190
/
181781
Vì sao bệnh suy thận có xu hướng trẻ hóa, cách phòng thế nào?
vi-sao-benh-suy-than-co-xu-huong-tre-hoa-cach-phong-the-nao
news

Vì sao bệnh suy thận có xu hướng trẻ hóa, cách phòng thế nào?

Thứ 2, 16/06/2025 | 14:12:00
2,015 lượt xem

Tình trạng suy thận đang có xu hướng trẻ hóa nhanh chóng tại Việt Nam, trở thành một trong những vấn đề y tế công cộng đáng lo ngại hiện nay.

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Diễm Hương, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cơ sở 3, không còn là bệnh của người cao tuổi, suy thận đang âm thầm tấn công vào nhóm dân số trẻ, đặc biệt là người dưới 40 tuổi - nhóm vốn được coi là lực lượng lao động chính của xã hội.

Theo báo cáo chuyên sâu từ các cơ sở y tế trong nước giai đoạn 2020-2025, tỷ lệ người trẻ từ 18 đến 30 tuổi mắc bệnh thận chiếm tới 20-30% tổng số ca bệnh thận. Điều này đặt ra một thách thức lớn không chỉ về mặt chuyên môn y học mà còn ở góc độ quản lý hệ thống y tế, an sinh xã hội và phát triển kinh tế quốc gia.

Vì sao bệnh suy thận có xu hướng trẻ hóa, cách phòng thế nào? - Ảnh 1.

Khi xuất hiện các triệu chứng như mệt mỏi kéo dài, phù mặt chân, tiểu đêm nhiều, nước tiểu có bọt... thì bệnh suy thận đã tiến triển nặng ẢNH MINH HỌA: AI

Nguyên nhân phổ biến dẫn đến suy thận ở người trẻ

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Diễm Hương cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh suy thận, trong đó có thể kể đến một số nguyên nhân chủ yếu sau:

Chế độ ăn uống mất cân đối: Người trẻ ngày càng tiêu thụ nhiều thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, đồ uống có đường. Mức tiêu thụ đường bình quân ở Việt Nam tăng gấp 4 lần trong 15 năm qua.

Thiếu vận động, thức khuya và căng thẳng kéo dài: Cường độ làm việc, học tập cao khiến nhiều người trẻ ngủ không đủ, thường xuyên stress và lười vận động. Đây là các yếu tố nguy cơ góp phần thúc đẩy các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, tiểu đường, béo phì - các bệnh lý nền gây tổn thương thận.

Thói quen nhịn tiểu, uống ít nước: Những hành vi tưởng chừng vô hại này lại góp phần làm suy giảm chức năng lọc thải của thận, tạo điều kiện cho viêm đường tiết niệu, sỏi thận và tổn thương nhu mô thận.

Lạm dụng thuốc và thực phẩm chức năng không kiểm soát: Việc tự ý dùng thuốc giảm đau, kháng sinh hay các loại thực phẩm chức năng "bổ thận, mát gan" không rõ nguồn gốc có thể gây viêm thận kẽ, hoại tử ống thận - hậu quả nặng nề thường phát hiện muộn.

Gia tăng các bệnh lý nền ở người trẻ: Tỷ lệ tiểu đường, tăng huyết áp, viêm cầu thận và rối loạn chuyển hóa ở người trẻ ngày càng tăng. Đáng chú ý, viêm cầu thận mạn tính - nguyên nhân hàng đầu dẫn đến suy thận - ngày càng được chẩn đoán ở những người dưới 35 tuổi.  

Giải pháp phòng ngừa suy thận từ sớm 

Theo Bộ Y tế, có tới 90% người mắc suy thận không hề biết mình đang mang bệnh. Khi xuất hiện các triệu chứng rõ rệt như mệt mỏi kéo dài, phù mặt chân, tiểu đêm nhiều, nước tiểu có bọt... thì đa phần bệnh đã tiến triển nặng.

Vì sao bệnh suy thận có xu hướng trẻ hóa, cách phòng thế nào? - Ảnh 2.

Điều trị sớm, kiểm soát tốt tiểu đường, tăng huyết áp, các bệnh lý miễn dịch... là cách phòng ngừa suy thận ẢNH: AI

Bác sĩ Diễm Hương cho biết, từ thực tế trên, đòi hỏi cần phải có chiến lược sàng lọc chủ động trong cộng đồng, đặc biệt ở nhóm có nguy cơ cao như người trẻ có lối sống không lành mạnh, người có tiền sử gia đình mắc bệnh thận, tăng huyết áp, tiểu đường.

