Chủ trương 'một chương trình, nhiều sách giáo khoa' không phải là ý tưởng mới nảy sinh, mà là kết quả của quá trình nghiên cứu, thảo luận và ban hành nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ suốt hơn một thập niên.
Phụ huynh tại TP.HCM mua sách giáo khoa cho con chuẩn bị năm học mới - Ảnh: NHƯ HÙNG
Nghị quyết 29 (2013) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã nhấn mạnh việc "đa dạng hóa học liệu, xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, mỗi môn học có một hoặc một số sách đạt chuẩn".
Chủ trương này được cụ thể hóa tại nghị quyết 88/2014 của Quốc hội, tái khẳng định bởi kết luận 91 (2024) của Bộ Chính trị, và triển khai bằng nghị quyết 51 (2025) của Chính phủ.
Nghị quyết và luật: nền tảng không thể bỏ qua
Các văn kiện nói trên đều nhất quán: Việt Nam phải thực hiện một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất, trên cơ sở đó cho phép mỗi môn học có nhiều sách giáo khoa phù hợp với chương trình để vừa bảo đảm chuẩn kiến thức quốc gia, vừa khuyến khích sáng tạo và đáp ứng nhu cầu đa dạng của học sinh.
Đây là sự lựa chọn chiến lược, không phải thử nghiệm tạm thời.
Việt Nam không đơn độc khi áp dụng mô hình nhiều bộ sách giáo khoa. Nhiều nền giáo dục tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Mỹ... đã áp dụng mô hình này từ lâu và chứng minh rằng nó có thể vận hành hiệu quả.
Nhiều bộ sách giáo khoa không đồng nghĩa với hỗn loạn. Vấn đề cốt lõi nằm ở chỗ quản lý và giám sát chất lượng, chứ không phải ở số lượng bộ sách. Khi được vận hành đúng, mô hình này không chỉ nâng cao chất lượng học liệu nhờ cạnh tranh lành mạnh, mà còn giúp học sinh ở những điều kiện khác nhau tiếp cận kiến thức theo cách phù hợp hơn.
Bức xúc là do cách làm, không phải chủ trương
Phản ánh của cử tri về sự rối rắm trong lựa chọn sách, hay lo ngại về lợi ích nhóm, là hoàn toàn có cơ sở. Nhưng nguyên nhân chính không nằm ở chủ trương nhiều bộ sách giáo khoa, mà ở cách triển khai chưa minh bạch và thiếu đồng bộ.
Khâu lựa chọn sách ở không ít nơi còn thiếu công khai minh bạch, dẫn đến nghi ngại về chất lượng và sự công bằng. Nhiều giáo viên và trường học than phiền việc chọn sách bị chi phối bởi yếu tố ngoài chuyên môn.
Mặc dù đã được thông tin, giải thích rõ ràng nhưng tâm lý nhiều học sinh và cha mẹ học sinh vẫn lo lắng về khả năng xảy ra thiếu công bằng trong các kỳ thi đối với học sinh học các bộ sách giáo khoa khác nhau.
Chính những lỗ hổng này dẫn đến tâm lý muốn quay lại "một bộ sách duy nhất" - điều không còn phù hợp với mục tiêu đổi mới và hội nhập.
Duy trì một bộ sách giáo khoa duy nhất có thể tạo sự thống nhất hình thức nhưng đi kèm nhiều hệ lụy.
Thứ nhất, nó dễ dẫn đến độc quyền, triệt tiêu động lực cải tiến và sáng tạo trong biên soạn sách.
Thứ hai, với đặc thù đa dạng về văn hóa, xã hội và điều kiện học tập của Việt Nam, một bộ sách khó đáp ứng đồng đều nhu cầu của học sinh từ miền núi, vùng sâu đến đô thị.
Thứ ba, tiếp tục duy trì bộ sách "của Nhà nước" (thực chất do một doanh nghiệp nhà nước làm) là tiếp tục lấy tiền từ ngân sách, trong khi lẽ ra có thể tiết kiệm khoản chi phí này để chi vào những việc khác.
Quan trọng hơn, giáo dục hiện đại không chỉ dừng ở việc truyền thụ kiến thức, mà phải hình thành kỹ năng tư duy phản biện, tự học và sáng tạo. Điều này khó đạt được nếu mọi học sinh đều học theo một khuôn mẫu cứng nhắc, thiếu linh hoạt.
Quay lại mô hình cũ chẳng những đi ngược xu thế quốc tế, mà còn kìm hãm nỗ lực nâng tầm trí tuệ và năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
Làm thế nào để nhiều bộ sách giáo khoa trở thành động lực? Thay vì sa vào tranh cãi "một hay nhiều bộ sách", điều quan trọng là làm cho chủ trương nhiều bộ sách giáo khoa vận hành minh bạch, công bằng và hiệu quả. Một số giải pháp then chốt cần triển khai: 1. Minh bạch hóa thẩm định và kiểm định: công khai tiêu chí, mời chuyên gia độc lập, đại diện giáo viên và phụ huynh tham gia hội đồng. |
Theo TS Tô Văn Trường/ Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/vi-sao-phai-mot-chuong-trinh-nhieu-sach-giao-khoa-20250724231325528.htm