy mông vào năm 2021. Nhưng sau một thời gian tiêm filler, mông đùi rơi vào tình trạng lồi lõm, mô cơ lỏng lẻo khiến chị mất tự tin trong sinh hoạt, đi đứng khó khăn.
Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Phan Tú Dung cho biết, qua thăm khám lâm sàng và chẩn đoán bằng hình ảnh MRI, siêu âm màu 5D cho thấy filler hiện đã ăn sâu vào lớp mô cơ, gây hoại tử lan rộng từ mông sang đùi nhưng bệnh nhân hoàn toàn không hay biết, dẫn đến việc điều trị muộn khiến tình trạng áp xe cực kỳ nghiêm trọng.
"Nguyên nhân được xác định là do kỹ thuật tiêm filler sai vị trí, xuyên qua bao cơ, vào lớp cơ, tiêm quá nhiều, khắp các vị trí khiến chất làm đầy len lỏi sâu khắp nơi, gây nhiễm trùng và hoại tử sâu vào mô cơ", bác sĩ Dung cho hay.
Do filler đã lan rộng khắp các vị trí tạo thành cấu trúc tổ ong khó xác định, bác sĩ Dung chỉ định cần thực hiện phẫu thuật nạo filler gấp, đồng thời ra y lệnh ứng dụng kỹ thuật siêu âm AI xuyên suốt quá trình mổ.
Gần 3 lít filler, mô hoại tử... được nạo hút ra ngoài ẢNH: BSCC
Sau ca phẫu thuật, gần 3000 ml hỗn hợp dịch hoại tử gồm filler, mô hoại tử và máu đã được nạo hút ra. Bệnh nhân sẽ tiếp tục đặt máy hút áp lực âm VAC trong 5 ngày, chăm sóc để hồi phục. Sau 6 tháng - 1 năm, bệnh nhân có thể thực hiện cấy mỡ để làm đầy vòng 3.
"Chỉ thực hiện tiêm filler tại các cơ sở y tế được cấp phép, có bác sĩ chuyên khoa đào tạo bài bản. Không tin vào quảng cáo giá rẻ, tiêm tại nhà, không có nguồn gốc rõ ràng. Khi xuất hiện dấu hiệu bất thường sau tiêm (đau kéo dài, sưng đỏ, biến dạng, mất cảm giác…), cần đến bệnh viện chuyên khoa để được thăm khám và xử lý kịp thời", bác sĩ Dung khuyến cáo.
Theo Lê Cầm/ Thanh niên
https://thanhnien.vn/tiem-filler-de-chinh-cam-lem-cam-cua-nam-thanh-nien-bi-sung-do-nhu-phat-sang-185250724111224148.htm