Thay đổi hành vi sức khỏe: Giảm ăn mặn, tăng cường rau xanh, uống đủ nước, duy trì tập luyện đều đặn ít nhất 150 phút/tuần.

Khám sức khỏe định kỳ: Cần bổ sung các xét nghiệm nước tiểu, creatinine máu, đo huyết áp vào gói khám định kỳ cho người trẻ.

Kiểm soát bệnh nền: Điều trị sớm và kiểm soát tốt tiểu đường, tăng huyết áp, các bệnh lý miễn dịch như lupus hoặc viêm cầu thận.

Tăng cường truyền thông và giáo dục sức khỏe: Sử dụng mạng xã hội, KOLs và các chiến dịch truyền thông cộng đồng để thay đổi nhận thức về bệnh thận và thói quen sống có lợi cho thận.

Ứng dụng công nghệ số: Khai thác tiềm năng của trí tuệ nhân tạo và nền tảng sức khỏe số trong việc tầm soát sớm, nhắc nhở theo dõi, quản lý bệnh nhân và hỗ trợ điều trị.

Ngoài ra, trên lâm sàng, nhiều người trẻ dưới 40 tuổi có độ lọc cầu thận eGFR từ 60 đến dưới 90 mL/phút/1,73 m2 - mức vẫn được ghi là "bình thường" trong xét nghiệm - nhưng thực tế đã thấp hơn so với mức kỳ vọng theo tuổi (phải trên 90 mL/phút/1,73 m2). Điều này đặc biệt đáng lưu ý nếu đi kèm các yếu tố nguy cơ như: Béo phì, thiếu ngủ, hút thuốc, uống rượu bia thường xuyên, viêm mạn tính, tiền sử gia đình có tiểu đường, tăng huyết áp hoặc bệnh thận. Những trường hợp có eGFR thấp hơn ngưỡng này cần được theo dõi định kỳ phát hiện sớm tổn thương thận tiềm ẩn, điều chỉnh lối sống và kiểm soát yếu tố nguy cơ để ngăn tiến triển âm thầm thành suy thận.

Bác sĩ Diễm Hương khuyến cáo, suy thận sớm ở người trẻ không còn là vấn đề hiếm gặp mà đã trở thành một vấn đề y tế cộng đồng nghiêm trọng. Phòng ngừa sớm, thay đổi hành vi sống, tăng cường sàng lọc và quản lý yếu tố nguy cơ sẽ là chìa khóa để ngăn chặn làn sóng trẻ hóa của bệnh thận.

Theo M.Phúc/ Thanh niên

https://thanhnien.vn/vi-sao-benh-suy-than-co-xu-huong-tre-hoa-cach-phong-the-nao-185250616133659562.htm 

  • Từ khóa

Điều kiện của cơ sở được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 207/2025/NĐ-CP ngày 15/7/2025 quy định về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản và điều kiện mang thai hộ vì mục đích...
14:54 - 17/07/2025
207 lượt xem

Não người có bị 'hết dung lượng' ghi nhớ không?

Không giống như máy tính hay điện thoại, bộ não con người không hoạt động theo cách lưu trữ giới hạn. Thay vì có số ô nhớ cố định, não bộ ghi nhớ bằng...
15:20 - 17/07/2025
199 lượt xem

Nhiều chị em tự sử dụng thuốc nội tiết, nguy hiểm thế nào?

Tự ý điều trị tiền mãn kinh nguy hiểm ra sao? Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM đã ghi nhận nhiều ca bệnh đến khám và điều trị sau khi uống thuốc nội tiết.
12:25 - 17/07/2025
274 lượt xem

Muốn giảm cân nhanh hơn, hãy tranh thủ làm 4 điều này vào buổi sáng

Giảm cân không chỉ đơn thuần phụ thuộc vào số giờ tập gym hay lượng calo cắt giảm trong ngày. Trên thực tế, một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn đến việc...
11:41 - 17/07/2025
272 lượt xem

Thịt nhiễm khuẩn liên cầu lợn nấu chín là an toàn?

Nhiều người cho rằng thịt lợn chỉ cần nấu chín là có thể ăn được, kể cả khi thịt có dấu hiệu bất thường hay nhiễm khuẩn liên cầu lợn.
15:46 - 16/07/2025
798 lượt xem