19
/
183096
Không gian du lịch rộng mở ở “Thủ đô gió ngàn”
khong-gian-du-lich-rong-mo-o-thu-do-gio-ngan
news

Không gian du lịch rộng mở ở “Thủ đô gió ngàn”

Thứ 3, 15/07/2025 | 11:45:00
111 lượt xem

Với hệ thống giao thông ngày càng hoàn thiện cùng quy hoạch du lịch là ngành kinh tế quan trọng, Thái Nguyên đang chuyển mình để khẳng định là điểm đến du lịch hàng đầu vùng đông bắc.

Chèo kayak trên thắng cảnh hồ Ba Bể. (Ảnh: HƯƠNG DỊU)

Vận hội mới

Khi chưa hợp nhất, tỉnh Bắc Kạn (cũ) xác định du lịch là kinh tế mũi nhọn nhờ sở hữu tiềm năng lớn phát triển du lịch lịch sử và sinh thái; Thái Nguyên (cũ) cũng xác định du lịch là ngành kinh tế quan trọng với tiềm năng về du lịch lịch sử, nông nghiệp và nhiều khu vui chơi, giải trí. Giờ đây, Thái Nguyên có sự “cộng hưởng” tiềm năng, thế mạnh của hai vùng đất.

Nhắc đến Thái Nguyên phải nhắc tới du lịch lịch sử với danh xưng “Thủ đô gió ngàn” với những khu di tích An toàn khu Định Hóa, Chợ Đồn. Trong tiến trình lịch sử kháng chiến chống Pháp cả hai địa danh đều ghi đậm dấu ấn hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước và Bác Hồ kính yêu. Vận hội mới với “hành lang” du lịch lịch sử nối từ Định Hóa, Chợ Đồn kết nối với Tân Trào (Tuyên Quang) đã mở ra.

Theo Tiến sĩ Lê Quang Đăng (Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam), không gian phát triển du lịch của tỉnh Thái Nguyên giờ rộng lớn hơn. Tỉnh có 4 thế mạnh gồm: Tài nguyên du lịch sinh thái, tự nhiên; du lịch văn hóa, lịch sử, cách mạng; du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch cộng đồng gắn với các dân tộc vùng cao.

Sự đa dạng đó giúp Thái Nguyên có lợi thế để “níu chân” du khách lâu hơn. Sau hành trình từ Hà Nội đến trung tâm tỉnh Thái Nguyên chỉ khoảng một giờ đồng hồ, du khách có thể khởi đầu bằng du lịch lịch sử, tham quan hồ Núi Cốc, trải nghiệm du lịch vùng chè, ngược sông Cầu để đến với thắng cảnh hồ Ba Bể, trải nghiệm các khu vui chơi, giải trí…

Bên cạnh đó, Thái Nguyên là vùng đất có tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa phong phú, đa dạng bậc nhất miền bắc Việt Nam, với hàng nghìn điểm di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh; trong đó, có 3 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt; 67 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 316 di tích xếp hạng cấp tỉnh; 43 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và nhiều địa danh được xếp là “địa chỉ đỏ”.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuyết Nhung (Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc), với kho tàng di sản văn hóa phi vật thể phong phú, Thái Nguyên có không gian du lịch rộng mở. Đây là điều kiện thuận lợi để hình thành các tuyến, điểm du lịch có chiều sâu như: Du lịch sinh thái, văn hóa ở Ba Bể và các khu di tích An toàn khu; du lịch cộng đồng và phát triển các không gian trình diễn nghệ thuật dân gian đàn tính, múa rối cạn, hát lượn…

Thái Nguyên cũng là vùng đất có hệ thống tài nguyên du lịch hồ mạnh bậc nhất trong khu vực với các hồ Ba Bể, Núi Cốc, Ghềnh Chè. Ngoài ra, Khu Bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải được Tổ chức du lịch thế giới công nhận là 1 trong 32 “Làng du lịch tốt nhất thế giới” năm 2022 và là 1 trong 2 sản phẩm OCOP du lịch 5 sao đầu tiên trên toàn quốc. Cùng với đó, tỉnh còn có các điểm đến du lịch cộng đồng, nông thôn gắn với cảnh đẹp thiên nhiên bên sườn đông Tam Đảo, Vườn quốc gia Ba Bể và những vùng chè thơ mộng.

Theo Giám đốc Công ty cổ phần phát triển du lịch và truyền thông Hà Nội Hà Minh Cường, Thái Nguyên có điều kiện lý tưởng cho du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và khám phá. Với mạng lưới giao thông phát triển, gần Thủ đô Hà Nội, dễ dàng kết nối với các tỉnh lân cận, đây là một thị trường du lịch đầy tiềm năng.

Cộng hưởng tiềm năng

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên Dương Xuân Hùng, sáp nhập không đơn thuần là cộng dồn, mà là sự cộng hưởng tài nguyên du lịch của hai tỉnh cũ. Khai thác tiềm năng này là nhiệm vụ quan trọng đối với Thái Nguyên. Ngay trong tuần đầu tiên vận hành, dù công việc còn bộn bề, nhưng Thái Nguyên đã tổ chức tọa đàm đánh giá tiềm năng, gợi mở những giải pháp để phát triển du lịch.

anh-man-hinh-2025-07-15-luc-11608-sa.pngTrình diễn dân ca, dân vũ trên phố đi bộ Sông Cầu, phường Bắc Kạn. (Ảnh: TUẤN SƠN)

Mới đây, Tập đoàn Route Inn đến từ Nhật Bản đã quyết định đầu tư gần 400 tỷ đồng xây dựng khách sạn Route Inn Grand Thái Nguyên quy mô 14 tầng, 350 phòng, với các tiện ích chuẩn Nhật Bản, kết hợp văn hóa Việt Nam và Nhật Bản.

