16
/
183732
Nhựa Bình Minh đề nghị giám đốc thẩm vụ tranh chấp dấu hiệu 'BÌNH MINH'
nhua-binh-minh-de-nghi-giam-doc-tham-vu-tranh-chap-dau-hieu-binh-minh
news

Nhựa Bình Minh đề nghị giám đốc thẩm vụ tranh chấp dấu hiệu 'BÌNH MINH'

Thứ 2, 28/07/2025 | 11:00:00
318 lượt xem

Nhựa Bình Minh đề nghị Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao xem xét các bản án liên quan theo thủ tục giám đốc thẩm, vì cho rằng tòa cấp dưới áp dụng chưa đúng luật Sở hữu trí tuệ.

Công ty CP nhựa Bình Minh cho biết đã nộp đơn đề nghị Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM, phúc thẩm của TAND cấp cao tại TP.HCM đối với vụ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ nhãn hiệu "ống nhựa Bình Minh" giữa nguyên đơn Công ty CP nhựa Bình Minh và bị đơn là Công ty CP nhựa Bình Minh Việt.

Nhựa Bình Minh đề nghị giám đốc thẩm vụ tranh chấp dấu hiệu 'BÌNH MINH'- Ảnh 1.

Luật sư Mai Thị Thảo (bảo vệ quyền lợi cho nguyên đơn) đưa ra hành vi cố ý xâm phạm nhãn hiệu của Công ty CP nhựa Bình Minh ẢNH: MAI TUYẾT

Theo Công ty CP nhựa Bình Minh (gọi tắt nhựa Bình Minh), công ty là chủ sở hữu hợp pháp của nhiều nhãn hiệu uy tín lâu đời như “ỐNG NHỰA BÌNH MINH”, “BÌNH MINH”, “NHỰA BÌNH MINH”, “BM PLASCO”, đã được bảo hộ từ năm 1991 và sử dụng liên tục, rộng khắp.

Năm 2023, nhựa Bình Minh phát hiện Công ty CP Nhựa Bình Minh Việt (gọi tắt nhựa Bình Minh Việt) sử dụng dấu hiệu “NHỰA BÌNH MINH VIỆT”, “BÌNH MINH VIỆT” trên bao bì, sản phẩm, website và mạng xã hội, gây nhầm lẫn nghiêm trọng cho người tiêu dùng.

Dù đã tiến hành các bước pháp lý cần thiết, bao gồm giám định xâm phạm và cung cấp văn bằng bảo hộ, tòa vẫn bác các yêu cầu của nhựa Bình Minh với lập luận rằng logo, nhãn hàng, kích thước, kiểu chữ, nguồn gốc hàng hóa hoàn toàn khác nhau, không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Trong đơn đề nghị giám đốc thẩm, nhựa Bình Minh đã đưa ra nhiều ý kiến pháp lý, cho rằng nhận định của tòa mang tính chất cảm tính, thiếu chuyên môn khoa học về sở hữu trí tuệ, không đánh giá chứng cứ một cách khách quan, toàn diện.

Cụ thể, theo nhựa Bình Minh, HĐXX sai lầm trong sử dụng thuật ngữ và đối tượng pháp lý, khi nhiều lần sử dụng từ “logo” thay vì “nhãn hiệu” – một khái niệm pháp lý được định danh trong luật Sở hữu trí tuệ. Điều 4.16 luật Sở hữu trí tuệ định nghĩa “nhãn hiệu” là dấu hiệu phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân với nhau.

Nguyên đơn nhấn mạnh đối tượng khởi kiện là dấu hiệu “BÌNH MINH” mà bị đơn sử dụng, nhưng tòa án lại bỏ qua và xoay quanh việc so sánh “logo” hoặc các nhãn hiệu không phải đối tượng khởi kiện.

"Việc tòa thay thế tùy tiện bằng “logo” làm sai lệch đối tượng tranh chấp, và làm căn cứ bác yêu cầu là thiếu cơ sở", nhựa Bình Minh nêu.