Thái Nguyên cũng đang nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm du lịch nhằm định vị thương hiệu riêng có. Trong năm 2025, sản phẩm du lịch gắn với văn hóa trà và tuyến đường sắt Hà Nội-Thái Nguyên chính thức ra mắt.

Một cách làm hiệu quả đang được Thái Nguyên triển khai là gắn phát triển du lịch với nông nghiệp, cụ thể là cây chè. Trên địa bàn các xã trung du của Thái Nguyên hiện nay có 34 hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ kết hợp du lịch trong sản xuất chè. Các hợp tác xã này tạo ra mô hình du lịch độc đáo với tổng vốn hơn 350 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 1.000 thành viên và gần 700 lao động. Vùng chè Thái Nguyên mỗi năm thu hút hàng nghìn lượt du khách tham quan, trải nghiệm, lưu trú.

Khó khăn lớn nhất với Thái Nguyên hiện nay là sản phẩm du lịch còn nghèo nàn; du khách chủ yếu từ nội địa, ít khách quốc tế; hạ tầng kỹ thuật du lịch, giao thông hạn chế; nhân lực du lịch thiếu và yếu. Chính vì vậy, theo Tiến sĩ Lê Quang Đăng, điều cần làm lúc này là tỉnh nên tổ chức lại không gian phát triển du lịch; định hướng lại hệ thống sản phẩm du lịch; định vị lại thị trường du lịch và định hình lại cách làm du lịch.

Một trong những vấn đề căn cốt là hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông. Hiện tại, đường cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên đã xuống cấp, trong khi kết nối giao thông lên các thắng cảnh cũng khó khăn. Tỉnh đang tập trung chỉ đạo hoàn thành phần còn lại của dự án đường đi hồ Ba Bể, kết nối sang Na Hang (Tuyên Quang), phối hợp Ban quản lý dự án 2 (Bộ Xây dựng) đẩy nhanh tiến độ dự án đường cao tốc Chợ Mới-Bắc Kạn. Thái Nguyên cũng kiến nghị Trung ương quan tâm đầu tư nâng cấp đường cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên từ 4 lên 6 làn xe; đầu tư xây dựng đường cao tốc tuyến Thái Nguyên-Cao Bằng; mở rộng đường Thái Nguyên-Chợ Mới.

Theo Phó Cục trưởng Du lịch quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu, vị trí trên bản đồ du lịch của Thái Nguyên chưa tương xứng tiềm năng. Do đó, tỉnh phải hoàn thiện chính sách phát triển du lịch; quy hoạch và định vị lại du lịch theo tầm nhìn mới và tầm vóc mới, ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng, đồng bộ chuyển đổi số và đẩy mạnh quảng bá ra thế giới.

Hiện tại, Thái Nguyên xác định sẽ tập trung xây dựng 4 dòng sản phẩm du lịch gắn với văn hóa Trà gồm: Du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử, về nguồn; Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; Du lịch cộng đồng, nông thôn; Du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị), thể thao, khám phá hang động mạo hiểm. Mục tiêu đặt ra là đưa du lịch tăng trưởng hai con số trong thời gian tới.

Theo Thế Bình-Tuấn Sơn/ Nhân Dân

https://nhandan.vn/khong-gian-du-lich-rong-mo-o-thu-do-gio-ngan-post893750.html

  • Từ khóa

MICE EXPO 2025 hướng đến Di sản và Công nghệ

Sáng 15/7, dưới sự chỉ đạo của Hiêp hội du lịch Việt Nam, Chi hội Du lịch MICE Việt Nam (VMA) chính thức công bố sự kiện MICE EXPO 2025 diễn ra ngày...
15:48 - 15/07/2025
15 lượt xem

MC Hoàng Linh bị phạt 107,5 triệu đồng vì quảng cáo sữa

MC Hoàng Linh bị phạt hành chính 107,5 triệu đồng, phải tháo gỡ, xóa quảng cáo và buộc cải chính thông tin vì quảng cáo sản phẩm dinh dưỡng HIUP 27 gây...
15:20 - 15/07/2025
27 lượt xem

Tác giả Việt Nam giao lưu với độc giả Trung Quốc về văn hóa Việt

Trong khuôn khổ Ngày hội Đọc sách quốc tế và thư pháp thành phố Sùng Tả năm 2025 (Quảng Tây, Trung Quốc) và chuyến giao lưu ra mắt sách của Chibooks, tác...
14:31 - 15/07/2025
54 lượt xem

Tăng cường quảng bá hình ảnh Việt Nam qua điện ảnh Ấn Độ

Chiều 14/7, tại Hà Nội, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong tiếp và làm việc với ông Rahul Bali, Giám đốc điều hành Công ty Innovations...
11:56 - 15/07/2025
101 lượt xem

Chợ vải thiều ở Bắc Ninh 'gây sốt' nhờ bộ ảnh đẹp như phim trường

Có mặt tại chợ vải xã Lục Ngạn (Bắc Ninh) từ 4h30, nhiều du khách choáng ngợp trước khung cảnh hàng ngàn chiếc xe chở vải thiều đỏ rực. Ai cũng nhanh...
07:26 - 15/07/2025
235 lượt xem