Bên cạnh đó, nhựa Bình Minh cho rằng, tòa án chỉ dựa vào so sánh trực quan về hình ảnh, kiểu chữ, kích thước mà không xem xét “khả năng gây nhầm lẫn từ góc nhìn người tiêu dùng trung bình trong điều kiện thực tế tiêu dùng” theo Điều 129 luật Sở hữu trí tuệ và thông lệ quốc tế.

Bởi thành tố “BÌNH MINH” chiếm vị trí nổi bật trong các sản phẩm của nhựa Bình Minh Việt, dễ gây nhầm lẫn theo nguyên tắc thị giác học. Hàng hóa của hai bên cũng trùng hoặc tương tự về bản chất, chức năng và kênh tiêu thụ.

Đồng thời, HĐXX sơ thẩm và phúc thẩm bỏ qua chứng cứ chuyên môn quan trọng, bao gồm vi bằng ghi nhận sản phẩm chứa dấu hiệu xâm phạm, các kết luận giám định của Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ, quyết định xử phạt hành chính của Cục QLTT tỉnh Long An, và kết luận của Thanh tra Bộ KH-CN. Đặc biệt, vi bằng ghi nhận lời khai của người tiêu dùng xác nhận đã mua nhầm sản phẩm của nhựa Bình Minh Việt vì tin đó là của nhựa Bình Minh cũng bị phớt lờ…

Trong đơn đề nghị giám đốc thẩm, nhựa Bình Minh đưa ra một số vụ án tương tự ở quốc tế và Việt Nam.

Chẳng hạn, trong vụ "Golden Lady" và "Golden Line" (EUIPO - Cơ quan sở hữu trí tuệ Liên minh Châu Âu, 2022), dù khác nhau một từ, tòa vẫn tuyên vi phạm vì "Golden" là yếu tố chi phối nhận thức người tiêu dùng. Chỉ thay đổi hậu tố hoặc thêm từ mô tả không đủ loại trừ khả năng nhầm lẫn nếu yếu tố chính bị giữ nguyên.

Tại Việt Nam, các vụ "VINCOM" và "VINCON", "ASANZO", và "ASANNO", "BIA SÀI GÒN", và "BIA SÀI GÒN VIỆT NAM" đều đã được xử lý theo hướng bảo vệ yếu tố nhận diện chính.

Theo Phan Thương/ Thanh niên

https://thanhnien.vn/nhua-binh-minh-de-nghi-giam-doc-tham-vu-tranh-chap-dau-hieu-binh-minh-185250728061425704.htm

  • Từ khóa

Khởi tố nhóm đối tượng tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy

Ngày 28/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra Lệnh tạm giam đối với Lê Nguyễn Thanh Ngân,...
15:12 - 28/07/2025
184 lượt xem

Chỉ học lớp 3, chủ Đất Xanh Long An, Thiên Phúc Hoàng Gia, Hưng Thịnh Cát Tường lừa gần ngàn người

Qua 3 dự án Thiên Phúc Hoàng Gia, Hưng Thịnh Cát Tường và Đất Xanh Long An do Hồng "vẽ" tại Long An trước đây, 967 người đã bị lừa đảo với số tiền tổng...
14:02 - 28/07/2025
215 lượt xem

Đà Nẵng: Khởi tố thêm nhiều đối tượng trong đường dây đánh bạc quy mô 350 tỷ đồng

Mở rộng đấu tranh, triệt phá giai đoạn 2 chuyên án đánh bạc và tổ chức đánh bạc trên không gian mạng quy mô khoảng 350 tỷ đồng, cơ quan chức năng Công an...
07:59 - 28/07/2025
368 lượt xem

Hải Phòng: Mâu thuẫn gia đình, bố chém con gái trọng thương

Do mâu thuẫn gia đình, người cha đã dùng dao chém con gái hai nhát trọng thương.
15:30 - 25/07/2025
2,087 lượt xem

Cần phải làm gì khi bị đứng tên công ty ma

BTV - Tôi ra sân bay làm thủ tục xuất cảnh sang Trung Quốc thì được thông báo là không thể đi được do có lệnh cấm xuất cảnh. Liên hệ với cơ quan quản lý...
13:20 - 25/07/2025
2,077 lượt xem